Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, năm 2017, tình hình trật tự ATGT tiếp tục có chuyển biến tích cực; TNGT được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương.
Trong năm qua, toàn quốc xảy ra 20.080 vụ TNGT đường bộ, làm chết 8.279 người, bị thương 17.040 người; so với cùng kỳ năm 2016, TNGT giảm 1.509 vụ (-6,99%), giảm 406 người chết (-4,67%), giảm 2.240 người bị thương (-11,62%).
TNGT đường sắt xảy ra 164 vụ, làm chết 133 người, bị thương 50 người; so với năm 2016 giảm 16 vụ, giảm 18 người chết.
Đường thủy nội địa xẩy ra 99 vụ, làm chết 45 người, bị thương 16 người; so với năm 2016 giảm 15 vụ, giảm 27 người chết.
Điểm cầu Hà Tĩnh
Hội nghị đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến TNGT như: đi không đúng phần đường, làn đường (25,18,%); vi phạm tốc độ quy định (9,34%); chuyển hướng không quan sát (9,51%); tránh, vượt sai quy định (6,24%); quy trình thao tác lái xe kém (6,13%); không nhường đường (6,24%)…
Phương tiện gây tai nạn chủ yếu vẫn là xe mô tô, xe máy (69,94%), xe ô tô (24,3%). Về giới tính 89,89% nam giới, 10,1% là nữ giới; về độ tuổi từ 18 đến 27 tuổi chiểm 32,43%, 27 đến 55 tuổi chiếm 49,32% và 11,8% trên 55 tuổi.
Năm 2017, Hà Tĩnh xảy ra 149 vụ TNGT, làm 137 người chết, 80 người bị thương. So với năm 2016, giảm 37 vụ (-19,9%), giảm 21 người chết (-13,3%), giảm 10 người bị thương (-11,1%). Lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản, xử lý 46.188 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, phạt tiền trên 37 tỷ đồng; tước GPLX 3.260 trường hợp, tạm giữ 6.327 phương tiện (4.529 mô tô, 905 ô tô và 893 phương tiện khác). Cũng trong năm 2017, Viện kiểm sát nhân dân các cấp ở Hà Tĩnh truy tố 63 vụ, 61 bị can; Tòa án nhân dân 2 cấp đã xét xử 58 vụ, 59 bị cáo vi phạm trật tự ATGT. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ rõ những tồn tại, bất cập trong công tác đảm bảo ATGT như: tình trạng bến cóc, bến dù diễn biến phức tạp, gây mất trật tự an toàn giao thông; tình trạng xe chở quá tải, xe cơi nới thành thùng chở hàng quá tải có dấu hiệu tăng cao; ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn diễn biến phức tạp; công tác quản lý, khai thác vận hành tại một số dự án BOT chưa hợp lý dẫn đến bộ phận lái xe phản ứng tiêu cực, gây ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông…
Các đại biểu cũng dành thời gian thảo luận, đưa ra các giải pháp nhằm kiểm soát TNGT; giải quyết những nút thắt, những điểm nghẽn trong công tác đảm bảo an toàn giao thông dịp cuối năm.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đề nghị các địa phương cần tập trung làm rõ những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân dẫn đến TNGT; bóc tách trách nhiệm thuộc về công tác quản lý, thuộc về ý thức, nghiệm vụ của lái xe, của người tham gia giao thông để có hướng giải quyết.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu từ nay đến Tết nguyên đán, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về ATGT, trong đó các đơn vị chủ lực như: Ban ATGT, Công an, ngành GTVT và các địa phương tập trung tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, nhất là đối với xe khách, xe tải, xe container…
Chỉ đạo điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND Đặng Quốc Vinh nhấn mạnh: tình hình trật tự ATGT từ nay đến Tết nguyên đán sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT khi người và phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến… Do đó, các địa phương, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền pháp luật về ATGT, tập trung xử lý quyết liệt, nhất là vi phạm chở quá khách, quá tải trọng xe, nồng độ cồn, quá tốc độ và chống người thi hành công vụ... Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý chính quyền các địa phương cần vào cuộc quyết liệt, sớm chấm dứt tình trạng tình trạng thả rông trâu bò trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các bến đò ngang, khu di tích như: chùa Hương Tích (Can Lộc), đền Lê Khôi (Lộc Hà) trong thời điểm trước, trong và sau Tết; phấn đấu trong dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm tình hình trật tự ATGT được kiềm chế, tiếp tục duy trì và kéo TNGT xuống dưới 10% trong cả 3 tiêu chí trong năm 2018. |