Tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, trong nước còn nhiều khó khăn, song, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự điều hành linh hoạt của UBND tỉnh cùng những nỗ lực của các cấp, ngành và toàn thể Nhân dân, bức tranh KT-XH của Hà Tĩnh năm 2023 đã nổi lên nhiều gam màu sáng. Những thành quả đạt được là động lực để tỉnh nhà tiếp tục vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.
Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023 trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, bất ổn. Trước tình hình này, UBND tỉnh xác định nhóm nội dung cần tập trung chỉ đạo nhằm bổ sung chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn, tạo lực đẩy cho KT-XH. Trong đó, đặc biệt ghi nhận nỗ lực đột phá của UBND tỉnh trong đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành phục hồi, phát triển nền kinh tế. Đáng chú ý là UBND tỉnh thành lập các tổ công tác 467, 477 yêu cầu các cấp, ngành “lắng nghe”, tiếp thu ý kiến từ doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư nhằm xử lý các điểm nghẽn, tạo thuận lợi nhất cho DN phát triển SXKD. Cùng với đó, ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi trong mời gọi đầu tư, bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư...
Các doanh nghiệp trong KKT Vũng Áng đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách. Ảnh: PV
Những động thái này đã tác động tích cực đến môi trường đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn. Điển hình là dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 đã hoàn thành trên 70% khối lượng (kết quả giải ngân đến ngày 25/12/2023 là khoảng 34.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1,4 tỷ USD). Hà Tĩnh thu hút thêm các tập đoàn lớn đầu tư các dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng như: VSIP (Singapore), đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tại huyện Thạch Hà với tổng vốn gần 1.600 tỷ đồng, giúp tỉnh giữ vững top 10 địa phương có vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước... Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong năm đạt 50.200 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2022. Những thông số trên báo hiệu “sức khỏe” nền kinh tế của Hà Tĩnh đang trên đà phục hồi tích cực.
Phối cảnh dự án VSIP tại Thạch Hà.
Ông Trần Việt Hà - Giám đốc Sở KH&ĐT thông tin: Năm 2023 Hà Tĩnh đề ra 29 chỉ tiêu phát triển KT-XH, trong đó có 15 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 11 chỉ tiêu đạt kế hoạch, 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch (số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và tổng thu ngân sách Nhà nước), 1 chỉ tiêu không đánh giá là chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp tỉnh. Đặc biệt, với mức tăng trưởng kinh tế 8,05%, Hà Tĩnh đứng thứ 15 cả nước.
Nổi bật trong bức tranh KT-XH Hà Tĩnh năm 2023 là sản xuất công nghiệp có những chuyển biến tích cực sau thời gian dài tăng trưởng âm khi chỉ số sản xuất toàn ngành tăng gần 8% (năm 2022 giảm 16%). Các sản phẩm chủ lực như: thép đạt 5,7 triệu tấn, tăng 0,5% so với năm trước; điện sản xuất đạt 8,4 tỷ kWh, tăng 12%; điện thương phẩm đạt 1,6 tỷ kWh, tăng 13%; bia đạt gần 70 triệu lít, tăng 3%; pack pin của Vingroup đạt 61.000 kWh/1.000 pack. Hoạt động thương mại, dịch vụ duy trì đà tăng trưởng khá, thị trường giá cả, hàng hóa được bình ổn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2023 đạt gần 60.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022. Cùng với đó, hoạt động xuất khẩu tiếp tục chuyển biến tích cực khi cán mốc con số 2,4 tỷ USD, vượt 20% kế hoạch, tăng 33% so với năm 2022.
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Pin VinES Hà Tĩnh.
Tuy không đạt dự toán ban đầu, song kết quả thu ngân sách Nhà nước năm 2023 ước đạt trên 18.100 tỷ đồng. Con số này thể hiện rõ sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh và những nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN, người dân.
Vững vàng là “trụ đỡ” nền kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục có những bước tiến dài. Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Dù mưa lũ, dịch bệnh diễn biến phức tạp, sản xuất nông nghiệp năm 2023 vẫn được mùa toàn diện. Vụ xuân đạt năng suất, sản lượng cao nhất từ trước tới nay. Thắng lợi này tạo động lực cho bà con nông dân sản xuất vụ hè thu với năng suất đạt trên 50,16 tạ/ha, sản lượng hơn 22,3 vạn tấn. Công tác chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả khá toàn diện.
Cánh đồng lớn ở Vượng Lộc (Can Lộc).
