Ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư từ sự thiếu ý thức của một số cá nhân là tình trạng đang xảy ra thường xuyên, ngay giữa đô thị. Chị Nguyễn Thị Xuân (37 tuổi, ở phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tình trạng một số gia đình hát karaoke, mở loa công suất lớn, bất kể giờ giấc đã diễn ra tại khu dân cư chúng tôi suốt một thời gian dài. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp gần đây, tình trạng đó xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của nhiều gia đình, trong đó có những hộ có con đang ở lứa tuổi học sinh như chúng tôi”.
Hiện đã có quy định xử phạt cụ thể đối với những trường hợp hát karaoke gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư với nhiều điều khoản khác nhau nhưng ý thức, ứng xử của mỗi người dân vẫn là yếu tố then chốt. Ảnh: minh họa Internet.
Gia đình chị Xuân có 2 con gái, đứa lớn học lớp 9, đứa bé học lớp 4. Thời gian gần đây, do trường học các cháu có nhiều học sinh là F0, nhà trường tổ chức dạy học online. Dù gia đình chị có phòng riêng cho con nhưng tiếng ồn từ loa hát karaoke của hàng xóm vẫn lọt vào khiến việc học hành bị ảnh hưởng. Vợ chồng chị cũng cảm thấy mệt mỏi. “Chúng tôi nhiều lần nhỏ nhẹ nhắc nhở nhưng được nhà này mất nhà kia và cũng chỉ được một vài hôm rồi đâu lại vào đó” - chị Xuân chia sẻ.
Trường hợp chị Xuân gặp phải không phải là cá biệt khi một số người vẫn quên ý thức giữ không gian sống chung, thiếu quan tâm đến những người xung quanh.
Từ năm 2016, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được đổi thành phong trào “Toàn dân xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Hưởng ứng phong trào, hầu khắp các địa phương trên toàn tỉnh đều chung tay xây dựng các tiêu chí NTM, như: xây dựng hàng rào xanh, vườn mẫu, khu dân cư NTM kiểu mẫu, đô thị văn minh… Tuy nhiên, tại một số địa phương, tình trạng thả rông trâu, bò gây ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng và bảo vệ các tiêu chí NTM, làm mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đường phố, khu dân cư.
Chị Quách Thị Nhàn (42 tuổi, Chủ tịch Hội LHPN xã Hộ Độ, Lộc Hà) cho biết: “Chúng tôi rất bức xúc khi hàng rào xanh vừa gây dựng bị trâu, bò thả rông quấy phá. Không những thế, trâu, bò thả rông thường xuyên phóng uế bừa bãi trên đường gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan”.
Tình trạng trên tồn tại nhiều năm qua tại xã Hộ Độ. Những đàn trâu, bò mà chị Nhàn nhắc trên phần lớn là của bà con một số xã lân cận như: Mai Phụ, Thạch Mỹ (Lộc Hà). Nhiều năm qua, các đồng muối ở Hộ Độ bỏ hoang không sử dụng, cỏ mọc nhiều. Lợi dụng điều đó, nhiều hộ dân của các xã bên lùa bò thả rông tràn sang Hộ Độ ăn cỏ. Điều đặc biệt, theo thói quen thiếu ý thức, các hộ này mặc kệ cho đàn trâu, bò của mình đi rông không có người chăn dắt.
Bò thả rông nghênh ngang trên đường Tỉnh lộ 22, đoạn qua xã Hộ Độ (Lộc Hà) tồn tại suốt thời gian qua gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Ảnh: chụp sáng 19/3.
“Xã chúng tôi đăng ký về đích đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào cuối năm 2022. Cùng với đó, một số thôn, như thôn Tân Quý đã đặt ra mục tiêu hoàn thành xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, chúng tôi rất lo ngại việc tiếp diễn tình trạng trâu bò thả rông như hiện nay sẽ làm chậm tiến độ hoàn thành và giữ vững một số tiêu chí” - chị Nhàn bày tỏ.
Vấn nạn thả rông trâu bò của nhiều hộ dân tại khu dân cư gây ảnh hưởng đến xây dựng các tiêu chí NTM diễn ra không chỉ ở Hộ Độ mà còn ở một số địa phương khác. Tuy nhiên, vấn đề xử lý triệt để vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, ngoài quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 46/2016/NĐ-CP và Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về xử phạt các hành vi chăn thả gia súc trên đường bộ hoặc gia súc gây tai nạn thì chưa có quy định cụ thể về việc xử phạt chăn thả gia súc trong khu dân cư. Do vậy, các chế tài đối với hành vi này chủ yếu dựa vào hương ước của thôn, xã, trong đó, tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân vẫn là yếu tố chủ chốt.
Mặc dù phần lớn người dân ở xã Hộ Độ đang nỗ lực chung tay xây dựng NTM nhưng tình trạng trâu bò thả rông làm chậm tiến độ hoàn thành và giữ vững một số tiêu chí. Trong ảnh: Người dân thôn Yên Thọ (Hộ Độ, Lộc Hà) chăm sóc hàng rào xanh.
