Từ lâu, pháo phản lực phóng loạt được coi là vũ khí phi hạt nhân đáng sợ nhất thế giới. Sức công phá lớn, khả năng tấn công nhanh và dồn dập, pháo phản lực phóng loạt tạo nên sự uy hiếp toàn diện.
Pháo phản lực đa nòng siêu lớn mà Triều Tiên mới thử nghiệm có thể là loại tên lửa chiến thuật dẫn đường với tầm bắn lên tới gần 400 km, điều này càng tạo nên sự hủy diệt đáng sợ hơn.
Giáo sư Kim Dong -yup thuộc Viện Viễn Đông, Đại học Kyungnam, Hàn Quốc cho rằng hệ thống pháo phản lực phóng loạt mới này có thể là phiên bản nâng cấp của một hệ thống pháo hoặc pháo phản lực cỡ nòng lớn đang trong biên chế nước này.
Quân đội Triều Tiên đang biên chế hệ thống pháo phản lực KN-09 có đường kính 300 mm, tầm bắn khoảng 190 km và tốc độ tối đa gần Mach 5,2. Tuy nhiên, trong vụ thử hôm 24-8, quả đạn của Triều Tiên đã bay khoảng 380 km, ở độ cao 97 km và tốc độ tối đa Mach 6,5.
Chuyên gia Shin Jong-woo thuộc Diễn đàn An ninh Quốc phòng Hàn Quốc tại Seoul cho rằng mẫu MLRS Triều Tiên phóng tuần trước có đường kính có thể lên đến 500 mm. "Nếu được xác nhận, đó sẽ là một hệ thống MLRS chưa từng có trên thế giới", Shin nhấn mạnh.
Một số chuyên gia khác lại cho rằng mẫu pháo phản lực mới của Triều Tiên có thể được coi là một trong những vũ khí chiến thuật hiệu quả nhất để tấn công Hàn Quốc trong chiến tranh phi hạt nhân.
"Hệ thống này có thể rất hiệu quả với Triều Tiên bởi nó có thể phóng nhiều quả đạn liên tiếp trong khoảng thời gian ngắn, khiến nó rất khó bị phát hiện và đánh chặn", chuyên gia tên lửa Kwon Yong-soo thuộc Đại học Quốc phòng Hàn Quốc đánh giá.
Theo Kwon, Triều Tiên rất có thể đang muốn thay thế các tên lửa đạn đạo tầm ngắn bằng MLRS cỡ lớn nhằm sở hữu một phương tiện tấn công rẻ hơn, dễ triển khai hơn nhưng vẫn có sức mạnh tương đương.
Nếu được phóng từ khu vực gần biên giới liên Triều, các quả đạn từ mẫu pháo phản lực mới này có thể vươn tới các mục tiêu quan trọng của Hàn Quốc như căn cứ không quân ở Cheongju, khu phức hợp quân sự Gyeryongdae ở gần thành phố Daejeon và căn cứ Seongju ở tỉnh Bắc Gyeongsang, nơi bố trí lá chắn THAAD của Mỹ.
"Vũ khí mới của Triều Tiên vươn tới ngày càng nhiều mục tiêu của Hàn Quốc và Mỹ, tạo ra nhiều lựa chọn cho Bình Nhưỡng trong việc tấn công và thách thức hệ thống phòng thủ của hai đối thủ", nhà phân tích Vann H. Van Diepen, cựu quan chức tình báo và ngoại giao Mỹ, nhận định.