Năm 2024 thế giới xuất hiện nhiều siêu bão (sức gió tối đa từ 201 km/h trở lên, cấp 16) như Yagi ở Biển Đông và đổ bộ Việt Nam giảm khoảng 2-3 cấp; Gaemi, Krathon vào Trung Quốc; Helene và Milton nối tiếp nhau vào Mỹ. So với các năm trước, số siêu bão nhiều bất thường.
Ông Trương Bá Kiên, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khí tượng khí hậu, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, lý giải nguyên nhân chính xuất hiện nhiều siêu bão, bão mạnh là biến đổi khí hậu, làm tăng nhiệt độ của cả đại dương và khí quyển. Nước biển ấm lên sẽ cung cấp nhiều hơi nước, năng lượng cho các hệ thống thời tiết dẫn đến nhiều bão hơn và mạnh hơn.
Dẫn báo cáo thứ 6 của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, ông Kiên cho biết nếu nhiệt độ toàn cầu tăng một độ C thì sức tàn phá của bão tăng trung bình 40%. Trên thực tế, so với thời kỳ tiền công nghiệp, nhiệt độ toàn cầu đã tăng 1,3 độ C nên việc bão tăng cấp đột ngột cũng đang phổ biến hơn.
"Như bão Geami, Yagi mạnh lên nhanh chóng. Gần đây nhất bão Milton tăng từ cấp 1 đến 5 theo thang đo cường độ bão của Mỹ chỉ trong 24 giờ. Bão trở thành cuồng phong với sức gió 285 km/h, vào top 5 cơn mạnh nhất ở Đại Tây Dương", ông Kiên nói. Trong top 5 bão mạnh có ba cơn từ năm 2005 tới nay.
Theo ông Kiên, biến đổi khí hậu cũng làm giảm độ đứt gió thẳng đứng (sự thay đổi về tốc độ hoặc hướng gió theo độ cao) ở dọc bờ biển Đại Tây Dương của Bắc Mỹ và bờ biển Thái Bình Dương của châu Á. Độ đứt gió thẳng đứng càng lớn thì khả năng làm giảm cường độ của bão càng cao.
Nguyên nhân tiếp theo được Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đưa ra là đang diễn ra sự chuyển pha nhanh từ El Nino sang La Nina ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương. Điều này dẫn tới mất cân bằng nhiệt ẩm đại dương, làm tăng nguồn cung cấp năng lượng cho sự hình thành và phát triển của các cơn bão nhiệt đới.
Tháng 8 năm nay được coi là tháng nóng nhất lịch sử, tháng 9 nóng thứ nhì. Dù dự báo 2024 là năm La Nina, nhiệt độ bề mặt nước biển vẫn ấm hơn trung bình nhiều năm. "Đây là điểm bất thường góp phần vào việc cung cấp nhiệt ẩm cho những siêu bão", ông Kiên nói.
Ông Kiên dẫn chứng 1997 là năm El Nino mạnh, số lượng bão ở Tây Bắc Thái Bình Dương là 31, trong đó có 10 siêu bão. Năm 1998 chuyển sang La Nina có 26 cơn bão, trong đó có 7 siêu bão, lớn nhất là Typhoon Zeb tấn công Philippines và Đài Loan.
Cùng quan điểm trên, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho rằng chuyển pha ENSO (từ El Nino sang La Nina) và biến đổi khí hậu là hai nguyên nhân chính dẫn tới sự xuất hiện nhiều bão mạnh.
"Chúng ta đã chứng kiến sự bất thường về nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 1 đến 8 cao hơn trung bình giai đoạn 1991-2020 khoảng 0,7 độ C. Trong tương lai, số bão mạnh sẽ tăng, chẳng hạn bão ngưỡng CAT 4-5 (tốc độ gió lớn hơn 200 km/h, cấp 17) sẽ gia tăng", ông Khiêm nhận định.
Siêu bão nhiều hơn sẽ gây tác động nghiêm trọng đến con người, cơ sở hạ tầng và môi trường. Để giảm thiểu rủi ro, ngay từ bây giờ Việt Nam cần xây dựng các biện pháp ứng phó, quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đổ bộ miền Bắc ngày 7/9, bão Yagi đã làm chết 299 người, 34 người mất tích, 1.929 người bị thương; hư hỏng 238.000 ngôi nhà; trên 195.000 hecta lúa, 47.000 hecta hoa màu, 36.000 hecta cây ăn quả bị ngập úng; trên 4.700 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi. Thiệt hại kinh tế hơn 81.500 tỷ đồng.