Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cư dân nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh đặt ra yêu cầu ngày càng cao về các tiêu chí văn hóa, môi trường, an ninh trật tự. Đây chính là những yếu tố bền vững để xây dựng những vùng quê nông thôn hiện đại, bình yên, giàu bản sắc, phát triển một cách hài hòa và toàn diện.
Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, nhà văn hóa cộng đồng thôn Nam Bắc Thành (xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên) thực sự trở thành địa chỉ sinh hoạt, giao lưu văn hóa, thể thao của người dân trong thôn. Nhà văn hóa cộng đồng có địa thế thuận lợi ở ngay đầu làng, được đầu tư khang trang kết hợp nhiều công năng như: khu thể thao, công viên, ngôi nhà trí tuệ... Hằng ngày, vào sáng sớm hay cuối chiều, tại khuôn viên nhà văn hóa, người dân đủ mọi lứa tuổi đến chơi bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, dân vũ... Các hoạt động học tập cộng đồng tại ngôi nhà trí tuệ cũng được phát huy hiệu quả. Tại đây có hàng nghìn đầu sách, báo và hệ thống máy tính kết nối internet phục vụ người dân.
Đường về Cẩm Thành (huyện Cẩm Xuyên).
Ông Nguyễn Trọng Phương - Trưởng thôn Nam Bắc Thành chia sẻ: “Nhà văn hóa cộng đồng thôn được xây dựng phần lớn từ nguồn xã hội hóa và sự đóng góp của Nhân dân địa phương. Thông qua các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, rèn luyện thể thao, nâng cao trí tuệ tại đây đã làm tăng thêm sự gắn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội vùng nông thôn”.
Xác định xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là một trong những tiêu chí “cứng” nhằm tạo môi trường nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân, Hà Tĩnh đã tập trung huy động nguồn lực để từng bước hoàn thành tiêu chí này. Đến nay, toàn tỉnh có trên 90% nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đạt chuẩn. Đặc biệt, toàn tỉnh có hơn 94 mô hình “ngôi nhà trí tuệ” đi vào hoạt động với tổng nguồn lực huy động gần 20 tỷ đồng. Cùng với việc giữ gìn, phát triển hoạt động văn hóa truyền thống của các câu lạc bộ dân ca ví, giặm, trò Kiều, ca trù... đồng thời tiếp nhận, lan tỏa những mô hình mới như dân vũ, dạy tiếng Anh, thể dục - thể thao, những “ngôi nhà trí tuệ” đã trở thành nơi đánh thức các giá trị văn hóa tinh thần cho người dân. Ngoài ra, đến nay, toàn tỉnh có 55 ngôi nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ với tổng kinh phí hơn 116 tỷ đồng đã hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy công năng.
Nhà văn hóa thông minh thôn Nam Bắc Thành, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên)
“Ngôi nhà trí tuệ” đã trở thành không gian phục vụ cho các hoạt động đa dạng của người dân, góp phần thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở các địa phương.
Năm 2018, Nghi Xuân là địa phương đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn huyện NTM. Tiếp tục hành trình nâng cao chất lượng huyện NTM, năm 2021, địa phương này triển khai đề án “Xây dựng huyện Nghi Xuân đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025”. Vươn tới mục tiêu mới là hành trình huyện khai thác mạnh mẽ tiềm năng của vùng quê hội tụ đủ tinh hoa về cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa và lịch sử. Trong hơn 2 năm tập trung thực hiện, Nghi Xuân đã đạt được một số kết quả bước đầu. 15 xã trên địa bàn huyện đạt 10/19 tiêu chí NTM nâng cao; 5/15 xã đạt chỉ tiêu tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; 4/15 xã đạt chỉ tiêu môi trường và an toàn thực phẩm.
Xây dựng hình ảnh Nghi Xuân theo hướng đậm chất văn hóa với ca trù, dân ca ví, giặm và các điểm đến độc đáo như: Khu di tích Nguyễn Du, đền thờ Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ.
Nghi Xuân là địa phương đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn huyện NTM. Ảnh Đậu Hà
Ông Bùi Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, các tiêu chí về xây dựng huyện NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa của Nghi Xuân đều ở mức cao như: 100% xã phải đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 20% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, năm 2022, huyện ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh của người dân trên địa bàn. Đây là yếu tố cốt lõi trong xây dựng NTM kiểu mẫu ở Nghi Xuân. Để hoàn thành mục tiêu này, Nghi Xuân đang xây dựng, triển khai đồng bộ các giải pháp trên các lĩnh vực. Đặc biệt, địa phương tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, trùng tu các di tích lịch sử - văn hóa... Xây dựng hình ảnh Nghi Xuân theo hướng đậm chất văn hóa với ca trù, dân ca ví, giặm và các điểm đến độc đáo như: Khu di tích Nguyễn Du, đền thờ Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, đền thờ Việt Nam Trần triều điện miền Trung (xã Xuân Phổ), Khu du lịch sinh thái Tràng Vưng (xã Xuân Viên)... Bên cạnh đó, địa phương đầu tư phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm NTM, homestay tại các thị trấn Tiên Điền, Xuân Mỹ, Xuân Viên.
Cùng với Nghi Xuân, các địa phương có tiềm năng, lợi thế như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang cũng đã, đang tập trung đầu tư, kêu gọi đầu tư cho phát triển triển du lịch nông thôn gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa.
Mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa và cây trồng bản địa theo hướng phát triển xanh, bền vững tại thôn Làng Chè (xã Sơn Kim 2, Hương Sơn, Hà Tĩnh) được Bộ NN&PTNT đưa vào danh mục thí điểm thuộc chương trình phát triển du lịch nông thôn, giai đoạn 2021-2025.
Đua thuyền trên sông Ngàn Phố (Hương Sơn).
Sở hữu kho tàng giá trị văn hóa đa dạng và phong phú, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống được Hà Tĩnh đặt ngang tầm với phát triển KT-XH nông thôn trong xây dựng NTM. Ông Nguyễn Tùng Lĩnh - Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở VH-TT&DL) cho biết, Hà Tĩnh hiện có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt; 86 di tích cấp quốc gia và 535 di tích cấp tỉnh đang được quan tâm bảo vệ và phát huy giá trị, một số di tích có dấu hiệu xuống cấp đang đề xuất cấp thẩm quyền đánh giá để tôn tạo, trùng tu theo quy định của Luật Di sản. Từ năm 2018-2022, cùng với nguồn kinh phí tu bổ, trùng tu di tích được UBND tỉnh hỗ trợ (từ 10-12 tỷ đồng/năm), các địa phương và chủ sở hữu đã huy động hàng nghìn ngày công và hàng chục tỷ đồng để thực hiện việc tu bổ, trùng tu hơn 315 di tích lịch sử - văn hóa.
Sở hữu kho tàng giá trị văn hóa đa dạng và phong phú, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống được Hà Tĩnh đặt vị trí ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trong xây dựng NTM.
“Để hoàn thành chỉ tiêu 100% di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh được bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị theo đề án thí điểm xây dựng tỉnh NTM, việc tổ chức kiểm kê, ghi danh các di sản văn hóa - lịch sử phải được làm thường xuyên, định kỳ; ưu tiên trao quyền quản lý các di sản cho cấp huyện nhằm kết nối du lịch và tổ chức quản lý, phát huy giá trị gắn với cộng đồng. Cùng với đó là xây dựng một số mô hình bảo tồn các di sản văn hóa - lịch sử (cả vật thể và phi vật thể) với các tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh; gắn di sản với các sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Tĩnh” - ông Nguyễn Tùng Lĩnh chia sẻ thêm.
Cùng với giữ gìn bản sắc văn hóa, các địa phương thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết bảo vệ an ninh Tổ quốc” với các mô hình hiệu quả như “Camera an ninh”, “Khu dân cư bình yên, chung sức xây dựng NTM”, “Khu dân cư an toàn về phòng cháy và chữa cháy”, “Tổ liên gia tự quản về an ninh, trật tự”, “Tổ công nhân vì môi trường xanh - Tự quản về an ninh, trật tự”... Hà Tĩnh đã cơ bản đạt các tiêu chí an ninh trật tự và không ngừng hoàn thiện, nâng cao hơn các nội dung về tiêu chí văn hóa, tạo môi trường phát triển bền vững, hài hòa cho các vùng nông thôn.
Bên cạnh đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao thu nhập cho người dân, Hà Tĩnh luôn hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường sống trong lành, xanh - sạch - đẹp tại các vùng quê NTM. Tiêu chí môi trường - cảnh quan trong đề án xây dựng thí điểm tỉnh NTM đưa ra những yêu cầu cao và các địa phương trong toàn tỉnh đang nỗ lực thực hiện nhằm hướng tới “nấc thang mới” trong chất lượng sống của người dân. Trong đó, đối với yêu cầu về xử lý rác thải, các địa phương tiếp tục duy trì phong trào vì môi trường xanh - sạch - đẹp, định kỳ ít nhất mỗi tháng 1 lần ra quân dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, chỉnh trang khu dân cư. Các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và sáng tạo nhiều mô hình nhằm chung tay xử lý rác thải ngay từ đầu nguồn, giảm sức ép về số lượng rác thải ngày càng lớn từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình cụm dân cư “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh” thôn Cừa Lĩnh (xã Đức Lĩnh, Vũ Quang).
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trương Thị Lượng cho biết, gắn cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” với việc thực hiện tiêu chí môi trường, hội LHPN các cấp trong toàn tỉnh đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên và người dân thực hiện phân loại, xử lý rác tại hộ. Theo đó, nội dung trọng tâm là vận động các gia đình phân loại rác từ gốc và xử lý rác bằng các hình thức hợp vệ sinh như: xây dựng lò đốt rác, hố rác/hố ủ phân sử dụng chế phẩm sinh học. Bên cạnh đó, các mô hình “Gia đình 5 có - NTM kiểu mẫu”; “10 hộ liền kề”; “Nhà sạch, vườn đẹp”; Chi hội “5 không, 3 sạch”, “Cụm dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh”, “Cụm dân cư sinh thái văn minh” được các tổ chức đoàn thể cùng địa phương xây dựng, nhân rộng, giúp người dân gắn kết tình làng - nghĩa xóm, cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh và góp phần nâng chất các tiêu chí NTM.
Trong các nội dung có khối lượng công việc lớn và khó của tiêu chí môi trường, vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt, chăn nuôi tại khu dân cư nông thôn đã sớm được Hà Tĩnh quan tâm với nhiều cách làm sáng tạo. Đề tài “Thu gom, xử lý nước thải tại hộ gia đình vùng nông thôn” được Văn phòng NTM tỉnh Hà Tĩnh, Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh nghiệm thu và đưa vào ứng dụng năm 2019. Giải pháp thu gom, xử lý nước thải nhỏ lẻ tại chỗ với công nghệ đơn giản, dễ áp dụng, chi phí thấp và phù hợp với khu vực nông thôn, bước đầu đã phát huy tác dụng. Đến nay, toàn tỉnh có 35 xã thực hiện giải pháp này với trên 3.000 mô hình vận hành hiệu quả.
Ông Hồ Minh Sơn (thôn La Xá, xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) cho biết, trước đây, nước thải sinh hoạt của các gia đình trong thôn đều xả trực tiếp ra hệ thống mương thoát thải gây mùi hôi thối. Từ khi lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tại hộ, chúng tôi đã xử lý khá triệt để hiện tượng này, tạo môi trường trong lành hơn. Sự đồng tình và vào cuộc của người dân đang giúp các địa phương tiếp tục nhân rộng những cách làm hiệu quả nhằm hoàn thành yêu cầu: tỷ lệ hộ gia đình thực hiện thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt bằng biện pháp phù hợp, hiệu quả đạt ít nhất 35% theo đề án thí điểm xây dựng tỉnh NTM.
Mô hình phân loại rác tại hộ do hội LHPN các cấp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên và người dân thực hiện.
