Vụ xử công ty "ma" SCI: Cán bộ thuế cần nghiêm túc... rút kinh nghiệm (!?)

(Baohatinh.vn) - Sau thời gian nghị án kéo dài 1 tuần, chiều 20/4, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định tuyên phạt Nguyễn Quang Chung 17 năm tù giam, Lê Đình Quốc và Nguyễn Thị Bảo Hằng mỗi bị cáo 7 năm 6 tháng tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ; Nguyễn Thị Tình 18 tháng tù treo về tội “Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ”.

Giảm mức án đã được VKS đề nghị

vu xu cong ty ma sci can bo thue can nghiem tuc rut kinh nghiem

Các bị cáo tại buổi tuyên án chiều 20/4

Bản án được HĐXX công bố chiều 20/4 đã phân tích vai trò, hành vi của các bị cáo; đồng thời cho rằng, các bị cáo đủ điều kiện nhận thức, năng lực hành vi nên phải chịu chế tài hình sự.

Bản án cho rằng, Nguyễn Quang Chung, Nguyễn Thị Bảo Hằng và Lê Đình Quốc có tình tiết tăng nặng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại Điểm g, k Điều 48 BLHS; gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, quản lý kinh tế, chính sách xuất khẩu hàng hóa của Nhà nước nên cần đưa ra mức án có sức răn đe, phòng ngừa chung.

HĐXX khẳng định, Nguyễn Quang Chung đã thực hiện nhiều thủ đoạn gian dối. Theo đó, thủ đoạn đầu tiên bị cáo thực hiện là thành lập Công ty CP XNK SCI với số vốn điều lệ 10 tỷ đồng, gồm 4 cổ đông (Nguyễn Quang Chung: 45%, Nguyễn Tiến Dũng: 20%, Lê Đình Quốc: 20% và Ngô Quốc Tuấn 15% - người này sau đó đã rút khỏi công ty). Tại phiên tòa, Quốc khai nhận, bị cáo không có việc làm ổn định, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không đóng góp cổ phần cho công ty. Số tiền đóng góp cổ phần là do được Chung cho mượn và Quốc không hề hay biết mọi hoạt động của SCI.

Theo hồ sơ đăng ký kinh doanh, SCI kinh doanh mua bán các loại hàng hóa, vật liệu xây dựng nhưng trên thực tế, lại không thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, không có bến bãi, kho chứa hàng. Như vậy, SCI dưới sự điều hành của Nguyễn Quang Chung đã không chấp hành đúng mục đích đã đăng ký nhằm thu lợi hợp pháp mà là để hợp thức hóa tư cách pháp nhân đối với các chủ hàng, từ đó chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước. Điều này đã vi phạm quy định tại Khoản 5, Điều 7, Luật Doanh nghiệp 2014.

Thủ đoạn thứ 2 của bị cáo Chung được bản án mô tả: Chung biết rõ các quy trình, thủ tục để được hoàn thuế xuất khẩu theo quy định của pháp luật. Dù SCI không thực hiện bất cứ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào, nhưng Chung đã móc nối với các chủ hàng để mua bán hóa đơn nhằm hợp thức hóa tư cách pháp nhân; móc nối với các chủ xe xuất khẩu hàng qua biên giới. Do đôi bên cùng có lợi, các chủ xe đã đồng ý xuất khẩu số hàng hóa này cho Chung dưới danh nghĩa hàng hóa của công ty SCI.

Thủ đoạn tiếp theo, Chung đã mượn hàng hóa từ một số cửa hàng (không có tư cách pháp nhân, không có hóa đơn chứng từ) ở các địa phương khác rồi bỏ ra chi phí mua bán hóa đơn nhằm hợp thức hóa số hàng hóa này. Việc làm của bị cáo nhằm mục đích hoàn thiện hồ sơ hoàn thuế, qua mặt các đoàn kiểm tra hoàn thuế và làm trái quy định của Bộ Tài chính.

Bản án cũng nêu rõ quá trình Chung ký kết các thỏa thuận với Công ty SP tại Lào nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Không dừng lại ở đó, Nguyễn Quang Chung còn giả mạo chữ ký của giám đốc Lê Đình Quốc để hoàn thiện các bộ hồ sơ hoàn thuế cho Công ty SCI.

HĐXX khẳng định, Nguyễn Quang Chung dù với tư cách Phó Giám đốc nhưng lại đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu. Dù Công ty SCI không có hàng hóa, không sản xuất, kinh doanh nhưng bằng nhiều thủ đoạn gian dối, Nguyễn Quang Chung đã chiếm đoạt gần 8,4 tỷ đồng tiền hoàn thuế, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Tại các phiên xử, Chung không thành khẩn khai báo. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo có nhân thân tốt, chưa từng có tiền án, tiền sự; ông nội và bố mẹ bị cáo đều được tặng thưởng huân, huy chương nên cần xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Song, việc cách ly Chung ra khỏi đời sống xã hội trong thời gian dài là cần thiết để tự suy ngẫm, nhận thức về hành vi của mình, từ đó, cải tạo thành công dân tốt.

