Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Vũ Quang (tháng 7/2019)
Ngày 11/6/2019, TAND huyện Vũ Quang đã tiến hành mở phiên tòa xét xử vụ ly hôn giữa chị T.M.O (nguyên đơn) và anh L.T.N (bị đơn) đều trú tại thị trấn Vũ Quang.
Tại phần phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn là ngôi nhà và đất có tổng diện tích 123,9m2 (chiều rộng 7m, chiều dài 17,7m) ở thị trấn Vũ Quang. Ngôi nhà có có kết cấu khung chịu lực làm bằng bê tông, xây tường bao bằng gạch táp lô dày hơn 10cm, mái tôn, xà gồ bằng thép hộp, nền láng vữa xi măng, có phòng ngủ, nhà vệ sinh, bếp… tất cả được xây dựng bằng gạch và bê tông, là một thể thống nhất, khó tách rời.
Nhà và đất được TAND huyện Vũ Quang "cưa đôi" cho vợ chồng chị O., anh N. khi ly hôn
Tuy nhiên, TAND huyện Vũ Quang lại phân chia theo kiểu “cưa đôi” nhà và đất. Cụ thể: Chia cho anh N. sử dụng ½ diện tích đất và phần còn lại của ngôi nhà trên đất được chia gồm: Mái che, phần nấu bếp củi, phần nấu bếp ga, phòng ngủ; chia cho chị O. ½ diện tích đất và phần còn lại của ngôi nhà trên đất được chia gồm: mái che, nhà tắm, phòng ngủ.
Rõ ràng, đây là sự phân chia hết sức “lắt léo” của TAND huyện Vũ Quang, bất hợp lý và không phù hợp với quy định pháp luật. Chị T.M.O bức xúc cho biết: “Hiện tôi không có nhà ở, phải thuê quán để bán hàng, nuôi 2 con nhỏ (2 tuổi và 4 tuổi). Mặt khác, đã thuận tình ly hôn, song tòa vẫn xử cho 2 người… ở chung một nhà. Hơn nữa, ngôi nhà là một thể thống nhất được xây dựng khá kiên cố, khó tách rời, phân chia như thế là không phù hợp với quy định của pháp luật”.
"Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch".
Bên cạnh đó, việc chia đôi quyền sử dụng thửa đất (có chiều rộng 7m), tức là mỗi người được nhận 3,5m chiều rộng là không phù hợp quy định của UBND tỉnh Hà Tĩnh về hạn mức tối thiểu của thửa đất ở sau khi tách thửa.
“Theo quy định tại Điều 8 Quyết định 72/2014/QĐ-UBND ngày 24/10/2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh thì: Thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách thửa tại khu vực đô thị phải có kích thước cạnh tối thiểu là 4m. Do đó, nếu sau khi tách thửa, mỗi thửa chỉ còn lại chiều rộng là 3,5m thì không đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…”, Giám đốc Chi nhánh Vũ Quang thuộc Văn phòng Quản lý đất đai tỉnh Hà Tĩnh - Lê Quốc Hùng cho hay.
Ông Nghiêm Khắc Cẩn (người bên phải) - Phó Chánh án TAND huyện Vũ Quang trong một lần làm việc với PV Báo Hà Tĩnh (tháng 10/2018)
“Như vậy, nếu bản án có hiệu lực pháp luật, các đương sự sẽ không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể xác lập quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất. Do đó, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự…”, một chuyên gia tư vấn pháp luật nhận định.
Để làm rõ những “uẩn khúc” của bản án, chúng tôi đã đề nghị được trực tiếp làm việc với Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa là ông Nghiêm Khắc Cẩn (Phó chánh án TAND huyện Vũ Quang), nhưng cấp dưới của ông cho hay: Ông Cẩn bảo ông đang bận chuẩn bị cho một vụ… xét xử khác!
Được biết, hiện chị T.M.O đã nộp đơn kháng án. Dư luận đang mong chờ một bản án khách quan, rành mạch không như bản án sơ thẩm mà TAND huyện Vũ Quang đã tuyên.