Trong hành trình nâng cao chất lượng môi trường sống của cư dân nông thôn theo các tiêu chí mà đề án thí điểm xây dựng tỉnh NTM đề ra, khó khăn lớn nhất là việc thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 50% người dân nông thôn được sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung.
Ông Trần Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, đây là mục tiêu khó, đặc biệt là đối với những địa phương miền núi, địa bàn rộng, chia cắt, dân cư thưa thớt. Nguồn đầu tư đối với những vùng này rất lớn trong khi ngân sách hạn hẹp, doanh nghiệp không “mặn mà” vì không hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 58 xã với khoảng 290.875 hộ dân sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung, đạt tỷ lệ 23,22%.
“Mặc dù vậy, với quyết tâm cao, Hà Tĩnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình nước sạch tập trung trên địa bàn, nâng cấp, mở rộng mạng lưới các công trình cấp nước đã có. Cụ thể, giai đoạn 2022-2025, tỉnh ưu tiên tới 50% nguồn ngân sách Trung ương cấp cho chương trình xây dựng NTM cả giai đoạn để hoàn thành nâng cấp, mở rộng mạng lưới 7 công trình đã có và xây dựng mới 17 công trình với tổng kinh phí 350 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 94/NQ-HĐND ngày 11/11/2022 của HĐND tỉnh). Từ các nguồn lực, đến năm 2025, dự kiến tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung đạt 48,35%” - ông Trần Đức Thịnh cho hay.
Mô hình nước sạch sinh hoạt tại Đức Thọ.
Bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước, các địa phương cũng đang nỗ lực kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước sinh hoạt. Đức Thọ là một trong những địa phương thực hiện thành công việc xã hội hóa trong xây dựng nhà máy nước. Xuất phát từ nhu cầu cấp bách của người dân và sự kêu gọi của chính quyền, năm 2016, Công ty TNHH HT Thành Trung đã đầu tư 50 tỷ đồng xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt La Giang, công suất giai đoạn 1 đạt 2.000 mét khối/ngày đêm. Khi công trình đi vào vận hành, hơn 4.000 hộ dân ở 3 xã Lâm Trung Thủy, Bùi La Nhân, Quang Vĩnh thuộc vùng hạ huyện Đức Thọ được tiếp cận với nguồn nước sạch đảm bảo.
Với cách làm sáng tạo và bền bỉ, Hà Tĩnh tiếp tục kiên trì tiêu chí 20 - khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu nên ngày càng nhân rộng những miền quê trù phú, thanh bình, thực sự đáng sống, tạo sự hài lòng cao trong mỗi người dân. Từ hiệu quả tiêu chí 20, tỉnh tiếp tục chỉ đạo xây dựng các khu dân cư NTM thông minh gắn với chuyển đổi số. Đến nay, toàn tỉnh có 1.100/1.626 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu (67,65%); dự kiến đến năm 2024 có 70% số thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu (đạt yêu cầu của đề án tỉnh NTM). Các huyện, thành phố đã triển khai xây dựng 13 mô hình khu dân cư NTM thông minh, phấn đấu đến năm 2025 có tối thiểu 20 mô hình thôn thông minh và 4 mô hình xã NTM thông minh.
Bên cạnh đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao thu nhập cho người dân, Hà Tĩnh luôn hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường sống trong lành, xanh – sạch – đẹp tại các vùng quê NTM. Ảnh Đậu Hà
“Xuyên suốt mục tiêu do người dân là chủ thể và người dân là người hưởng thụ trực tiếp, chương trình NTM càng đi vào chiều sâu thì yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cũng tiến thêm những nấc thang mới. Bởi vậy, dẫu còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng cả hệ thống chính trị đang nỗ lực, quyết tâm cao nhất để đạt được những chỉ tiêu, tiêu chí đề ra, xây dựng những vùng quê NTM với những giá trị vững bền”, ông Ngô Đình Long - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh khẳng định.
THIẾT KẾ & KỸ THUẬT: THÀNH NAM - NGỌC NHI
>> Bài 1: Tăng tốc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2024
>> Bài 2: Phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập
>> Bài cuối: Bồi đắp những giá trị mới trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn