Nắm bắt thời cơ, nhanh chóng tổ chức lực lượng
Bước sang năm 1945, cục diện chiến tranh Đông Dương và phong trào cách mạng ở nước ta có nhiều thay đổi quan trọng, mâu thuẫn Nhật - Pháp ngày càng lên cao. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, hưởng ứng Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, cùng với Nhân dân cả nước, cao trào kháng Nhật ở Hà Tĩnh phát triển rất mạnh mẽ, tạo tiền đề quan trọng cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sắp tới.
Ngày 8/8/1945, Đại hội Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh họp và đề ra các chủ trương rất quan trọng, chỉ đạo chuẩn bị một cách khẩn trương về các tổ chức chính trị và lực lượng quần chúng như Mặt trận Việt Minh, các hội cứu quốc, các đội tự vệ và tiểu tổ du kích để kịp thời đối phó với tình hình mới. Thực hiện quân sự hóa toàn dân (kể cả đảng viên) xúc tiến thành lập chiến khu chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang.
Để thuận lợi cho việc chỉ đạo phong trào, Đại hội quyết định chia Nghệ An, Hà Tĩnh ra làm 6 phân khu, phân công cán bộ phụ trách các phân khu. Ở Hà Tĩnh, có 2 phân khu 5 và 6. Phân khu 5 gồm các huyện: Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê. Phân khu 6 gồm các huyện: Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Hà Tĩnh (gọi là phân khu Nam Hà).
Sau khi phân tích, nhận định kỹ về tình hình có thể diễn ra khi tiến hành khởi nghĩa, Đại hội chỉ rõ: Đối với việc đón tiếp quân đồng minh, một mặt sẵn sàng khí giới, lương thực để ủng hộ họ khi đến tước khí giới Nhật, một mặt đề phòng để nếu họ tỏ thái độ xâm lược thì sẵn sàng đối phó. Vận động một phong trào treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu, dán biểu ngữ, rải truyền đơn khắp nơi; tổ chức các cuộc mít tinh, diễn thuyết, biểu tình thị uy để cổ động quần chúng, gây thanh thế cho phong trào.
Nắm bắt Chỉ thị của Trung ương, tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Việt Minh liên tỉnh do đồng chí Nguyễn Xuân Linh làm Bí thư, từ thành thị đến nông thôn của Hà Tĩnh rạo rực, trào dâng khí thế cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các lực lượng chính trị, tổ chức quần chúng, các địa phương khẩn trương họp bàn kế hoạch; các đội tự vệ, dân quân, du kích tích cực luyện tập quân sự chuẩn bị các loại vũ khí từ súng kíp, dao mác đến gậy gộc, sẵn sàng chiến đấu, giành thắng lợi khi thời cơ đến.
Ngày 13/8/1945, lãnh đạo Việt Minh phân khu Nam Hà được báo tin Nhật sắp đầu hàng đồng minh đã lập tức tổ chức Hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa và thành lập Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh. Sau đó 2 ngày, ngày 15/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Hà Tĩnh được thành lập gồm các đồng chí Lê Lộc, Phạm Thể, Trần Hữu Duyệt, do đồng chí Lê Lộc làm Chủ tịch. Cũng chiều hôm đó, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh nhận được tin Nhật đầu hàng đồng minh không điều kiện nên lập tức phát lệnh khởi nghĩa của Ủy ban Khởi nghĩa liên tỉnh Nghệ - Tĩnh.
Công tác chuẩn bị khởi nghĩa từ tỉnh xuống các địa phương diễn ra hết sức khẩn trương. Ủy ban khởi nghĩa các huyện, thị xã lập tức họp bàn thống nhất kế hoạch hành động. Khắp các ngõ xóm, làng quê, khối phố rộn ràng tiếng chiêng, trống, tù và để cổ vũ mọi nhà, mọi người tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Các đội tuyên truyền vũ trang với vũ khí bên người, hô hào bà con sung vào đội ngũ biểu tình, tuần hành thị uy, kêu gọi binh lính, chính quyền tay sai đầu hàng.
Lấy nông thôn bao vây thành thị, dùng bạo lực chính trị để giành chính quyền
Nhận thức sâu sắc tinh thần chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt là chủ trương của Đại hội Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh về vấn đề khởi nghĩa giành chính quyền “khi điều kiện cho phép sẽ tiến hành khởi nghĩa ở nông thôn trước, thành thị sau”, Ban Chỉ đạo phân khu Nam Hà quyết định “lấy bạo lực chính trị của quần chúng làm lực lượng chủ yếu để đập tan bộ máy chính quyền bù nhìn tay sai”. Coi trọng kết hợp thuyết phục dụ hàng bọn cầm đầu để tránh đổ máu với việc đề cao khí thế đấu tranh của quần chúng bằng cách biểu tình vũ trang liên tiếp trước khi khởi nghĩa. Đây là một quyết định rất đúng đắn và sáng suốt. Bởi tình hình thực tiễn những năm 40, đô thị nước ta, nhất là vùng Nghệ - Tĩnh mới hình thành, kinh tế phát triển chậm, tiềm lực, nhân lực hầu như chủ yếu nằm ở khu vực nông thôn. Nếu nắm được vùng nông thôn, dùng lực lượng quần chúng hùng hậu vành đai nông thôn làm bàn đạp bao vây thành thị, chắc chắn chính quyền và lực lượng binh lính ở đô thị sẽ hoang mang dẫn đến tan rã một cách nhanh chóng.
Trước khí thế xung thiên, ngút trời của Nhân dân, bộ máy chính quyền địch từ tỉnh đến huyện, xã nhanh chóng tê liệt. Các công sở đóng cửa nằm im chờ đợi. Nhiều đồn bốt địch bất động. Một số công chức nhỏ ở huyện, tỉnh tham gia Việt Minh hoặc nhận lời làm việc cho Việt Minh. Anh em binh lính đồn Linh Cảm (Đức Thọ) bỏ đồn về với dân.
Thời cơ ngàn năm có một đã đến. Ngày 16/8/1945, nhóm thanh niên cứu quốc ở Can Lộc đã huy động một số hội viên cùng bà con địa phương xông vào chiếm huyện đường, tước vũ khí của lính bảo an, bắt giữ tri huyện, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh.
Tiếp đó, sáng ngày 17/8/1945, theo lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa, các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên đã huy động hàng trăm quần chúng nhân dân với giáo mác, gậy gộc, cờ đỏ sao vàng từ 4 phía đổ về vây Đồn Trường. Trước sức mạnh của Nhân dân, tên Đồn trưởng Đồn Trường ở Cẩm Xuyên buộc phải lệnh cho cấp dưới hạ vũ khí đầu hàng. Quần chúng kéo về huyện lỵ, xông vào nhà lao mở cửa giải thoát tù nhân và tuyên bố thành lập Ủy ban Nhân dân lâm thời huyện. Cùng ngày, ở Thạch Hà, Ủy ban Khởi nghĩa ra lệnh cho các xã Phù Việt, Ngọc Lũy, Đan Chế, Ngọc Điền… huy động hàng nghìn quần chúng có vũ trang kéo về huyện lỵ giành chính quyền. Bộ máy tay sai của huyện nhanh chóng sụp đổ. Bọn nha lại xin đầu hàng, giao nộp giấy tờ, sổ sách, súng đạn… cho Ủy ban Khởi nghĩa.
Nắm bắt thời cơ, thúc đẩy tình hình diễn biến nhanh chóng theo đúng phương châm chỉ đạo lấy nông thôn và các vùng phụ cận bao vây thành thị, làm cho bộ máy chính quyền đầu não cấp tỉnh sớm sụp đổ, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh ngay lúc đó quyết định tổ chức cuộc mít tinh thị uy lớn ngay giữa thị xã Hà Tĩnh. Hàng ngàn người dân thị xã, các xã xung quanh, binh lính và công chức trong vùng đã kéo về dự. Đại diện lãnh đạo Ủy ban Khởi nghĩa thông báo tình hình và công bố lệnh khởi nghĩa trước sự hoan nghênh hưởng ứng, vỗ tay nhiệt liệt của rừng người, rừng cờ đỏ, xen lẫn trong âm thanh náo nhiệt của trống, chiêng, thanh la làm cho cả binh lính Nhật lẫn chính quyền bù nhìn tay sai nằm im thin thít, không dám kháng cự.
Từ đó cho đến hết ngày 18/8/1945 là quãng thời gian chuyển động hầu như không ngơi nghỉ của công việc chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa. Khắp nơi từ miền núi đến miền xuôi, khắp mọi nẻo đường đỏ rực cờ đỏ sao vàng, truyền đơn, biểu ngữ, khẩu hiệu được viết lên tường, lên ván, nong, nia… với nội dung: “Đánh đổ phát xít Nhật và chính phủ bù nhìn tay sai”. Nhân dân thị xã và các xã ven đô như Đại Nài, Trung Tiết… tổ chức thành những đoàn biểu tình đông đúc, diễu hành rầm rộ qua các con phố lớn, hân hoan chào đón ánh bình minh của cách mạng sắp tỏa rạng. Tỉnh trưởng chính quyền cũ trong giờ phút quá sợ hãi khí thế cách mạng của quần chúng đã xin gặp, giao nộp hết vũ khí và mọi sổ sách, giấy tờ, triện bạ cho Ủy ban Khởi nghĩa.
Phát huy thắng lợi, ngay trong ngày 18/8, ủy ban khởi nghĩa của các huyện Kỳ Anh, Đức Thọ lãnh đạo quần chúng chiếm nhanh huyện đường, chấp hành nghiêm thông tư khẩn cấp của Việt Minh, ngăn chặn kịp thời âm mưu của kẻ thù đưa tàn quân Pháp sau cuộc đảo chính Nhật - Pháp chạy sang Napê (Lào) nhảy trở về Nghệ - Tĩnh hòng lập lại ách thống trị. Tiếp đó là các huyện Nghi Xuân, Hương Sơn, ngày 19/8, đã tổ chức cho quần chúng biểu tình, thị uy, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Chỉ có huyện Hương Khê do ở xa trung tâm, xa sự chỉ đạo của phân khu nên nhận thông tin chậm, đến ngày 18/8, Việt Minh huyện mới họp để chuẩn bị khởi nghĩa. Dưới sự giúp sức của cán bộ và lực lượng Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh, ngày 21/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa huyện tổ chức cho quần chúng kéo đến trấn áp, tước vũ khí của binh lính đồn Chu Lễ, tiếp quản huyện lỵ, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn tỉnh.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh đã diễn ra rất khẩn trương và thắng lợi nhanh chóng nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, vận dụng sáng tạo nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Đảng ta, cộng với truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất của đồng bào, góp phần quan trọng vào sự thành công chung của Cách mạng tháng Tám năm 1945 trong cả nước. Thắng lợi đó là bước tạo đà hết sức quan trọng để Hà Tĩnh bước vào thời kỳ đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc.