Chiều 2/11, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề về bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà và Phó Giám đốc Công an tỉnh Đặng Hoài Sơn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Hội nghị kết nối trực tuyến tới điểm cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. |
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đặng Hoài Sơn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Thời gian qua, các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương đã xác định công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của Nhân dân, qua đó, công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT cho học sinh có nhiều chuyển biến tích cực. Chính quyền các địa phương, các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự ATGT và các nhà trường đã cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong công tác này.
Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT liên quan đến học sinh vẫn còn diễn ra khá phức tạp. 10 tháng đầu năm 2023, toàn quốc có trên 800 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh, làm 490 người chết, hơn 800 người bị thương, để lại những hậu quả nặng về đối với cá nhân các em, gia đình và xã hội.
Các đại biểu tham dự ở điểm cầu Hà Tĩnh.
Điều đáng lo ngại là tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về ATGT ngày càng phổ biến, nhất là hiện tượng học sinh THCS, THPT đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, gây rối trật tự công cộng, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, đặc biệt là điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe đang diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ TNGT.
Nguyên nhân dẫn tới TNGT, vi phạm pháp luật về ATGT liên quan tới học sinh gia tăng là do phương tiện (xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện) phù hợp với lứa tuổi học sinh điều khiển tăng nhanh; hệ thống hạ tầng giao thông ở một số đô thị lớn đang trong tình trạng quá tải.
Vụ TNGT nghiêm trọng giữa xe máy chở 2 nam sinh và xe tải tại ngã tư ở xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà xảy ra vào tháng 3/2023 khiến 1 em tử vong, em còn lại bị thương nặng.
Một số ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa, vai trò của việc đảm bảo ATGT cho học sinh là xây dựng thế hệ công dân Việt Nam trong tương lai chấp hành tốt pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông, là bảo vệ nguồn lực tương lai cho đất nước.
Việc phối hợp giữa nhà trường – gia đình – xã hội để quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về trật tự ATGT còn chưa hiệu quả, một bộ phận còn thiếu trách nhiệm; các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn chung chung, hình thức, chưa thực sự tác động hiệu quả đến đối tượng đặc thù là học sinh; một bộ phận phụ huynh, người giám hộ còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong quản lý con cái...
Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật ATGT vẫn còn tái diễn ở Hà Tĩnh.
Tại hội nghị, đại biểu các sở, ngành, địa phương đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại khiến cho tình hình TNGT và vi phạm pháp luật về ATGT liên quan tới học sinh diễn biến phức tạp. Đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến về các giải pháp nhằm tăng cường công tác đảm bảo ATGT cho học sinh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong thực hiện công tác đảm bảo ATGT liên quan tới học sinh.
Đánh giá số vụ TNGT và tình hình trật tự ATGT liên quan đến học sinh vẫn còn diễn ra khá phức tạp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành Trung ương tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các trường hợp học sinh vi phạm điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện, chưa có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm tham gia giao thông khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, bốc đầu xe, đi xe dàn hàng ngang, đua xe trái phép; xử lý nghiêm các trường hợp giao xe cho học sinh điều khiển không đúng quy định.
Huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nhất là các đoàn thể, tổ chức xã hội, trong công tác đảm bảo ATGT cho học sinh; tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông, đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền, lưu ý tuyên truyền cá biệt, ứng dụng mạng xã hội để các em học sinh dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thưc hiện.
UBND các địa phương phải có giải pháp cụ thể và tổ chức thực hiện hiệu quả để đảm bảo tuyệt đối an toàn trường học, nhất là ATGT khu vực cổng trường; tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng chức năng – nhà trường – gia đình trong việc quản lý và giáo dục học sinh nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về trật tự ATGT.