Hành trình săn cá ngạnh bắt đầu 10h trưa cho đến 15h chiều cùng ngày. Trên chiếc thuyền tôn cũ kỹ, với bộ đồ nghề đơn giản gồm máy nén hơi, cuộn dây dẫn khí, chúng tôi bắt đầu hành trình săn cá ngạnh trên sông Ngàn Sâu. Ngược dòng nước, khi thuyền chạy được khoảng 4km, bất ngờ ông Nguyễn Văn Bình (trú tại thôn 7, xã Hương Thọ) dừng thuyền rồi ra hiệu cho anh Nguyễn Văn Khánh (SN 1989) đi cùng chuẩn bị đồ nghề.
Lão Bình neo thuyền, cho hết cuộn ống khí xuống sông, quay chiếc máy nổ, phía đầu thuyền Khánh đã đeo đủ bộ đồ nghề nhanh chân nhảy bùm xuống sông rồi lặn mất hút trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi.
Sau 15 phút lặn, anh Nguyễn Văn Khánh ngoi lên với mớ cá ngạnh trên tay.
Phía trên thuyền, ông Bình có nhiệm vụ tiếp tục ra hoặc thu lại ống dẫn theo đường lặn của anh Khánh, để ý việc vận hành chiếc máy nổ. Lúc này, nếu muốn liên lạc với nhau, cả hai phải dùng ký hiệu từ ống dẫn khí. Nếu Khánh gặp sự cố muốn lên bờ thì cầm ống giật 3 lần, và ngược lại trên mặt sông, máy có trục trặc ông Bình sẽ cầm ống giật ký hiệu.
Ông Bình cho biết: “Mỗi lần lặn phải đến 20-30 phút Khánh mới ngoi lên, tùy vào việc cá nhiều hay ít, nếu bắt cá nhiều thời gian mỗi lần lặn ngắn hơn. Cá ngạnh về mùa nắng này lặn xuống sát đáy sông sâu, có nơi từ 15-20m, trốn ở những hốc đá lởm chởm hay những hang lớn, rất nguy hiểm đến tính mạng. Muốn bắt được phải lùa cá vào các hốc rồi dùng tay không chẹn bắt. Cá ngạnh ở khúc sông Ngàn Sâu này có những con lớn cả kg chứ không bé như ngón tay ở các nơi khác...".
Ông Nguyễn Văn Bình ngồi trên thuyền hỗ trợ khánh kéo dây và cung cấp khí
Cá ngạnh có giá từ 170-250 nghìn/kg
“Có những ngày trúng, anh em chúng tôi bắt được hơn 3 yến cá. Cá ngạnh không chỉ là đặc sản vùng miền núi, mà còn là vị thuốc dùng chữa dứt bệnh chảy máu cam ở trẻ nhỏ và người lớn. Sau khi lặn về, người ta đến mua cá tận nhà với giá từ 170-250 nghìn đồng/kg”, anh Khánh chia sẻ.
Tại xã Hương Thọ có gần chục hộ dân lặn bắt cá ngạnh, nhưng ông Bình và anh Khánh được người dân nơi đây gọi là những con rái cá. Những cửa rào, khúc sông Ngàn Sâu, Ngàn Trươi chảy qua vùng này là nơi mà họ vẫn đánh bắt cá ngạnh mỗi khi hè về.