Thiết kế nhỏ gọn, đa năng, phù hợp với môi trường đô thị, dòng xe hatchback từng được người Việt ưa chuộng. Tuy nhiên trong những năm gần đây, loại xe này dần giảm sức hút, kể cả với nhóm xe cỡ A và cỡ B.
"Sân chơi" thu hẹp, ít lựa chọn
Năm 2021, phân khúc hatchback hạng A từng rất sôi động với sự xuất hiện của nhiều sản phẩm. Trong đó, VinFast Fadil là cái tên nổi bật khi bán chạy nhất thị trường xuyên suốt cả năm, ghi nhận tổng doanh số đạt 24.128 chiếc ở năm 2021.
Sang năm 2022, phân khúc này chứng kiến sự ra đi của nhiều sản phẩm như Fadil hay Honda Brio. Hiện tại, chỉ còn 3 mẫu xe cạnh tranh, gồm: Hyundai Grand i10, Kia Morning và Toyota Wigo.
Doanh số cộng dồn của phân khúc này cũng lao dốc: từ hơn 45.000 xe ở năm 2021, giảm 62% ở năm 2022 và tiếp tục giảm 35% ở năm 2023. Tính hết 5 tháng đầu năm 2024, chỉ có 3.196 chiếc được bán ra thị trường.
Tất nhiên rằng, sức tiêu thụ của các dòng xe hatchback hạng A cũng chịu ảnh hưởng từ kinh tế suy thoái, theo xu thế chung của thị trường. Nhưng khó thể phủ nhận, phân khúc này đã không còn sức hút lớn với người dùng Việt.
Phân khúc hatchback hạng B cũng không khá hơn là bao. Thậm chí, Toyota Yaris mới đây đã âm thầm biến mất khỏi danh mục sản phẩm trên trang web của hãng xe Nhật Bản, khiến "sân chơi" này chỉ còn 2 cái tên là Suzuki Swift và Mazda2.
Không còn phù hợp với nhu cầu của số đông
Giới chuyên gia lý giải, một trong những nguyên nhân chính khiến xe hatchback "thất sủng" tại Việt Nam là do sự chuyển dịch thị hiếu của người dùng.
Xe hatchback với phần đuôi "cụt", đem lại sự gọn gàng trong điều kiện sử dụng xe tại các đô thi lớn. Tuy nhiên thiết kế này có thể không hợp mắt, đồng thời không gian chứa đồ khi chở đủ người có thể không rộng bằng các mẫu sedan cùng hạng.
Đó cũng là lý do Hyundai Grand i10 bán chạy tại phân khúc xe hạng A: ngoài kiểu dáng hatchback còn có biến thể sedan, phù hợp với mục đích sử dụng cá nhân hay kinh doanh chạy dịch vụ.
Tương tự Hyundai Grand i10, một số dòng xe trên thị trường cũng được phân phối song song kiểu dáng hatchback và sedan. Trang bị và động cơ của các biến thể này không quá khác biệt nhưng với một số trường hợp, xe hatchback lại có giá cao hơn sedan, khiến việc thuyết phục khách hàng càng trở nên khó khăn.
Đơn cử như Suzuki Swift, mẫu hatchback hạng B này không có biến thể sedan. Tuy nhiên, giá bán lẻ đề xuất của mẫu xe này (559,9 triệu đồng) lại ngang với bản cao của nhiều mẫu sedan hạng B như Toyota Vios (cao nhất 545 triệu đồng) hay Hyundai Accent (cao nhất 569 triệu đồng).
Toyota Yaris sử dụng chung nền tảng của Vios nhưng lại có giá niêm yết 684 triệu đồng, đắt hơn 139 triệu đồng so với bản cao nhất của Vios. Thế nhưng, mẫu hatchback hạng B này lại thuộc đời cũ, ra mắt từ năm 2020, trang bị không thể so được với Vios đã được nâng cấp giữa vòng đời vào năm 2023.
Hay như Mazda2, mẫu xe này được phân phối song song 2 kiểu dáng hatchback và sedan. Với biến thể sedan, xe có giá niêm yết dao động 408-508 triệu đồng nhưng kiểu dáng hatchback lại có giá 527-544 triệu đồng.
Sự đi lên của xu thế xe gầm cao và MPV giá rẻ
Không chỉ hatchback mà các dòng xe sedan cũng chịu ảnh hưởng, khi thị hiếu của người dùng chuyển dần sang các mẫu SUV hay 7 chỗ giá rẻ. Những mẫu xe này có tầm quan sát cao ráo, khoảng sáng gầm lớn phù hợp với nhiều dạng địa hình khác nhau.
Hai phân hạng này đặc biệt "nóng" ở tầm giá 700 triệu đồng. Tại phân khúc SUV đô thị cỡ B và B+, có tổng cộng 10 mẫu xe tham gia cạnh tranh; "sân chơi" của các mẫu MPV cỡ nhỏ cũng "chật chội" không kém khi người dùng có tới 8 lựa chọn.