vu xu cong ty ma sci can bo thue can nghiem tuc rut kinh nghiem

Các bị cáo nghe tòa tuyên án

Đối với bị cáo Nguyễn Thị Bảo Hằng, dù khai nhận không biết trụ sở Công ty SCI ở đâu, không cùng Chung tham gia hoạt động lập khống hồ sơ, chiếm đoạt tiền hoàn thuế, nhưng HĐXX nhận định, bị cáo với vai trò là kế toán trưởng của SCI, đã được đào tạo nghiệp vụ kế toán một cách bài bản nhưng vẫn hoàn thiện sổ sách, lập khống các phiếu xuất nhập kho dù Công ty SCI không có kho bãi. Đồng thời, trong các biên bản hồ sơ hoàn thuế đều có chữ ký của bị cáo. HĐXX cho rằng, đây là chứng cứ thể hiện sự gian dối của Hằng trong việc cùng Chung đối phó với cơ quan chức năng. Bản án nêu rõ, trong vụ án này, bị cáo vừa là người thực hành, vừa là người giúp sức tích cực cho Nguyễn Quang Chung nên bản cáo trạng truy tố bị cáo với tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là không oan sai, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, xét thấy bị cáo không được hưởng lợi từ số tiền hoàn thuế; bố bị cáo có nhiều thành tích được Bộ Công an tặng thưởng; bị cáo còn nuôi con nhỏ, nhân thân tốt; việc Viện Kiểm sát đề nghị mức án 12-14 năm tù giam là quá nặng so với tính chất, mức độ, nhận thức, vai trò của bị cáo trong vụ án này.

Đối với Lê Đình Quốc với vai trò Giám đốc, là người chịu trách nhiệm trước pháp luật của công ty. Bị cáo đã nhiều lần ký vào biên bản ký nhận xuất khẩu hàng hóa với Công ty SP (ở Lào) để được hải quan thông quan. Đối với các hồ sơ hoàn thuế, ngoại trừ lần 1 chữ ký của Quốc đã bị Chung giả mạo (Chung đã thừa nhận điều này), những lần còn lại đều thể hiện chữ ký bị cáo trong biên bản. Bản án nêu rõ, "nếu không có chữ ký của giám đốc thì không thể hoàn thiện hồ sơ hoàn thuế, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước". Bị cáo cũng là người có đầy đủ năng lực, hành vi dân sự. Song, HĐXX xét thấy, bị cáo là người có nhân thân tốt, gia cảnh khó khăn và mức án 10-12 năm tù giam theo Viện Kiểm sát đề nghị dành cho bị cáo là quá nặng.

Riêng Nguyễn Thị Tình - bị cáo duy nhất thừa nhận hành vi phạm tội. Tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ là thương binh, bị cáo còn nuôi con nhỏ nên việc cân nhắc, xem xét mức án 18 tháng tù treo đối với Nguyễn Thị Tình là hợp tình, hợp lý và đúng quy định của pháp luật.

Về một số người có liên quan đến vụ án nhưng không biết hành vi của Nguyễn Quang Chung nhằm hoàn thiện hồ sơ, chiếm đoạt tiền hoàn thuế sẽ được cơ quan điều tra chia thành vụ án khác để tiếp tục mở rộng điều tra.

Bản án cũng khẳng định, cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo và Cha Lo đã tiếp nhận hồ sơ để thông quan, xuất khẩu đúng tờ khai, không có dấu hiệu khai khống nên làm đúng thủ tục xuất khẩu đúng theo quy định của Bộ Tài chính. Bản án cũng trích dẫn thêm, Bộ quy định của Bộ Tài chính không yêu cầu xuất trình hóa đơn đầu vào nên không có căn cứ để xử lý các cán bộ hải quan tiếp nhận hồ sơ.

vu xu cong ty ma sci can bo thue can nghiem tuc rut kinh nghiem

Dẫn giải Nguyễn Quang Chung rời hội trường xét xử TAND tỉnh Hà Tĩnh

Cán bộ thuế cần nghiêm túc... rút kinh nghiệm (!?)

Chủ tọa phiên tòa Trần Hồng Hải nêu rõ: Cán bộ thuế cần nghiêm túc... rút kinh nghiệm.

Theo đó, trong 3 lần kiểm tra hoàn thuế, cán bộ thuế đã làm việc đúng quy trình, tuân thủ theo quy định của pháp luật. Do quá trình hợp thức hóa hồ sơ hoàn thuế được Nguyễn Quang Chung thực hiện quá chặt chẽ, đầy đủ nên cán bộ thuế không phát hiện hành vi gian đối của bị cáo.

Trong quá trình điều tra, các cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được sự thông đồng giữa cán bộ thuế và Nguyễn Quang Chung nên không có căn cứ để xử lý các cán bộ này.

Tuy vậy, bản án cũng nhận định, qua vụ án cho thấy công tác quản lý Nhà nước về thuế còn lỏng lẻo, buông lỏng, thiếu trách nhiệm; từ đó đã tạo điều kiện cho Chung lập khống hồ sơ hoàn thuế nhằm qua mặt các đoàn kiểm tra.

Hồ sơ kiểm tra hoàn thuế còn sai sót lỗi chính tả, các trình tự thủ tục chưa tuân thủ triệt để theo quy định của pháp luật cũng là một trong những vấn đề Cục Thuế Hà Tĩnh cần nghiêm túc... rút kinh nghiệm!.

Chủ đề Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đọc thêm

“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.
Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Chiều tối 5/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh và các địa phương chia sẻ với những mất mát của các gia đình nạn nhân TNGT ở Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) và động viên họ sớm vượt qua nỗi đau.
Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những chia sẻ của người thân tại hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân ở Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) tạo động lực cho những người lỗi lầm chấp hành tốt án phạt, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.
Nợ nần sinh lừa đảo

Nợ nần sinh lừa đảo

Do nợ nần trong làm ăn, Nguyễn Văn Đức (trú huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền của 2 bị hại trên địa bàn hơn 1 tỷ đồng. Đức như chết lặng khi nghe HĐXX tuyên án.