Dự kiến toàn tỉnh có 100% xã NTM, 70 xã NTM nâng cao, 13 xã NTM kiểu mẫu. Đề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn NTM hiện có 2/10 tiêu chí hoàn thành, 5/10 tiêu chí đạt 60-80%, 3 tiêu chí đạt dưới 50%. NTM tiếp tục làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Năm 2023, lĩnh vực văn hóa - xã hội ghi dấu với những thành tích nổi bật trong giáo dục, thể thao và thành công của các sự kiện văn hóa. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, huy động được nhiều nguồn lực để chăm lo chu đáo cho các đối tượng chính sách, người nghèo, công nhân lao động. Chất lượng cuộc sống của Nhân dân không ngừng được nâng lên. QP-AN, chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương đã trao bằng chứng nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho tỉnh Hà Tĩnh, huyện Can Lộc và dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu.
Năm 2024, Hà Tĩnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 8-8,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 51 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt trên 100 triệu đồng/ha; tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 48.000 tỷ đồng; tổng thu ngân sách đạt 17.500 tỷ đồng (thu nội địa 8.100 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 9.400 tỷ đồng); duy trì 100% xã đạt chuẩn NTM, có thêm 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu...
Ở kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh: Năm 2024 dự báo khó khăn nhiều hơn thuận lợi, bởi vậy, ngay từ đầu năm, các cấp, ngành phải khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra, chủ động rà soát tổng thể kế hoạch, cân đối nguồn lực, tập trung đề ra những chỉ tiêu, giải pháp căn cơ, dồn sức cho các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2024.
Trên cơ sở phân tích rõ kết quả đạt được và những hạn chế trong năm 2023 cũng như các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành và địa phương cần thẳng thắn nhìn nhận, tìm giải pháp tháo gỡ, giải quyết các điểm nghẽn, quyết tâm vượt khó, hoàn thành cao nhất các kế hoạch phát triển KT-XH. Với khối lượng công việc và nhiệm vụ đặt ra rất lớn trong năm 2024, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải tiếp tục đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành theo hướng chặt chẽ hơn, cụ thể hơn để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các lãnh đạo bộ, ngành về sản phẩm tiêu biểu của tỉnh bên lề hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, diễn ra tại Bình Định (tháng 2/2023).
Bày tỏ lạc quan về toàn cảnh bức tranh kinh tế năm 2023 cũng như những mục tiêu, giải pháp năm 2024, ông Trần Việt Hà - Giám đốc Sở KH&ĐT nhìn nhận: Sau 1 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH đầy khó khăn, Hà Tĩnh vẫn thu về nhiều kết quả nổi bật. Từ những kết quả này, tinh thần đoàn kết trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận xã hội tăng lên sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến niềm tin của cộng đồng DN và Nhân dân. Theo đó, các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh nhà trong năm 2024 kỳ vọng sẽ đạt nhiều kết quả ấn tượng, nổi bật hơn nữa.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Chủ tịch vùng tự trị Trnava - Slovakia trao đổi bản thỏa thuận hợp tác.
Đại diện cho cộng đồng DN, ông Lê Đức Thắng - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho rằng: “Khép lại năm 2023, Hà Tĩnh đã có bước bứt phá ngoạn mục khi nhiều chỉ tiêu KT-XH đạt và vượt so với kế hoạch ban đầu. Điều đó chứng tỏ nền kinh tế Hà Tĩnh có sức mạnh nội lực, sẵn sàng thích nghi, ứng biến trong mọi hoàn cảnh. Tiếp đà thắng lợi này, tin tưởng tỉnh tiếp tục nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức để hoàn thành xuất sắc kế hoạch, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024”.
Những thành tựu Hà Tĩnh đạt được thời gian qua mang dấu ấn không nhỏ của việc đổi mới tư duy, xác định tầm nhìn trong chủ trương và trong cả hành động. Đây chính là hành trang quan trọng để Hà Tĩnh tự tin hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển KT-XH trong năm 2024, đồng thời tiến gần hơn mục tiêu trở thành tỉnh có nền kinh tế hiện đại, năng động, là động lực phát triển cho cả khu vực Bắc Trung Bộ. Hà Tĩnh hôm nay đã và đang đổi thay nhiều mặt, khẳng định tầm vóc mới, diện mạo mới. Đó là thành quả của khát vọng không ngừng vươn tới những tầm cao.
Bài: Đình Trung
Ảnh: PV & CTV
Thiết kế: Công Ngọc