Vườn Kiều độc nhất vô nhị của “ông vua nuôi heo”

(Baohatinh.vn) - Ở thành phố Biên Hòa – Đồng Nai có một vườn văn độc nhất vô nhị mang tên Vườn Kiều. Nhà văn trẻ Mỹ Hường ở Hội VHNT Đồng Nai giới thiệu và hướng dẫn tôi đến thăm “Địa chỉ xanh” đó như tên quen gọi của khách tham quan.

vuon kieu doc nhat vo nhi cua ong vua nuoi heo

Ông Nguyễn Bá Khoát (người bên trái) - chủ nhân Vườn Kiều dẫn khách tham quan bức tường đắp phù điêu Truyện Kiều.

Tôi thật bất ngờ khi biết trước lúc xây dựng Vườn Kiều, ông Nguyễn Bá Khoát từng là một doanh nhân nuôi heo nổi tiếng ở vùng đất này, được mọi người trìu mến gọi tên là “Ông vua nuôi heo”. Tôi hỏi ông:

- Sao đang là nhà doanh nghiệp ăn nên làm ra, bác lại quay về với thú vui tao nhã này?

Ông già 84 tuổi với dáng vẻ còn rất tráng kiện cười vui:

- Tôi giao lại mọi việc điều hành cho con trai từ năm 1995, đến năm 1996 thì bắt tay vào xây dựng vườn Kiều này cũng vì lý do riêng. Bắt đầu từ mê Kiều...

vuon kieu doc nhat vo nhi cua ong vua nuoi heo

Tượng Thúy Kiều, Thúy Vân được ông Khoát đặt trong Vườn Kiều.

Rồi ông kể: Hồi đó mới 25 tuổi, ông bị bệnh tim, sức khỏe yếu. Một lần nghe nói đi tắm biển sẽ giúp chữa bệnh, ông bèn thu xếp ra biển. Mang trọng bệnh trong người lại gặp biển mùa đông nên cũng rất buồn. Ông thường đi dạo dọc biển để giải khuây. Một hôm đang đi thì ông nghe ai đó đọc lên mấy câu thơ hợp với tâm trạng của mình, liền bước lại làm quen và học thuộc: Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa/ Buồn trông ngọn nước mới sa/ Hoa trôi man mác biết là về đâu”; rồi: Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi. Ông thốt lên: Hay quá, đúng tâm trạng của mình quá! Hỏi ra ông mới biết đó là mấy câu trích từ Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Ông Khoát mê Kiều đến mức đã từng bỏ tiền túi làm một chuyến du lịch sang tận Trung Quốc, tìm đến những nơi mà nhân vật Thúy Kiều đi qua như Giang Tô, sông Tiền Đường, Vô Tích… để thỏa trí tò mò. Thật lạ, từ ngày mê Kiều, thuộc Kiều và chép Kiều thì bệnh tim của ông cũng giảm dần như một liều thuốc bổ chữa được bệnh tâm. Trong Vườn Kiều, ông Khoát cho dựng tượng các nhân vật trong Truyện Kiều và sưu tầm các loại cây có tên trong sách, chọn những câu Kiều hợp tình, hợp cảnh gắn biển lên thân cây và tựa đề minh họa có sức hấp dẫn trực quan, sinh động.

vuon kieu doc nhat vo nhi cua ong vua nuoi heo

Tượng Kim Trọng cưỡi ngựa du xuân

Bước vào ngõ của Vườn Kiều, tôi bắt gặp cây liễu xanh tha thướt trĩu cành trong gió. Cạnh đó là bức tượng chàng Kim Trọng mặc áo xanh, cưỡi ngựa trắng, thong dong giữa những cây hoa và cây kiểng. Phía bên kia là tượng Vương Quan, hai tay chắp làm lễ chào Kim Trọng và tượng hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân đứng e ấp bên nhau dưới bóng liễu và bóng thông. Toàn bộ không gian phối cảnh đó được ông Khoát thiết kế dựa trên cảnh Kim - Kiều lần đầu gặp gỡ trong tiết Thanh minh mà thi hào Nguyễn Du đã miêu tả: “Trông chừng thấy một văn nhân/ Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng” và: “Chàng Vương quen mặt ra chào/ Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”.

Tôi hỏi ông Khoát: - Sao bác lại chọn bối cảnh này để giới thiệu với khách tham quan đầu tiên?

Ông bảo: - Trong Truyện Kiều, tôi cho dựng tượng 4 nhân vật Kim Trọng, Vương Quan, Thúy Kiều, Thúy Vân vì đây là những nhân vật hình thể đẹp. Nam thì khôi ngô, tuấn tú; nữ thì “Khuôn trăng đầy đặn” đến nỗi “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”.

Trong Vườn Kiều, ông Khoát cho xây lầu Ngưng Bích hình lục giác có mái lợp ngói với hai cây cầu dẫn lên lầu; lập bàn thờ Nguyễn Du để cho các đoàn đến tham quan, dâng hương. Tiếp đó, ông cho đắp bức tượng thân mẫu của thi hào là bà Nguyễn Thị Tần (quê ở Bắc Ninh) và nữ sĩ Hồ Xuân Hương nổi tiếng một thời là người tình của Nguyễn Du. Một người mẹ từ cái nôi của văn hóa quan họ đã sinh ra Nguyễn Du và một người tình, người bạn thơ thân thiết.

