1. Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” là sự kế thừa Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 và Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” năm 1998. Hơn 15 năm thực hiện 5 quan điểm, 10 nhiệm vụ và 4 cụm giải pháp của Nghị quyết T.Ư 5, nền văn hóa đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Điều đáng lo ngại nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân được T.Ư nhiều lần nêu rõ.
Đi cà kheo đưa bóng vào gôn - phần "hội" thu hút được sự quan tâm của đông đảo cư dân vùng bãi ngang huyện Thạch Hà. |
Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế, tạo những cơ hội để “cất cánh”, nhưng quá trình này cũng đặt ra nhiều thử thách. Về lý thuyết, sẽ không có chuyện hòa tan bản sắc văn hóa của quốc gia nhưng sự tiếp biến, du nhập, giao thoa văn hóa cũng có thể làm mai một “màu cờ, sắc áo” của một cộng đồng. Vì vậy, phải xác định được đâu là căn cước của dân tộc, đâu là linh hồn, bản sắc của cộng đồng. Trước tình hình đó, nghị quyết về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” nêu lên 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp cơ bản.
2. Không tách rời các giá trị về văn hóa mà Bác Hồ, Đảng ta đã dày công vun đắp, Nghị quyết T.Ư 9 hướng tới khẳng định 2 nhiệm vụ quan trọng: “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam”. Tên gọi của nghị quyết đã làm nổi bật mối quan hệ mật thiết giữa văn hóa và con người. Nói đến con người là nói đến văn hóa; nói đến hành vi có ý thức và cách thức tổ chức cộng đồng xã hội. Văn hóa mang nét đặc trưng của mỗi tộc người, mỗi quốc gia nhưng lại mang những điểm chung của nhân loại. Vì thế, ở chiều ngược lại, nói đến văn hóa cũng là nói đến con người, bởi chỉ có con người mới sáng tạo ra các giá trị văn hóa. Hai nhiệm vụ này có mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời trong quá trình đi lên của dân tộc.
3. Xây dựng con người là chuyện có từ thuở nào nhưng lại là muôn thuở. Hẳn nhiên, không thể có đáp án đầy đủ, chi tiết, chí ít cũng xem như cẩm nang để mỗi người thực hành. Đã có thời kỳ, chúng ta đề ra chủ trương “xây dựng hệ tư tưởng mới, nền văn hóa mới, con người mới”. Thế rồi, chúng ta sai lầm khi áp dụng cứng nhắc, trong khi con người và văn hóa nói chung bản chất là tính mở, phong phú, đa dạng. Nghị quyết T.Ư 9 khẳng định: “chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, nhân cách”, “hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ”. Đây là điểm căn bản làm nên con người mọi thời đại. Con người, quan trọng nhất là có ý thức tự trọng, tự chủ, phát triển toàn diện, tinh thần dân tộc trong cốt tủy. Đó là những thuộc tính căn bản cấu thành nhân cách. Có hình thành nhân cách mới kết cấu nên một cộng đồng đủ mạnh, giống như người xưa dạy: đầu tiên phải khắc kỷ, làm theo điều lễ, ấy là người có nhân. Hiện nay, đây đó, nhân cách con người vẫn “mờ mờ nhân ảnh”, thiếu chiều sâu văn hóa và gốc rễ bền chắc, đôi khi không xác định rõ lý tưởng. T.Ư lần này đưa ra nhiệm vụ về xây dựng con người đã đảm bảo kế thừa truyền thống và hướng tới tương lai. Con người không chỉ “hướng về” mà còn “hướng tới”, khẳng định các giá trị tự thân trong xu thế mới, như: quyền con người, thượng tôn pháp luật, tính trội của tri thức, thực thi dân chủ… Đó cũng là cách thức xây dựng xã hội mới, một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Điều đó giải thích tại sao trong 6 nhiệm vụ đặt ra, T.Ư nêu nhiệm vụ thứ nhất: “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”.
4. Về phát triển văn hóa, T.Ư xác định có 5 nhiệm vụ. Dĩ nhiên, sự chia tách này có tính tương đối trong tương quan nội dung về xây dựng con người. Việt Nam có nền văn hóa lâu đời, khẳng định được sức sống bất diệt, sự tự vệ mạnh mẽ trước áp lực ngoại bang. Thế nhưng, có thời gian, chúng ta sai lầm trong ứng xử văn hóa: xem thờ cúng tổ tiên, các vị nhân thần, nhiên thần là mê tín; coi văn hóa nặng về tư tưởng; phân biệt, đối kháng giữa các nền văn hóa khác nhau. Gần đây, trước xu thế hội nhập, phát triển, sức hấp dẫn của sự du nhập văn hóa đã làm cho nền văn hóa xuất hiện các dấu hiệu “thiếu khỏe mạnh”. Tình trạng lai căng, sử dụng một cách thiếu chọn lọc các sản phẩm văn hóa ngoại lai; sự xuống cấp đạo đức nhân thế; hiểu biết mơ hồ về giá trị dân tộc; môi trường nhân văn chịu những ảnh hưởng xấu… đã tác động rất mạnh đến quỹ đạo đi lên của đất nước. Thậm chí, xã hội đã xuất hiện những nghịch lý: xét công nhận rất nhiều danh hiệu văn hóa mỗi năm và nhiều người thuộc lòng câu “giữ gìn và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” nhưng vẫn có tình trạng xuống cấp về mặt đạo đức xã hội. Bên cạnh đó, một số giá trị mới chưa được trang bị đầy đủ như tinh thần công dân, ý thức tập thể…, nên xuất hiện nhiều cá nhân chỉ coi trọng lợi ích bản thân, không đặt trong tương quan với cộng đồng.
Tổ khúc dân ca "Thạch Lạc trên đường đổi mới" được trình diễn tại Hội thi Nông thôn ngày mới |
Với Nghị quyết T.Ư 9, Đảng ta đã tiếp tục khẳng định tính kế thừa – quan điểm vô cùng quan trọng của chủ nghĩa Mác. Cuộc biến đổi văn hóa dù ở thời kỳ nào, tính chất ra sao cũng phải đảm bảo tính kế thừa, tạo gốc rễ bền lâu. Việc xây dựng nền văn hóa hôm nay không chỉ là giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc mà còn phát huy, phát triển các giá trị ấy; tiếp thu các giá trị mới tiến bộ, phù hợp với xu thế phát triển. T.Ư khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Quan điểm này gợi nhắc đến tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, cụ thể trong phát ngôn năm 1946: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, 4 vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đều phải được coi trọng như nhau, không được coi nhẹ vấn đề nào”. Đặc biệt, lần này, T.Ư xác định quan điểm mới đó là: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp…”. Nghị quyết còn nêu rất rõ: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”. Môi trường văn hóa liên quan tới tất cả cá nhân. Gia đình, nhà trường, cơ quan, thôn xóm… là những môi trường nhân văn cụ thể, tạo nên “khí quyển” để mỗi cá nhân hấp thu. Thực chất của vấn đề này chính là mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, coi đó như một nguyên lý về xây dựng văn hóa.
“Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” là nhiệm vụ chiến lược của quốc gia, đòi hỏi các tổ chức, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị phải cụ thể hóa thành chương trình hành động. Mỗi lĩnh vực khi đề ra, thực hiện nhiệm vụ đều phải chú ý yếu tố văn hóa. Văn hóa không rõ hình hài, song lại là khí quyển bao trùm và ẩn khuất bên trong các hành động. Thế mới hiểu vì sao T.Ư xác định mục tiêu: “văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tiếp nhận tinh thần T.Ư 9 sau khi đã tổng kết Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII), Hà Tĩnh có căn cứ thực tiễn để cụ thể hóa bằng chương trình hành động. Tỉnh nhà xác định, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước với mục tiêu: “Xây dựng văn hóa và con người Hà Tĩnh phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học và truyền thống văn hóa của quê hương”. Mục tiêu này cũng kế thừa trọn vẹn tinh thần Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về “Xây dựng và phát triển văn hóa Hà Tĩnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5”, tạo cơ sở để phát huy tốt các giá trị văn hóa, con người của vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, đất học, đất thơ trong thời kỳ đẩy mạnh phát triển kinh tế và hội nhập.