Sở Tư pháp chủ trì phối hợp cùng các đơn vị họp bàn tổ chức chung kết Hội thi Hòa giải viên giỏi
Kể từ lần đầu tiên tổ chức vào năm 2003, đây là lần thứ 2 Hội thi Hòa giải viên giỏi diễn ra dưới hình thức sân khấu hóa. Với nội dung gắn liền đời sống hàng ngày của người dân, Hội thi đã tạo nên sức lan tỏa sâu rộng trong quần chúng. Trung bình mỗi lần thi ở các địa phương thu hút khoảng 400 người dân tham gia theo dõi, cổ vũ. Đây không chỉ là hình thức hiệu quả để bồi dưỡng đội ngũ hòa giải viên mà còn trực tiếp thông tin, phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật đến bà con nhân dân.
Việc tổ chức Hội thi thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với công tác hòa giải cơ sở, tạo ra sân chơi thiết thực, bổ ích để các hòa giải viên nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải cấp cơ sở. Từ việc tổ chức thi ở cấp xã và huyện đã giúp Ban tổ chức Hội thi của tỉnh rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để tổ chức vòng chung kết nhằm đạt kết quả cao nhất.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Lê Thị Loan: Cơ quan chủ trì cần phối hợp với các ngành chuyên môn bố trí nguồn kinh phí đối với các giải phụ; cần giao nhiệm vụ cụ thể cho người tiếp cận sân khấu nhằm khâu nối nắm bắt thông tin, điều hành các đội thi
Nội dung tổ chức vòng chung kết Hội thi hòa giải viên giỏi bao gồm: thể lệ (hình thức và nội dung, phần thi lý thuyết, tổng hợp kết quả thi và câu hỏi phụ, thi đua khen thưởng); Ban giám khảo và tổ thư ký giúp việc ban giám khảo; chương trình tổ chức thi; người dẫn chương trình; thời gian và địa điểm tổ chức thi.
Phó Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình Hà Tĩnh Phan Trung Thành: Phải thống nhất về cơ cấu giải thưởng và có kinh phí hỗ trợ ghi hình
Tại cuộc họp, ý kiến của các đại biểu cơ bản đồng tình với phương án 1 tại phần thi lý thuyết là đảo vị trí đáp án 2 - 3 câu trong tổng số 5 câu hỏi trắc nghiệm của mỗi nhóm nhằm đảm bảo tính logic và trình tự thời gian. Các đại biểu cũng cho rằng, cần bố trí nguồn kinh phí cho các giải phụ nhằm khuyến khích những đội thi tham gia.
Trưởng Ban Dân chủ pháp luật Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phạm Thị Thu Hà: Chúng tôi sẽ hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp cùng với phòng Tư pháp của địa phương chuẩn bị tốt nội dung tại vòng chung kết
Bên cạnh đó, ý kiến về việc bố trí, giao nhiệm vụ cụ thể cho người tiếp cận sân khấu nhằm khâu nối, nắm bắt thông tin để điều hành, tiếp cận các đội thi; cần thiết phải tổ chức ghi hình phát sóng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân toàn tỉnh theo dõi, tham gia; bố trí người dẫn chương trình của Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh để đảm bảo tính chuyên nghiệp được đông đảo đại biểu đề cập đến.
Thực hiện quy định của UBND tỉnh, Hội thi Hòa giải viên được tổ chức thí điểm tại 9 địa phương (với 84 Đội, 764 thí sinh dự thi) gồm: phường Bắc Hà, phường Thạch Quý và xã Thạch Hạ (Tp. Hà Tĩnh); các xã: Kỳ Đồng, Kỳ Thượng, Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh); thị trấn Phố Châu và các xã: Sơn Tây, Sơn Hàm (Hương Sơn). Tính đến ngày 9/10, đã có 12/13 đơn vị cấp huyện (trừ huyện Kỳ Anh) tổ chức Hội thi, với 239 Đội với 2.629 thí sinh dự thi. Trong đó, các huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Can Lộc tổ chức theo từng cụm. |