Các bãi biển ở Hà Tĩnh đã bắt đầu đón lượng khách khá lớn đến vui chơi, tắm mát. Vì thế, đảm bảo sự an toàn cho du khách đã trở thành nhiệm vụ được ban quản lý các khu du lịch (KDL) biển đặt lên hàng đầu. Dọc các bờ biển, đội cứu hộ luôn túc trực, sẵn sàng khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
Tại KDL Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), những ngày này, 8 thành viên của Đội Cứu hộ - cứu nạn (CHCN) đã tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho du khách ở khu vực bãi tắm dài hơn 1 km.
Anh Phạm Văn Quyết - Đội trưởng Đội CHCN (Ban Quản lý KDL Thiên Cầm) thông tin: “Mỗi ngày, từ 5h sáng tới 21h đêm, chúng tôi thay nhau thực hiện việc quan sát, nhắc nhở và yêu cầu du khách không tắm ở các khu vực nguy hiểm hay vượt quá giới hạn cảnh báo. Khi phát hiện có người tắm xa bờ, chúng tôi sẽ dùng loa phóng thanh để kêu gọi trở về khu vực an toàn. Nếu phát hiện trường hợp đuối nước, đội sẽ nhanh chóng triển khai các phương án tiếp cận, đưa người đuối nước vào bờ và thực hiện các biện pháp sơ cứu”.
Tổ cứu hộ thuộc Ban Quản lý KDL biển Xuân Thành (Nghi Xuân) có 6 thành viên đảm nhận trách nhiệm bảo vệ an toàn cho du khách trên bãi tắm dài gần 2 km. Dù lực lượng mỏng, áp lực công việc lớn nhưng mỗi người đều nỗ lực hết mình, nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ trong quá trình làm việc. Với 4 chòi quan sát dọc bãi biển, các thành viên của tổ cứu hộ đã thay nhau trực cảnh báo nguy hiểm, đồng thời luân phiên tuần tra dọc bãi biển để kịp thời nhắc nhở du khách không vượt quá giới hạn cho phép.
Anh Nguyễn Văn Danh - người dân ở TP Hà Tĩnh cho biết: “Mỗi lần đến bãi tắm, chúng tôi khá yên tâm bởi có sự hiện diện của lực lượng cứu hộ. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, ngoài sự tận tâm của lực lượng này thì mỗi người dân, du khách vẫn cần nêu cao ý thức tự giác, chấp hành sự hướng dẫn của lực lượng cứu hộ để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh”.
Để chuẩn bị cho mùa du lịch biển năm 2024, Sở VH-TT&DL đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức về công tác CHCN và sơ cứu, cấp cứu cho thành viên đội cứu hộ. Đồng thời, chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ CHCN như: áo phao, cờ, phao tiêu, biển báo, loa cầm tay…
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác đảm bảo an toàn cho du lịch biển ở Hà Tĩnh vẫn còn nhiều khó khăn, bởi bãi tắm trải dài, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và thu hút nhân lực cho công tác CHCN còn hạn chế.
Để đảm bảo an toàn cho du khách trong mùa du lịch biển, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo ban quản lý các bãi tắm xây dựng phương án ứng cứu người gặp nạn trên biển; tăng cường tập huấn, hướng dẫn công tác sơ cứu, cấp cứu, phân công lực lượng ứng trực tại bãi tắm để nhắc nhở du khách tắm biển an toàn và ứng cứu kịp thời khi có tình huống đuối nước xảy ra. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động các hộ kinh doanh cùng vào cuộc trong công tác CHCN, đề nghị các địa phương bố trí thêm nguồn lực, tăng cường con người và cơ sở vật chất phục vụ công tác cứu hộ.