Chiều 4/6, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh họp nghe báo cáo rà soát, đánh giá thực hiện các cơ chế, chính sách giai đoạn 2017 - 2020, xây dựng chính sách giai đoạn 2021 - 2025 và phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng tham dự. |
Dự kiến có 27 chính sách thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025
Giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh đã xem xét, ban hành và triển khai thực hiện 53 chính sách. Trong đó, có 16 chính sách hết hiệu lực trước và trong năm 2020; 3 chính sách hết hiệu lực năm 2021; 34 chính sách còn hiệu lực sau năm 2021.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh báo cáo rà soát, đánh giá thực hiện các cơ chế, chính sách giai đoạn 2017 - 2020 tại cuộc họp. |
Giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh đã sử dụng 7.041 tỷ đồng nguồn ngân sách các cấp để thực hiện các chính sách (ngân sách Trung ương 269 tỷ đồng; tỉnh 2.162 tỷ đồng; huyện, xã 4.610 tỷ đồng).
Ngoài ra, các đơn vị, địa phương còn lồng ghép được 10.674 tỷ đồng từ nguồn vốn các chương trình, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án... và 68.226 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để cùng thực hiện mục tiêu của các đề án, cơ chế, chính sách đã ban hành.
Theo đánh giá, quá trình ban hành và thực hiện chính sách trong giai đoạn 2017 - 2020 còn một số tồn tại, bất cập như: số lượng chính sách được ban hành nhiều, có sự trùng lắp đối tượng hỗ trợ giữa các chính sách; một số nội dung của chính sách chưa phù hợp với điều kiện thực tế, chưa tạo được nguồn thu cho ngân sách nhà nước, chưa giải quyết được nhiều việc làm cho lao động…
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ: Đồng tình với tích hợp chính sách để dễ nhớ, dễ hiểu, tập trung trong quá trình triển khai thực hiện. Đề xuất quan tâm thêm chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân. |
Giai đoạn 2021 – 2025 có 37 chính sách được ban hành trong giai đoạn 2011 - 2016 và giai đoạn 2017 - 2020 còn hiệu lực; 27 nhiệm vụ mới theo khung nhiệm vụ tại Chương trình hành động số 01-CTr/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã được HĐND tỉnh thông qua, 1 nhiệm vụ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Báu Hà: Chúng ta đã xác định KKT Vũng Áng động lực lớn của tỉnh, vì vậy cần có chính sách phát triển để xứng tầm. |
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đề xuất dừng thực hiện 3 chính sách hết hiệu lực năm 2021 và bãi bỏ 2 chính sách còn hiệu lực trong giai đoạn 2022 - 2025; duy trì thực hiện 2 chính sách còn hiệu lực trong giai đoạn 2021 - 2025; sửa đổi, tích hợp 30 chính sách được ban hành giai đoạn 2011 - 2016, giai đoạn 2017 - 2020 và 5 nhiệm vụ mới theo kế hoạch khung của UBND tỉnh để ban hành mới 11 cơ chế, chính sách thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025. Tích hợp 22 nhiệm vụ mới theo kế hoạch khung của UBND tỉnh và 1 nhiệm vụ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ để ban hành mới 14 chính sách thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.
Khi thực hiện phương án trên, số 27 chính sách để thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025, được chia theo 14 nhóm lĩnh vực.
Vốn ngân sách TW đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dự kiến hơn 13 nghìn tỷ
Về phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương (NSTW) giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến tổng nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW của tỉnh Hà Tĩnh là 13.053,331 tỷ đồng. Trong đó: vốn thu hồi ứng trước 5.490,331 tỷ đồng; vốn bố trí cho các dự án trọng điểm, liên vùng 1.000 tỷ đồng; vốn NSTW đầu tư theo các ngành, lĩnh vực: 4.369,7 tỷ đồng; vốn nước ngoài (ODA) 2.193,3 tỷ đồng.
Việc phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSTW bổ sung có mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 được dựa trên 6 nguyên tắc.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh: Phương án phân bổ nguồn vốn cơ bản đã bám sát nghị quyết của HĐND tỉnh, tuy nhiên cần chỉnh sửa một số nội dung để phù hợp. |
Trên cơ sở áp dụng 6 nguyên tắc, vốn thu hồi ứng trước sẽ bố trí thu hồi 100% tổng số vốn ứng nguồn NSTW từ năm 2015 trở về trước đến nay chưa bố trí thu hồi với tổng số tiền là 5.490,331 tỷ đồng. Vốn dự án trọng điểm, liên vùng bố trí cho dự án đường trục chính trung tâm nối Quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Kỳ Anh đến cụm Cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.
Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Hà Văn Trọng: Về phân bổ nguồn vốn, cần rà soát kỹ các công trình cấp bách để phân bổ hợp lý. |
Vốn NSTW đầu tư theo các ngành, lĩnh vực: bố trí vốn đối ứng ODA cho 2/2 dự án thuộc đối tượng hỗ trợ vốn đối ứng từ nguồn NSTW với tổng số vốn 285 tỷ đồng; bố trí vốn chuyển tiếp cho 21/21 dự án sử dụng vốn NSTW bổ sung có mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 chuyển sang giai đoạn 2021 – 2025 với tổng số vốn là 972 tỷ đồng. Số còn lại là 3.112,7 tỷ đồng, bố trí cho các dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền: Trên lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, nên cân nhắc tách ra chính sách thuộc từng lĩnh vực nhỏ; có chuyên đề xây dựng về làng nghề truyền thống. |
Vốn ODA bố trí hết hạn mức vốn còn lại theo hiệp định vay vốn cho 8 dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong năm 2021 và năm 2022 với tổng số vốn 523,018 tỷ đồng; bố trí cho 4 dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành sau năm 2022 với số vốn 1.240,281 tỷ đồng; còn lại 430 tỷ đồng bố trí cho 2 dự án khởi công mới đã ký hiệp định.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Văn Hùng: Số lượng chính sách giai đoạn 2017 - 2020 quá nhiều, rất khó để đánh giá cụ thể hiệu quả của từng chính sách đối với từng ngành, lĩnh vực. Giai đoạn tới cần cân đổi tổng thể nguồn lực để thực hiện chính sách. |
Tại cuộc họp, các đại biểu đã phân tích rõ tình hình thực tế, nhìn nhận những hạn chế trong thực hiện cơ chế, chính sách thời gian qua, từ đó đưa ra các ý kiến xây dựng các cơ chế, chính sách giai đoạn 2021 - 2025.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải: Cần giao các ban rà soát kỹ các chính sách và trình kỳ họp HĐND tỉnh vào cuối năm. |
Bên cạnh đó, đại biểu cũng phân tích tình hình các dự án để có kế hoạch phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương hợp lý.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, đặc biệt là các dự án chiến lược, có tác động lớn đến KT-XH, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo liên kết vùng. Quan điểm của UBND tỉnh là mở rộng tuyến biển, lựa chọn nhà đầu tư để phát triển du lịch theo chuỗi, không nóng vội, không nhỏ lẻ, manh mún...
Cần phân tích, làm rõ nguyên nhân, tồn tại hạn chế thực hiện các chính sách, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để điều chỉnh. Chính sách cần bám vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX để xây dựng các phương án, ưu tiên những chính sách tác động lớn đến phát triển KT-XH tỉnh. Về chính sách hỗ trợ cán bộ chuyên trách cấp cơ sở, cần điều chỉnh một số nội dung. Về phân bổ nguồn vốn, cần đánh giá tổng thể những công trình tác động lớn để phân bổ vốn hợp lý; quan tâm hơn về nguồn vốn ODA.
Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải
Kết luận cuộc họp, về nội dung rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đánh giá, việc ban hành các chính sách trong thời gian qua là khá kịp thời, có tác động đến phát triển KT - XH nói chung. Việc kêu gọi xã hội hóa trên các lĩnh vực được thực hiện bài bản, các chính sách được thực hiện đồng bộ trên các lĩnh vực.
Tuy nhiên, vẫn có chính sách manh mún, dàn trải, kết quả thực hiện chưa hiệu quả. Một số ban, ngành tham mưu chính sách chưa khảo sát cụ thể và chưa chịu trách nhiệm khi người dân không được thụ hưởng. Chính sách về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh hoàn thiện lại báo cáo, lưu ý thêm nguyên nhân, hạn chế, làm rõ lí do vì sao một số chính sách dừng, sửa đổi hay tích hợp; chú ý phân cấp, phân quyền trong triển khai các chính sách. Các ngành tham mưu phải soát xét kỹ và đề ra các giải pháp thực hiện.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, việc xây dựng các chính sách phải có tác động tới người dân, phải bám sát mục tiêu đại hội, các mũi đột phá về các nội dung: cải cách hành chính, phát triển đô thị, thu hút đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội.
Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cần lưu ý: có chính sách thu hút lao động địa phương đang làm việc tại các khu công nghiệp; quan tâm chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư, vận hành tại KKT Vũng Áng và KKT Cửa khẩu Cầu Treo; điều chỉnh chính sách cho cán bộ không chuyên trách.
Quan tâm chính sách với các đối tượng yếu thế, già cả neo đơn, cựu chiến binh, thanh niên xung phong.
Về chính sách phát triển làng nghề truyền thống, cần chọn một số làng nghề tiêu biểu để khôi phục lại.
Soát xét thêm về chính sách xuất khẩu lao động; lưu ý chính sách đào tạo lao động có tay nghề và cam kết phục vụ quê hương, lĩnh vực văn học nghệ thuật của tỉnh; quan tâm đào tạo cầu thủ Hà Tĩnh cho đội bóng của Hà Tĩnh; xem xét hỗ trợ các địa phương chưa về đích NTM do các yếu tố khách quan.
Về phân bổ nguồn vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy đồng tình với 6 nguyên tắc phân bổ nguồn vốn Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã nêu. Đồng thời, lưu ý việc đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; làm từng bước một nhưng có hiệu quả.
Phương án phân bổ nguồn vốn cũng phải đảm bảo tính đồng đều các địa phương, chú ý miền núi, bãi ngang và phát triển du lịch; cần xem xét nguồn vốn dự kiến bố trí cho TX Hồng Lĩnh, huyện Lộc Hà.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị quan tâm đến hạ tầng Trường Đại học Hà Tĩnh, Bảo tàng tỉnh, các thiết chế văn hóa, hạ tầng nước sạch, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Kỳ Anh; chú ý đường giao thông nối từ bản Rào Tre đi Quảng Bình, tạo điều kiện cho bà con dân tộc Chứt đi lại, giao lưu văn hóa giữa hai địa phương, thúc đẩy phát triển KT-XH, gắn với đảm bảo QP-AN; đường giao thông từ xã Nam Điền (Thạch Hà) đi xã Lộc Yên (Hương Khê) (Tỉnh lộ 553) để tạo kết nối liên vùng, khai thác tiềm năng, lợi thế phía Tây; đường giao thông từ thành phố Hà Tĩnh đi xã Thạch Hải (Tỉnh lộ 550), kết nối các xã Thạch Văn, Thạch Trị (Thạch Hà) nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch vùng ven biển.