Nâng cao năng lực hệ thống chính trị cơ sở (bài cuối):
>> Bài 1: Vai trò hạt nhân lãnh đạo
Cán bộ - gốc của mọi công việc
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cán bộ là gốc của mọi công việc, “mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Trong 4 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Hà Tĩnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, đến nay, còn 61 xã đạt dưới 7 tiêu chí, trong đó có 13 xã dưới 3 tiêu chí (cá biệt có xã 1 tiêu chí). Bình quân số tiêu chí đạt được của nhóm xã này là 3,9, thấp hơn nhiều so với bình quân của cả tỉnh là 8,4.
Thực trạng trên, ngoài nguyên nhân khách quan là xuất phát điểm thấp, thì chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan: các xã thuộc nhóm này chưa tập trung quyết liệt; cán bộ chủ trì chưa thể hiện trách nhiệm, tâm huyết với phong trào; việc sinh hoạt, chỉ đạo của ban chỉ đạo, ban quản lý NTM xã với thôn xóm chưa được quan tâm đúng mức.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành kiểm tra tình hình sản xuất tại xã Ích Hậu |
Bốn năm qua, trong khi toàn tỉnh sôi động triển khai xây dựng NTM thì xã Tân Lộc (Lộc Hà) dường như vẫn an phận, “ngủ yên” trong khó khăn, nghèo đói và xem xây dựng NTM là việc chung của xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo cao; hệ thống hạ tầng yếu kém; đời sống vật chất, tinh thần của người dân khó khăn, lạc hậu, đến nay, Tân Lộc là xã duy nhất của tỉnh chỉ mới đạt 1 tiêu chí (bưu điện văn hóa xã).
Mặc dù là địa phương có truyền thống cách mạng, người dân hiền lành, chất phác, tuy nhiên, xã Tân Lộc còn thiếu 1 người đứng đầu để dẫn dắt, chèo lái con thuyền. Nhiều năm liền, đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương yếu kém, mất đoàn kết nội bộ, thậm chí vi phạm kỷ luật, gây mất niềm tin của nhân dân. Trong 3 năm (từ 2011-2013) phải thay đến 3 chủ tịch xã.
Mặc dù nằm cạnh TP Hà Tĩnh, có nhiều tiềm năng, lợi thế so với nhiều xã khác, đặc biệt, được thành phố đầu tư khá nhiều nguồn lực, nhưng đến nay, xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) mới đạt 6 tiêu chí NTM. Sau 3 năm, dưới sự lãnh đạo, điều hành của đồng chí bí thư, đồng thời là chủ tịch, tình hình KT-XH xã Thạch Hưng vẫn nằm trong nhóm kém phát triển của thành phố. Đặc biệt, tình trạng khiếu kiện đất đai kéo dài nhưng người đứng đầu không xử lý được; nội bộ mất đoàn kết, đảng bộ nhiều năm liền xếp loại yếu, kém; phong trào xây dựng NTM nằm trong nhóm yếu nhất tỉnh.
Nhỉnh hơn Tân Lộc, nhưng đến nay, xã Hà Linh (Hương Khê) cũng chỉ mới đạt 3 tiêu chí. Trong 4 năm qua, Hà Linh chưa triển khai được mô hình liên kết quy mô lớn, đặc biệt là chưa thành lập tổ hợp tác, hay HTX nào.
Gia Phố - xã điểm NTM của trung ương nên được đầu tư khá lớn về nguồn lực (trên 100 tỷ đồng). Theo kế hoạch, Gia Phố phải về đích NTM năm 2012, tuy nhiên, đến nay, xã vẫn chưa hoàn thành. Bà Nguyễn Thị Minh – Chủ tịch UBND xã Gia Phố thừa nhận, đây là một điều đáng tiếc và nguyên nhân cơ bản là do chủ quan. Với những sai phạm trong quản lý tài chính, năm 2013, Phó Chủ tịch UBND xã bị khởi tố nên Gia Phố bị cắt thi đua.
Nhìn chung, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể của nhóm xã này còn lúng túng trong cách làm; nhiều xã thiếu chủ động, cán bộ chủ trì thiếu sâu sát, quyết liệt và tâm huyết với phong trào. Số cuộc làm việc của ban chỉ đạo, ban quản lý với các thôn xóm rất thấp, bình quân 5,3 cuộc/xã/năm. Một số xã từ khi triển khai đến nay, không tổ chức buổi làm việc nào tại thôn.
Quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ cơ sở
Hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức một số xã, phường, thị trấn có độ tuổi trung bình cao, đa số chưa được đào tạo. Tỷ lệ cán bộ chuyên trách chưa qua đào tạo về chuyên môn gần 60%, về lý luận chính trị gần 20%; số công chức chưa qua đào tạo chuyên môn gần 13%, lý luận chính trị gần 43%. Năng lực quản lý, điều hành, khả năng tập hợp, vận động nhân dân; hiệu quả công việc, nhất là giải quyết, xử lý những vấn đề từ thực tiễn đặt ra còn hạn chế. Cá biệt, một số cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, sa sút phẩm chất, hoặc lợi dụng chức vụ, vi phạm trong quản lý đất đai, tài chính, chính sách xã hội…
Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, nhân dân Thạch Tân (Thạch Hà) tích cực cải tạo vườn tạp, hiến đất mở đường làm giao thông nông thôn. |
Trước thực trạng trên, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, các huyện, thành phố, thị xã đã chỉ đạo, triển khai quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ và thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng về công tác tại cơ sở.
Bí thư Huyện ủy Đức Thọ - Võ Công Hàm chia sẻ: Đức Thọ được đánh giá là một trong những huyện đi đầu của tỉnh về phong trào xây dựng NTM. Có được kết quả trên, trước hết là yếu tố con người. Khi bắt tay thực hiện xây dựng NTM, chúng tôi có đợt khảo sát về năng lực của từng chủ tịch xã, nếu xã nào chủ tịch không đủ năng lực phải thay thế. Từ yêu cầu trên, chúng tôi đã luân chuyển 7 cán bộ chủ chốt các phòng, ban đầu mối của huyện như Trưởng phòng nông nghiệp làm Chủ tịch xã Liên Minh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH làm Chủ tịch xã Trường Sơn, Phó chánh thanh tra huyện làm Chủ tịch xã Đức Dũng, Bí thư huyện đoàn làm Bí thư đảng ủy xã Đức Lạc, Phó ban dân vận huyện làm Bí thư đảng ủy xã Đức Thủy...
Ngoài tăng cường cán bộ chủ chốt về cơ sở, huyện Đức Thọ cũng đã thực hiện luân chuyển cán bộ làm công tác tài chính kế toán xã từ địa phương này sang địa phương khác, tạo cho cán bộ phát huy hết khả năng và hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực trong công tác tài chính. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, Đức Thọ đã tuyển dụng 70 sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi về công tác tại huyện.
Chủ tịch xã Kỳ Tân - Lê Văn Phâng cho biết: Thời gian qua, Đảng ủy Kỳ Tân tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại chất lượng từng cán bộ, công chức, đồng thời bồi dưỡng, phát hiện thêm nguồn mới từ các chi ủy chi bộ, ban cán sự, các chi hội, đoàn thể, trong đó đặc biệt quan tâm bổ sung từ nguồn sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng chính quy có chuyên ngành phù hợp để bổ sung vào quy hoạch. Việc bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ cũng được xã quan tâm, nhất là về trình độ, sở trường, năng lực.
Bên cạnh nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công tác cải cách hành chính được các phường, xã của TP Hà Tĩnh đặt lên hàng đầu. Đến nay, hầu hết các xã, phường đã vận hành cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo điều kiện thuận lợi và rút ngắn thời gian giao dịch cho các tổ chức, cá nhân. Đây cũng là một trong những nội dung của việc nâng cao năng lực hoạt động, quản lý điều hành của các phường, xã.
Vừa qua, tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/T.U của BTV Tỉnh ủy (khóa XVI) về “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: các địa phương tiếp tục tập trung làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, nhất là quy hoạch đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị cơ sở. Bố trí người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực, kỹ năng tổ chức thực hiện. Thực hiện nền nếp, có hiệu quả công tác đánh giá cán bộ hàng năm, cuối nhiệm kỳ, trước khi đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử… Gắn kết chặt chẽ giữa công tác đánh giá, quy hoạch cán bộ với công tác nhân sự, nhất là nhân sự đại hội đảng bộ, đại biểu HĐND nhiệm kỳ tới.
5 năm qua, Hà Tĩnh đã thu hút 803 sinh viên có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên về công tác tại các xã, phường, thị trấn (8 thạc sĩ, 715 đại học, 80 cao đẳng). Qua đánh giá, số sinh viên này đã tiếp cận và từng bước phát huy tốt vai trò trong thực thi nhiệm vụ được giao (số phát huy tốt năng lực công tác chiếm 95,11%); đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa cán bộ xã, phường, thị trấn; đã cử đi đào tạo, chuẩn hóa được 7.992 lượt cán bộ, công chức cấp xã. |