Vượt qua điểm “nghẽn”, tư duy bảo thủ, quyết liệt tạo đột phá trong chuyển đổi số

(Baohatinh.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số quốc gia là công việc lớn, mang tính chiến lược nhưng phải bắt đầu bằng hành động, mục tiêu cụ thể.

Vượt qua điểm “nghẽn”, tư duy bảo thủ, quyết liệt tạo đột phá trong chuyển đổi số

Hội nghị toàn quốc về chuyển đổi số quốc gia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 12/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Cùng chủ trì có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Cùng dự có Đại tá Nguyễn Hồng Phong – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh.

Vượt qua điểm “nghẽn”, tư duy bảo thủ, quyết liệt tạo đột phá trong chuyển đổi số

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian mới (không gian số), giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian vừa qua, giải quyết các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam. Thể hiện cụ thể: 1 luật, 1 nghị định, 2 chỉ thị, 1 công điện, 7 nghị quyết, 11 thông báo kết luận của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, đã được ban hành.

100% các bộ, ngành, địa phương đã thiết lập, thường xuyên duy trì và phát triển hoạt động của các chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số trên Cổng Thông tin điện tử của cơ quan, địa phương.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Đến nay, mạng đã kết nối đến 100% huyện, 100% xã trên toàn quốc.

Các CSDL quốc gia ưu tiên triển khai, kết nối, chia sẻ phục vụ triển khai các dịch vụ cơ bản, thiết yếu cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu đã được các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai.

Ước tính sơ bộ tỷ trọng kinh tế số/GDP trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%.

Xu hướng tiêu dùng dịch vụ số của người dân tập trung chủ yếu ở 2 nhóm nền tảng số là thanh toán số và giải trí. Đáng chú ý nhất có 2 nền tảng dịch vụ công của cơ quan Chính phủ là VNeID ước sơ bộ có 8,5 triệu người dùng sử dụng bình quân hằng tháng (tăng 5 triệu người dùng người dùng so với cùng kỳ năm 2022) và VssID có 7,5 triệu người dùng sử dụng bình quân hằng tháng.

Tại Hà Tĩnh, dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh tăng đột phá, trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công tỉnh là 64% (tăng 40 % so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2022).

Việc khai thác thông tin cư trú của công dân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh thay cho việc yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cán bộ trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Xây dựng 207 mô hình dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận một cửa các cấp, rà soát, trang bị máy tính, máy scan… để phục vụ người dân nộp hồ sơ trực tuyến và phục vụ số hóa dữ liệu.

Chỉ đạo 100% (251/251) cơ sở y tế có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin BHYT bằng thẻ CCCD gắn chip tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chỉ phải mang một loại giấy tờ duy nhất trong khám, chữa bệnh.

Hoàn thành rà soát, thu thập, cập nhật hội nông dân, hội người cao tuôi, số hóa hộ tịch… rà soát hơn 100 nghìn đối tượng hưởng an sinh xã hội tiến tới phổ cập việc chi trả không dùng tiền mặt.

Đẩy mạnh thực hiện các khoản thu học phí, viện phí trong trường học và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện các khoản thu học phí, viện phí không dùng tiền mặt tạo điều kiện thuận lợi cho người dân…

Hà Tĩnh là địa phương thứ 2 toàn quốc hoàn thành cấp CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn vượt tiến độ trước 80 ngày so với chỉ đạo của Bộ Công an; thu nhận hơn 1 triệu hồ sơ; kích hoạt hơn 870 nghìn tài khoản định danh điện tử, đạt tỷ lệ 101% so với chỉ tiêu Bộ Công an giao, duy trì nhiều tháng là 1 trong 5 tỉnh có tỷ lệ kích hoạt định danh điện tử cao nhất, hiện nay, đã hoàn thành chỉ tiêu kích hoạt định danh điện tử…

Theo xếp hạng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) vừa được Bộ TT&TT công bố, năm 2022, Hà Tĩnh đứng thứ 37/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 22 bậc so với năm 2021; về xếp hạng cổng DVC, Hà Tĩnh đứng thứ 13 toàn quốc.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, là đòi hỏi khách quan, do đó cần vượt qua điểm “nghẽn”, tư duy bảo thủ và phải quyết liệt hơn nữa, tạo đột phá trong công tác chuyển đổi số. Trong đó, cần nâng cao nhận thức các cấp, các ngành; cần có trọng tâm, trọng điểm, có ưu tiên để tổ chức thực hiện có hiêu quả.

Vượt qua điểm “nghẽn”, tư duy bảo thủ, quyết liệt tạo đột phá trong chuyển đổi số

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ gợi mở, cần ưu tiên về phát triển cơ sở dữ liệu (là yêu cầu cần thiết, cấp bách); phát triển dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp; phát triển các nền tảng số; đảm bảo an ninh mạng và an toàn thông tin.

Thủ tướng cũng đề nghị cần đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm; trong triển khai phải huy động nguồn lực, sự tham gia của cộng đồng, Nhân dân. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quốc gia cần có tính liên kết, liên thông, chia sẻ giữa các cấp, các ngành, các địa phương. Cần tăng cường phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện.

Vượt qua điểm “nghẽn”, tư duy bảo thủ, quyết liệt tạo đột phá trong chuyển đổi số

Đại biểu tỉnh Hà Tĩnh dự hội nghị.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo điều hành, tạo bước đột phá mạnh trong việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06 với phương châm: “Chuyển đổi số quốc gia là công việc lớn, mang tính chiến lược nhưng phải bắt đầu bằng hành động, mục tiêu cụ thể”.

Cần tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và cho Đề án 06 nói riêng với tinh thần gọn, rõ, dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra.

Giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp triển khai hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá công tác chuyển đổi số cấp quốc gia, cấp bộ, cấp ngành và địa phương; Bộ Công an chủ trì xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá, đôn đốc việc triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến dân cư; Văn phòng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành hoàn thành thực hiện các văn bản về đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ của công dân liên quan đến quản lý dân cư.

Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Tổ chức triển khai các dịch vụ công liên thông. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát các quy trình thủ tục hành chính; nghiêm cấm ban hành các văn bản mang tính chất phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành; các cơ sở dữ liệu phải có sự liên thông, chia sẻ và được quản lý chặt chẽ; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm tạo ra những giá trị mới; đẩy mạnh đảm bảo an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo mật dữ liệu cá nhân; đẩy mạnh huy động nguồn lực phục vụ chuyển đổi số quốc gia...

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm