Cháy xe do nhiên liệu rò rỉ
Tại thời điểm xảy ra va chạm, nhiên liệu có thể bị rò rỉ, điều này là nguyên nhân phổ biến nhất trong các vụ hỏa hoạn ô tô. Các chất lỏng khác nhau trong xe hơi đều có tính chất ăn mòn và dễ cháy.
Trong số các chất lỏng, xăng và dầu diesel là thứ nguy hiểm nhất, vì nó có thể dễ dàng bắt lửa từ tia lửa. Đặc biệt, chỉ cần hơi xăng tiếp xúc với các bề mặt kim loại nóng khác trên xe ô tô cũng hoàn toàn có thể gây cháy và lan với tốc độ rất cao.
Nhiệt lượng từ đám cháy xăng và dầu diesel cũng rất cao, chúng có thể dễ dàng nung cháy làm biến dạng khung vỏ xe cũng như các chi tiết kim loại khác của ô tô.
Anh Lê Đăng Hùng, cố vấn dịch vụ của đại lý Toyota cho biết, nhiên liệu xăng có thể tự bốc cháy trong khoảng nhiệt độ từ 250-300 độ C.
Do vậy khi xảy ra va chạm, nếu nhiên liệu bị rò rỉ và chảy tới những vị trí có nhiệt độ cao như cổ pô (nhiệt độ dao động từ 400-600 độ C) sẽ rất dễ bốc cháy.
"Để đảm bảo an toàn, khi xảy ra va chạm mọi người trong xe cần rời khỏi xe ngay lập tức, lái xe cần chú ý tắt máy và chìa khóa điện để đảm bảo các hệ thống không còn hoạt động, tránh sự cố ngoài ý muốn", anh Hùng cho biết thêm.
Do đó, người điều khiển xe cần phòng tránh bằng cách bảo dưỡng xe đúng theo định kỳ. Đặc biệt, nếu ngửi thấy mùi xăng xung quanh hoặc trong ô tô, cần tắt động cơ ngay lập tức khi đang di chuyển, tìm ra chỗ rò rỉ kịp thời và khắc phục.
Pin xe điện cháy khi xảy ra va chạm
Do cấu tạo thiết kế được đặt tại vị trí sàn xe, hệ thống pin dễ gặp phải những sự cố va chạm dẫn đến hư hỏng như sập gầm, bị đá văng. Những va chạm này hoàn toàn có khả năng dẫn đến đoản mạch, vỡ hệ thống pin và gây cháy.
Mặc dù được trang bị những công nghệ kiểm soát nhiệt tiên tiến cũng như được thiết kế với những tấm chắn chịu lực, tuy nhiên pin lithium-ion trên xe điện vẫn dễ dàng bốc cháy khi gặp va chạm mạnh.
Do pin lithium-ion có thể lưu trữ một lượng năng lượng khổng lồ trong một khoảng không gian rất nhỏ. Nếu pin tiếp xúc với nhiệt độ quá cao hoặc xe gặp phải sự cố giao thông có thể dẫn đến đoản mạch.
Lượng nhiệt được tạo ra khi dòng điện đi qua nhưng không thể thoát kịp dẫn đến nhiệt sinh ngày càng nhiều, làm cho pin bắt lửa và gây ra cháy nổ. Hoặc khi va chạm giao thông, pin lithium-ion có thể bị vỡ và thoát nhiệt gây ra tình trạng cháy nổ.
Khi xảy ra va chạm và nếu xuất hiện dấu hiệu hệ thống pin gặp sự cố, lái xe nên tắt hệ thống điện áp cao bằng cách thủ công thay vì chờ đợi hệ thống tự động tắt. Đây là việc làm cần thiết phải thực hiện nhằm phòng ngừa phát sinh cháy nổ khi xe gặp sự cố.
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng ô tô điện, tốt hơn hết người điều khiển nên đọc kỹ hướng dẫn từ nhà sản xuất để nắm rõ cách xử lý khi xe bị hư hỏng hoặc gặp tai nạn.