Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh, các ủy viên BTV Tỉnh ủy cùng dự.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn chủ trì cuộc họp
Bám sát tinh thần Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI), Nghị quyết 05 và Nghị quyết số 20 của BCH Đảng bộ tỉnh, đề án hướng tới mục tiêu phát triển giáo dục mầm non và phổ thông Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, sắp xếp tổ chức lại hệ thống giáo dục gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập; tăng cường tính tự chủ; xây dựng đội ngũ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: Qua nhiều lần góp ý, đề án đã dần được hoàn thiện, bám sát các yêu cầu của các nghị quyết, đổi mới phương pháp quản lý để tăng cường các hoạt động giáo dục...
Nhìn nhận những khó khăn, hạn chế về thực trạng giáo dục mầm non, phổ thông ở Hà Tĩnh, đề án cũng nêu các giải pháp trọng tâm như: Sắp xếp lại các trường mầm non và phổ thông; chuyển đổi một số trường sang cơ chế tự chủ; xây dựng các điều kiện đảm bảo, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Trong phần mục tiêu, hạn chế của đề án, cần lồng ghép những giải pháp. Việc sắp xếp quy mô trường lớp cần phù hợp với tinh thần đổi mới, đảm bảo chất lượng, phù hợp với thực tế và gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương, tạo sự đồng thuận của cán bộ, nhân dân.
Việc thực hiện, đề án chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2018 đến 2021, theo đó, sau khi hoàn thành quy hoạch, toàn tỉnh sẽ giảm 72 đầu mối, tương đương 10% so với năm 2015. Giai đoạn 2021 đến 2025, tiếp tục giảm 10% trường mầm non và phổ thông công lập so với 2021, giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách; có 20% trường mầm non, THCS, THPT tự chủ về tài chính.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải: Ngành cần khảo sát số liệu sinh viên giỏi thi vào các trường sư phạm trong thời gian gần đây, từ đó bổ sung vào đề án về chính sách kêu gọi, thu hút đội ngũ giáo viên giỏi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.
Góp ý vào dự thảo đề án, các đại biểu cơ bản đồng tình với những giải pháp đề ra. Tuy nhiên theo đại biểu, đây là đề án có tác động lớn đến đội ngũ giáo viên, học sinh và nhân dân nên vấn đề sắp xếp quy mô trường lớp cần căn cứ vào tình hình thực tiễn, tạo được sự đồng thuận. Cần phải có phương án giải quyết dôi dư đội ngũ. Vấn đề xã hội hóa giáo dục cũng cần có giải pháp cụ thể, phù hợp.
Phó trưởng đoàn ĐBQH Nguyễn Văn Sơn: Đề án cần cập nhật Luật Giáo dục sửa đổi vào việc sắp xếp, sáp nhập hệ thống xã phường; nghiên cứu và có bước đi thận trọng trong việc sáp nhập các trường theo mô hình liên cấp.
Chiều nay, BTV Tỉnh ủy tiếp tục ngày làm việc nghe báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN 6 tháng đầu năm, định hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm; tình hình, tiến độ các công trình, dự án trọng điểm.