Giúp em nắn nót từng nét chữ đầu tiên |
Từ chuyện xưa…
Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889-1954), quê xã Sơn Hòa (Hương Sơn) thể hiện nhân cách sống của một nhân cách lớn. Trước khi thi đỗ làm quan, ông thụ giáo thầy Nguyễn Duy Dư ở xã Sơn Tiến, nổi tiếng hay chữ trong vùng. Nhờ thông minh, chịu khó học tập, lại được thầy giỏi rèn cặp, năm 1906, ông thi đậu cử nhân và năm sau thi Đình đỗ luôn Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp). Năm 1909, thầy Nguyễn Duy Dư từ trần. Theo tập tục người Việt trước đây, khi thầy mất, trò phải để tang 3 năm nhưng không mặc tang phục, gọi là tâm tang. Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm đã viếng thầy và thực hiện đúng việc tang chế thầy.
Điều đáng nói là 30 năm sau, khi đã là Thượng thư bộ Lễ, biết tin vợ thầy mất, Nguyễn Khắc Niêm vẫn lặn lội đường xa về phúng viếng. Khi nghe tin có Thượng thư về, quan huyện lệnh cho tổng lý địa phương đem kiệu và võng lọng ra tận bờ sông đón. Khi đến cổng xóm vào nhà thầy, ông đã xuống cáng, đi chân đất, lên tận nhà thầy trên đỉnh đồi. Thấy thế, quan địa phương cũng vội cắp giày, chân đất mà đi theo. Ngày xưa, khi thầy mất, con trai thầy được xem là thế huynh nên mặc dầu là thường dân và ít tuổi hơn nhưng Thượng thư Nguyễn Khắc Niêm vẫn vái chào rất cung kính.
Người Việt Nam từng có câu “Trọng thầy mới được làm thầy”, câu này thật đúng vì chính Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm cũng là nhà giáo, để lại sự kính trọng trong lòng nhiều thế hệ học trò, con cháu. Khi ông mất, học trò khắp nơi đến viếng, kéo dài cả tháng trời.
Thầy, cô giáo luôn tận tụy vì học sinh thân yêu. |
… Đến chuyện nay
Nguyễn Hồng Thái là học sinh chuyên văn Trường Cấp 3 Phan Bội Châu, thời kỳ còn chung tỉnh Nghệ Tĩnh, lớp học của anh do Nhà giáo ưu tú Phan Huy Tuấn làm chủ nhiệm. Tốt nghiệp đại học, anh công tác trong ngành công an, làm việc tại Hà Nội. Năm 1991, thời kỳ còn khó khăn, gia đình Nguyễn Hồng Thái sống trong một căn nhà cấp 4 xập xệ. Thế nhưng, khi thầy Tuấn đưa vợ ra Hà Nội chữa bệnh, anh đã mời thầy cô về nhà mình ở, nhường cho cô nằm trên chiếc giường duy nhất, còn vợ chồng anh trải chiếu nằm giữa nhà.
Có những đêm mất điện, vợ chồng Thái - Hằng thay nhau quạt, lo cho cô từng giấc ngủ, chăm từng bát cháo, mong cô chóng khỏi bệnh. Sau này, khi gia đình thầy Phan Huy Tuấn chuyển ra Hà Nội sinh sống, ngày tết và ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, năm nào Nguyễn Hồng Thái và hội học sinh Trường Phan Bội Châu (do anh làm hội trưởng) cũng đến chúc mừng, thăm hỏi sức khỏe gia đình thầy. Tình cảm thầy trò như ruột thịt. Không chỉ với thầy Tuấn mà các thầy, cô khác, vợ chồng Thái đều trọn nghĩa, vẹn tình, bởi họ quan niệm “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”…
Câu chuyện trên còn là bài học đạo đức có giá trị đối với mọi thế hệ sinh sống trên dải đất hình chữ S này. “Không thầy đố mày làm nên”, câu tục ngữ thể hiện tinh thần tôn sư, trọng đạo của người Việt Nam từ ngàn đời. Cha ông ta đã khẳng định không có thầy, con người sẽ không thành công và thành nhân. Tuy nhiên, có một thực tế là những năm gần đây, dưới tác động của cơ chế thị trường, đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Đó là sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức, lối sống và có nguy cơ làm băng hoại nhiều giá trị truyền thống của con người Việt Nam.
Truyền thống của dân tộc ta là “tôn sư, trọng đạo”, nhưng bên cạnh đó cũng đòi hỏi rất cao “sư đức” - đạo đức người làm thầy. Dưới chế độ mới tốt đẹp do Đảng ta lãnh đạo, truyền thống đó phải được tiếp nối, phát huy và làm giàu thêm trong cuộc sống hôm nay. Muốn làm được như vậy, chúng ta phải thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy “Thầy giáo và học sinh phải thật thà. Sống thật, nói thật, làm thật để cống hiến thật sự, để lời nói đi đôi với việc làm, làm có ích cho Tổ quốc, cho nhân dân và cho xã hội, cho chính bản thân mình”.