“Em muốn chứng minh với mọi người, dù tàn nhưng ta không phế. Mắt ta mù nhưng trí tuệ ta sáng, thì ta có thể làm được tất cả những gì người bình thường khác làm được”. Ngồi bên nghe con tự tin bày tỏ, người mẹ, chị Trần Thị Sen mỉm cười mà nước mắt vẫn tuôn rơi.
Trần Việt Hoàng say sưa thổi sáo ca khúc "Lòng mẹ"
Cháy bỏng khát khao đến trường
Sinh ra và lớn lên thiếu vắng bàn tay che chở của người bố, cũng bởi vậy, với bà ngoại, mẹ và chị gái, từ khi mới ra đời, Trần Việt Hoàng là đã là chàng trai hi vọng, là chỗ dựa cho gia đình đơn chiếc, nghèo khó. Từ nhỏ Hoàng đã là đứa trẻ sớm biết lo toan cho gia đình, ngoan ngoãn, chăm học và học giỏi nhất làng.
Thế nhưng, số phận lại quá éo le khi những con chữ trên bảng cứ mờ dần trước mắt cậu bé ham học. Bằng mọi giá giữ cho con nguồn sáng, người mẹ nghèo đã bán hết gia sản, rồi vay tiền anh em, họ hàng, ngân hàng để suốt 4 năm liên tục thực hiện 4 cuộc phẫu thuật ở Bệnh viện Mắt Trung ương.
Nhưng rồi, mọi nỗ lực cũng đành chịu đầu hàng căn bệnh bong võng mạc giai đoạn cuối. Mẹ đau đớn, còn Hoàng chìm trong nỗi thất vọng trong màn đêm đen tối. “Lúc ấy với em, mọi ước mơ vụt tắt. Không còn những ngày tung tăng cùng bạn bè đến trường, những buổi thả diều trên cánh đồng làng quê. Chỉ còn màn đêm đen tối vây quanh không gian chật hẹp của 4 bức tường”, - Hoàng chậm rãi kể lại quãng thời gian khó khăn nhất của mình.
Vậy rồi, như một phép màu đến với em: “Lúc các cô ở Hội Người mù huyện Can Lộc đến thăm, động viên, và hứa sẽ dạy chữ Braille để được tiếp tục đến trường như bao bạn bè khác, em cảm giác mừng đến nghẹt thở khi biết cánh cửa cuộc đời mình chưa khép lại”.
Một năm tiếp cận chữ Braille, Hoàng vừa nỗ lực để đọc thông viết thạo, vừa nóng lòng chờ đến ngày trở lại ngôi trường thân yêu cùng các bạn. Ngày em trở lại lớp học hòa nhập ở ngôi trường gần nhà, trong vòng tay chan hòa, ấm áp của bạn bè, nghe cô giáo động viên, khen em hiểu bài nhanh, Hoàng đã mừng đến phát khóc. Đón em ngay ở cổng trường, bà ngoại, mẹ và chị gái đã ôm lấy em, cả gia đình nghẹn ngào nước mắt trong niềm hạnh phúc. Cũng từ đó, Hoàng bắt đầu chặng đường nỗ lực, tự tin khẳng định ý chí, nghị lực và trí tuệ của mình.
Mẹ là ánh sáng...
Con đường trở lại trường học của Hoàng dẫu đã mở ra, nhưng cũng rất nhiều gian truân, bởi việc đi lại phải hoàn toàn dựa vào người mẹ vốn sức khỏe yếu lại vất vả mưu sinh. Thế nhưng, người mẹ có dáng người nhỏ bé, khuôn mặt khắc khổ, lại mang trong mình căn bệnh suy thận ấy có một sức mạnh, sự kiên trì đáng nể. “Đường đến Trường THPT Đồng Lộc hơn 4 km, mỗi ngày 2 buổi học, 4 chuyến đón đưa trong khi công việc nhà nông quay như chong chóng, vậy nhưng chưa bao giờ tôi để con phải bỏ mất một buổi học”, - chị Trần Thị Sen tâm sự.
Mặc dù khiếm thị, nhưng năm học vừa qua, Hoàng tổng kết cả năm học đạt 8.2 điểm - thành tích cao nhất của lớp 10 A2, Trường THPT Đồng Lộc.
Tình yêu thương và quyết tâm của mẹ là động lực để Hoàng vượt qua muôn vàn thử thách trên con đường chinh phục kiến thức: “Em luôn nghĩ mẹ chính là đôi mắt, là nguồn sáng để em đi tới tương lai. Em còn có sự động viên, giúp đỡ thường xuyên của Hội Người mù, thầy cô, bạn bè. Mọi khó khăn vì vậy dần trở nên nhỏ bé”.
Ý chí quyết tâm cùng với tư chất thông minh, phương pháp học phù hợp đã giúp Hoàng vượt lên cả các bạn bình thường, luôn là học sinh dẫn đầu lớp và nhiều năm đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đặc biệt, năm lớp 9 Hoàng đạt giải 3 học sinh huyện môn Lịch sử và được vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi tỉnh.
Vào bậc THPT, Hoàng tiếp tục khẳng định năng lực ở phần lớn các môn học. Năm học vừa qua, cậu bé khiếm thị tổng kết cả năm học đạt 8.2 điểm - thành tích cao nhất của lớp 10 A2, Trường THPT Đồng Lộc.
Hoàng chia sẻ: “Em tiếp nhận kiến thức bằng việc tập trung cao nghe thầy cô giảng bài. Khi đã nắm chắc kiến thức ở lớp, thời gian ở nhà, với chiếc máy điện thoại có cài đặt phần mềm dành cho người mù (hỗ trợ tiếng nói), em tìm kiếm, chinh phục các dạng bài nâng cao.”
Khoảng trời của Hoàng được mở rộng hơn khi em trở thành tấm gương sáng của nghị lực vượt khó và được tham dự nhiều cuộc biểu dương, giao lưu học sinh khuyết tật tiêu biểu ở Thủ đô Hà Nội. “Mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi chuyến đi là điều kiện để em học tập những tấm gương đầy nghị lực. Từ đó em thêm lạc quan, tự tin để nỗ lực chinh phục mọi khó khăn, hòa nhập và cảm nhận cuộc sống muôn màu này”.
Chỉ lo mẹ gục ngã trước khi em trưởng thành
Chia sẻ về dự định tương lai, Hoàng cho biết, em thích nghề y học cổ truyền hoặc là học luật, vì vậy em đang tập trung cao cho các môn tự nhiên để từng bước với đi tới ước mơ của mình.
Hoàng tâm sự: “Vượt qua những tháng ngày tuyệt vọng, em không còn cảm thấy mặc cảm hay là trách cứ số phận. Khó khăn, gian khổ trên con đường lập nghiệp, em tin mình sẽ vượt qua. Nhưng nỗi lo lớn nhất đó là sức khỏe của mẹ. Mẹ em bị suy thận độ 2. Năm ngoái, BVĐK Hà Tĩnh khuyên mẹ nhập viện để chạy thận nhưng mẹ từ chối, lấy thuốc về nhà uống, vừa điều trị, vừa quần quật nuôi em ăn học. Mỗi tháng, ngoài việc chăm sóc và lo cho em học hành, mẹ phải lo đủ 3 triệu đồng tiền thuốc để chống chọi với bệnh tật. Em sợ rằng nếu vẫn phải lao lực như thế này, căn bệnh sẽ làm mẹ sớm gục ngã. Giá như có thêm những bàn tay chia bớt khó khăn cho mẹ. Giá như em trưởng thành nhanh hơn nữa trước lúc mẹ ngày một yếu dần”.