Ông Trương Bá Khanh - Bí thư Đảng ủy xã Hộ Độ cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã nỗ lực tuyên truyền nhưng chưa cải thiện được tình trạng này. Lý do là những hộ dân thả rông trâu, bò đều ở địa phương khác đến, trong khi hương ước, quy định lại riêng từng xã khác nhau. Việc xử phạt nghiêm cũng gây căng thẳng, khó xử. Hiện, chúng tôi đã làm văn bản gửi đến các địa phương có trâu, bò thả rông đề nghị phối hợp tuyên truyền đến người dân để cùng giải quyết tình trạng này”.
Xây dựng đời sống văn hóa cũng đồng thời với việc xây dựng lối sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bài trừ mê tín dị đoan, lãng phí… Nhiều năm qua, cùng sự nỗ lực chung tay của các cấp, ngành và địa phương, hiện tượng đốt vàng mã tràn lan, hành lễ và chiêm bái thiếu văn minh… ở các địa chỉ tâm linh trên toàn tỉnh đã giảm rất nhiều. Tuy nhiên vẫn còn một số nơi, tệ nạn này chưa được chấn chỉnh triệt để.
Những con ngựa bằng giấy có giá từ 1-1,2 triệu đồng được du khách mua để làm lễ tại đền Chợ Củi dịp tết Nguyên đán vừa qua.
Có dịp đến đền Chợ Củi (Xuân Hồng, Nghi Xuân) đầu xuân Nhâm Dần 2022, chúng tôi chứng kiến tình trạng đốt vàng mã tràn lan vẫn tái diễn. Chị P.T.Q.Tr. (30 tuổi, du khách đến từ tỉnh Quảng Ninh) cho biết: “Đoàn của chúng tôi gồm 6 người, mỗi lần vào đền, chúng tôi đều được tư vấn mua vàng mã để đốt cầu may. Trong đó, để đốt cúng thánh, chúng tôi mua mỗi người một con ngựa bằng giấy, mỗi con giá 1-1,2 triệu đồng”.
Theo quan sát của chúng tôi, chỉ trong khoảng thời gian 1 giờ đồng hồ (mùng 4 tết) đã có 6 đoàn khách, mỗi đoàn mang theo 5-6 con ngựa giấy vào đặt giữa sân đền chuẩn bị làm lễ, sau đó đem đốt ở phía góc của đền. Một người dân sống cạnh đền Chợ Củi cho biết, việc đốt vàng mã với số lượng lớn xảy ra thường xuyên ở đây, nhất là dịp lễ, tết, du khách về đông, lò đốt vàng mã không bao giờ ngớt lửa. Bên cạnh đốt vàng mã gây lãng phí thì tại đền Chợ Củi, tình trạng người xin ăn vạ vật dọc theo lối vào đền, một số hộ kinh doanh chèn ép, gây khó dễ cho du khách… vẫn còn tồn tại.
Tình trạng đốt vàng mã gây lãng phí vẫn còn xảy ra ở một số điểm tâm linh. Trong ảnh: Lửa đốt vàng mã không lúc nào ngớt vào các dịp lễ, tết ở đền Chợ Củi. Ảnh tư liệu.
Bà Nguyễn Thị Hệ - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh) cho biết: “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư hiện nay còn một số hạn chế như: nếp sống kém văn minh trong cưới, tang, lễ hội, tình trạng đốt nhiều vàng mã gây lãng phí ở điểm tâm linh, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư… Có hành vi đã được luật pháp đưa vào nội dung xử phạt nhưng một số hành vi phải dựa vào quy định, chế tài của địa phương. Hiện 97% thôn, xã trên toàn tỉnh đã xây dựng thành công hương ước nhưng việc thực hiện theo hương ước còn chưa đi vào thực chất, hiệu quả”.
Ý thức của người dân có vai trò rất lớn trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Ảnh: Người dân thôn Đông Thắng, xã Mai Phụ (Lộc Hà) vui chơi giải trí tại nhà văn hóa cộng đồng.
Xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh là chủ trương đúng đắn mang tính rộng lớn và thiết thực của Đảng và Nhà nước, MTTQ Việt Nam. Thông qua đó, khơi dậy sức mạnh đoàn kết toàn dân cùng chung tay để xây dựng xã hội phát triển hài hòa giữa đời sống vật chất và sự hưởng thụ đời sống tinh thần của người dân, xây dựng môi trường sống văn minh. Để đạt được mục tiêu ấy, trước hết, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức và cùng hành động để tạo nên môi trường sống lành mạnh cho chính mình, gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, ngành chức năng và các cấp chính quyền, đặc biệt là ở cơ sở cần tăng cường kiểm tra, có chế tài xử lý những hành vi vi phạm.