Điều khá đặc biệt là xung quanh khu vườn có bức tường xây cao 2m, dài khoảng 100m, đắp nổi 20 bức phù điêu khá sinh động và hấp dẫn. Ông Khoát bảo: Truyện Kiều dài 3.254 câu với 20 chương. Tôi “mạn phép” rút lại 20 câu lục bát, mỗi câu lấy ở một chương. Ví dụ, chương 1, tôi chọn hai câu: “Rút trâm sẵn giắt mái đầu/ Vạch da cây, vịnh bốn câu ba vần”, chương 2 là hai câu “Chênh chênh bóng nguyệt xế mành/ Tựa ngồi bên triện một mình thiu thiu”. Nghe ra, tôi nhận thấy những câu ông chọn đều có động thái hợp với những nỗi niềm, tâm trạng, gắn với thân phận chìm nổi của Thúy Kiều.

vuon kieu doc nhat vo nhi cua ong vua nuoi heo

Vườn Kiều được xây dựng bằng tất cả niềm đam mê, tâm huyết của ông Khoát

Không gian của Vườn Kiều bài trí, xếp đặt khá hợp lý. Trong vườn có hòn giả sơn đắp lớn như núi thật để có đường tình cho cái kim thoa chỉ nam dẫn Kim Trọng tới vầng trăng hẹn và mái tóc thề Thúy Kiều. Có mặt hồ dưới chân núi để sen tàn dưới ấy thì cúc lại nở hoa lưng núi trên này. Có thấp thoáng giữa cây xanh một mái am nhỏ, nơi vãi Giác Duyên gửi Thúy Kiều ở lại với cửa Phật để Kim Trọng có chỗ tìm tới mà tái hồi. Bước theo các dấu chân nhân vật, người vãn cảnh có cảm giác khu vườn như rộng hơn diện tích thực của nó vì trong không gian giới hạn ấy chứa 15 năm lưu lạc của nàng Kiều.

Thật tình cờ, chúng tôi gặp đoàn sinh viên Ngữ văn - Khoa Xã hội và Nhân văn Trường Đại học Văn Hiến (TP Hồ Chí Minh) đến Vườn Kiều tham gia buổi học ngoại khóa môn Văn thời kỳ trung đại Việt Nam. Tại đây, đoàn sinh viên vào thắp hương trước bàn thờ Nguyễn Du và sau đó được chủ nhân dẫn đi thăm và thuyết minh về Vườn Kiều; được dịp tiếp xúc và sưu tầm một số tài liệu quý, các bài nghiên cứu của các nhà Kiều học gửi tặng ông Khoát. Đến đây, sinh viên không chỉ học môn Văn mà còn được hiểu biết thêm về sinh học, thực vật học và cao hơn là nhân học – học làm người.

Trước khi chia tay, tôi ngỏ ý muốn chụp ảnh chủ nhân Vườn Kiều làm kỷ niệm. Ông Khoát chọn ngay cảnh đứng bên Kim Trọng đang rong ruổi bước ngựa. Ông vẫn mặc bộ quần áo giản dị thường ngày của một lão nông với tất cả tình yêu và tâm huyết: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Và Vườn Kiều cũng như tấm lòng của ông, luôn rộng mở như hai câu thơ chào khách: "Vườn Kiều đón khách du xuân/ Đọc thơ ngắm cảnh thương thân nàng Kiều”.

Đọc thêm

Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Chớm đông, ấy là khi những vạt nắng cuối cùng của mùa thu còn dùng dằng chưa tắt mà những cơn mưa cứ ngấp nghé bước vào. Cái se lạnh đầu đông ùa về trải tràn khắp không gian...
Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để người dân thôn 5 (xã Thọ Điền, Vũ Quang, Hà Tĩnh) phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa.
Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ ở tỉnh Lâm Đồng nở rộ từ cuối tháng 10 đến tháng 12, khoe sắc vàng tươi nổi bật giữa không gian cao nguyên mát mẻ, tạo nên khung cảnh đẹp như tranh.
Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Đường đua phim Việt cuối năm đang trở nên sôi động với các tác phẩm mới dự kiến ra mắt. Những cái tên như "Linh miêu – quỷ nhập tràng", "Công tử Bạc Liêu" hay "Kính vạn hoa" hứa hẹn mang đến nhiều bất ngờ, tạo nên cuộc cạnh tranh quyết liệt tại rạp chiếu.
Podcast truyện ngắn: Đời biển

Podcast truyện ngắn: Đời biển

Anh hiểu rằng, những chuyến ra khơi không bao giờ dễ dàng, nhưng biển cả luôn cho anh thấy sức mạnh, niềm tin và sự kiên cường - điều đã trở thành máu thịt của cuộc đời mình.
Điều không ngờ trong 'Squid Game 2'

Điều không ngờ trong 'Squid Game 2'

Nhân vật mà Lee Byung Hun thủ vai, vốn là người điều hành loạt game ở mùa 1, lại xuất hiện với tư cách thí sinh ở mùa 2. Khoảnh khắc này khiến khán giả ngạc nhiên và tranh luận.
Podcast tản văn: Nắng nhạt cuối thu

Podcast tản văn: Nắng nhạt cuối thu

Hôm nay, ánh nắng mang một tâm trạng thật khác lạ, nhẹ nhàng và dịu dàng như một thiếu nữ đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới trong cuộc đời với sự mong chờ xen lẫn chút tiếc nuối...
3,5 tỷ đồng trùng tu đền Nam Phong

3,5 tỷ đồng trùng tu đền Nam Phong

Đền Nam Phong ở xã Cương Gián, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) được trùng tu, xây dựng khang trang, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.