Đăng cai là trách nhiệm
Đề nghị này được cụ thể hóa bằng lá thư của ông Chris Chan, Chủ tịch Ủy ban Thể thao và luật của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á gửi Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam về việc xác nhận tổ chức SEA Games 2021.
Đăng cai SEA Games là trách nhiệm của Việt Nam đối với sự phát triển của thể thao khu vực (Ảnh: Hà Thành) |
Trong thư, Liên đoàn thể thao Đông Nam Á đề nghị Ủy ban Olympic Việt Nam xin phép Chính phủ xác nhận bằng văn bản về việc tổ chức SEA Games 31 năm 2021 và công bố văn bản đó tại phiên họp hội đồng Liên đoàn thể thao Đông Nam Á vào ngày 4/6 tới ở Singapore.
Như vậy Việt Nam chỉ có 2 tháng để quyết định tính từ thời điểm lá thư của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á được gửi (ngày 19/3/2015) về việc đăng cai sớm SEA Games hơn dự kiến 2 năm.
Việc đăng cai SEA Games là cần thiết, nhằm tạo thêm động lực phát triển cho Thể thao Việt Nam, và đó cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của Thể thao Việt Nam đối với thể thao Đông Nam Á trong tư cách thành viên. Nhưng rõ ràng, lần thứ hai đăng cai tổ chức SEA Games cũng phải có sự chuẩn bị nghiêm túc ngay từ bước đầu, chứ không đơn giản là chuyện đến hẹn lại lên.
Trả lời trên TT&VH, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết theo quy trình, dự kiến trong tuần tới, Bộ VH, TT&DL sẽ gửi tờ trình xin phép Chính phủ về việc đăng cai SEA Games 2021 sau khi nhận được thư của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á.
Ông Vương Bích Thắng cũng cho biết thêm, căn cứ trên ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, các công việc tiếp theo sẽ được tiến hành theo đúng quy trình. Nếu Việt Nam không nhận lời đăng cai, Ủy ban Olympic Việt Nam sẽ thông báo tới Liên đoàn thể thao Đông Nam Á để tìm kiếm quốc gia thay thế.
Ngược lại, nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý, thì công tác chuẩn bị mới bắt đầu được tiến hành từng bước, từ việc xây dựng đề án, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan...
Ông Vương Bích Thắng cũng khẳng định, việc đăng cai tổ chức SEA Games là vấn đề quan trọng không thể tiến hành gấp gáp. Và cũng cần phải nói thêm, hiện mới chỉ có Malaysia là xác nhận việc tổ chức SEA Games 2017.
100 triệu USD có đủ?
Bài toán khó đặt ra với Việt Nam lúc này nếu nhận lời đăng cai SEA Games 31 thì sẽ đăng cai ở đâu và nguồn kinh phí dự trù thế nào?
Hà Nội từng là thành phố chính của Việt Nam đăng cai SEA Games 22 năm 2003. Bởi vậy lần đăng cai thứ 2 này, nhiều ý kiến nghiêng về TP.HCM - trung tâm kinh tế năng động nhất Việt Nam. Tuy nhiên, kinh phí để tổ chức tại TP.HCM sẽ lớn hơn ở Hà Nội rất nhiều.
Một quan chức của Ủy ban Olympic Việt Nam đưa ra con số dự trù 100 triệu USD (hơn 2.000 tỷ đồng) khiến rất nhiều người giật mình. Nó bằng 2/3 con số dự trù từng gây nhiều tranh cãi trong đề án xin đăng cai ASIAD 18 của Việt Nam cách đây không lâu. Và theo nhiều người trong chính ngành Thể thao khẳng định, con số này cũng giống đề án trước là thiếu tính khả thi.
Trả lời phỏng vấn trên Zing.vn, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao cho biết: “Tổng chi phí lần tổ chức SEA Games 22 ở Hà Nội khoảng 5.000 tỷ đồng, tương đương 250 triệu USD. Nếu TP HCM đứng ra tổ chức, tôi chỉ tính 2 hạng mục cơ bản cần phải xây dựng là một sân vận động đạt tiêu chuẩn giống sân Mỹ Đình (khoảng 70 triệu USD) và một khu liên hợp thể thao dưới nước (khoảng 30 triệu USD) đã hết khoản dự trù 100 triệu USD.
Nếu tính thêm các hạng mục khác, chi phí để tổ chức SEA Games tại TP.HCM sẽ đội lên gấp nhiều lần. Tôi cho rằng con số 100 triệu USD được đưa ra mà chưa có sự tính toán kỹ. Điều này thể hiện tư tưởng chủ quan, nóng vội giống như chúng ta từng dự trù khoản kinh phí 150 triệu USD để đăng cai Asian Games 18 (năm 2019). Trong khi đó, theo tính toán của tôi, để tổ chức sự kiện tầm cỡ như Á vận hội cần khoảng 1 tỷ USD.
Phản biện như vậy nhưng ông Nguyễn Hồng Minh cũng cho rằng, TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước. Với đà tăng trưởng hiện tại, kể cả khi đặt ra bài toán 5.000 tỷ đồng, tương đương với lần tổ chức SEA Games 22 ở Hà Nội, thì theo ông, địa phương này vẫn đủ khả năng đáp ứng.
Thời gian từ nay đến SEA Games 31 còn 6 năm, đủ để ngành thể thao và TP.HCM xây dựng một kế hoạch cụ thể và chủ động.