Huyện lộ 102 (ĐH.102) là một trong những tuyến giao thông chính dẫn vào xã Thạch Đài, xã Thạch Xuân (Thạch Hà). Để đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân, tạo điều kiện phát triển KT-XH cho các địa phương, 4 năm trước, tuyến đường này được nâng cấp, mở rộng từ 4,5m lên 7m và thảm bê tông nhựa. Mặt đường được mở rộng trong khi bề rộng các cây cầu vẫn giữ nguyên đã vô tình tạo ra những “nút thắt cổ chai” trên tuyến, gây nguy hiểm cho người và phương tiện khi lưu thông.
Bề rộng các cây cầu trên tuyến ĐH.102 chỉ đủ cho 1 xe ô tô và 1 xe máy hoặc xe đạp đi lại. Trường hợp có 2 ô tô cùng lưu thông qua cầu, buộc phải có 1 xe nhường cho xe kia đi trước rồi mới có thể di chuyển.
Trước nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT), chính quyền địa phương lắp đặt các tấm sắt có dán phản quang để giúp người đi đường dễ nhận biết vị trí cầu hẹp. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời nên mối nguy tai nạn vẫn luôn thường trực, nhất là về đêm, rạng sáng.
“Thời điểm này đang có một số dự án trọng điểm triển khai trên địa bàn nên lượng xe tải trọng lớn qua lại tấp nập, những cây cầu “thắt nút cổ chai” trên tuyến ĐH.102 vốn đã mất an toàn, nay lại càng dễ xảy ra tai nạn. Địa phương cũng đã kiến nghị lên huyện và các ban, ngành cấp tỉnh sớm có giải pháp xử lý dứt điểm vị trí mất ATGT trên tuyến ĐH.102”, ông Dương Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đài thông tin.
Tương tự, trên tuyến giao thông từ xã Sơn Long (Hương Sơn) đi xã Đức Bồng (Vũ Quang) cũng xuất hiện tình trạng “thắt nút cổ chai” ở vị trí cầu Hối Hiến mà nguyên nhân xuất phát từ việc đường được mở rộng trong khi cầu được giữ nguyên hiện trạng.
Theo ông Phạm Bình Luận - Chủ tịch UBND xã Sơn Long, do được xây dựng từ 60 năm trước nên hiện nay, cầu Hối Hiến đã xuống cấp, hư hỏng khá nghiêm trọng. Việc này cộng thêm cầu nằm ở khúc cua, cây cối khá rậm rạp gây nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông. Thời gian qua, đã xảy ra khá nhiều vụ xe rơi xuống sông khi lưu thông qua cây cầu này. Người dân và chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị các ngành chức năng kiểm tra điểm mất ATGT ở vị trí cầu nhưng tới nay vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để.
Thống kê của Ban ATGT cho thấy, 8 tháng năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 299 vụ TNGT (296 vụ đường bộ, 3 vụ đường sắt) khiến 150 người tử vong, 196 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2023, cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và người bị thương) do TNGT đều tăng.
Ông Nguyễn Văn Tân - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho rằng, ngoài nguyên nhân về ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao, lưu lượng phương tiện gia tăng nhanh thì những bất cập về hạ tầng giao thông, nhất là vùng nông thôn cũng là nguyên nhân dẫn đến tình hình TNGT ở Hà Tĩnh diễn biến phức tạp.
Trong những năm qua, ban, ngành cấp tỉnh và chính quyền các cấp đã đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo các tuyến giao thông, trong đó đặc biệt quan tâm tới vùng nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn khá nhiều vị trí, điểm bất cập cần được khắc phục, sửa chữa.
Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng, cơ quan quản lý đường bộ và chính quyền địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra các vị trí, điểm mất ATGT trên tuyến, trong đó chú trọng vào hạ tầng giao thông vùng nông thôn.
Từ kiến nghị của đoàn liên ngành, cơ quan quản lý đường bộ đã xử lý khá nhiều điểm bất cập hạ tầng giao thông vùng nông thôn, góp phần kiềm chế, kéo giảm TNGT trên địa bàn toàn tỉnh.
Cùng với việc quan tâm các giải pháp về đầu tư, nâng cấp nhiều tuyến giao thông ngày càng hiện đại, rất cần các cấp chính quyền nâng cao vai trò quản lý, rà soát, kiểm tra những bất cập hạ tầng giao thông nông thôn hiện nay để sớm khắc phục, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông.