Xử phạt “xe không chính chủ”, người dân Hà Tĩnh cần hiểu thế nào cho đúng?

(Baohatinh.vn) - Thời gian gần đây, không ít người dân Hà Tĩnh băn khoăn về quy định tăng mức phạt tiền đối với trường hợp “xe không chính chủ” tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Anh Đào Văn Tú, xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) trao đổi: “Tôi thấy một số bạn facebook của mình đang chia sẻ các thông tin về vấn đề đi “xe không chính chủ” sẽ bị phạt. Tôi đang lo lắng không biết vậy khi vợ tôi đi xe đứng tên tôi hay ngược lại thì chúng tôi có bị phạt hay không?”

Xử phạt “xe không chính chủ”, người dân Hà Tĩnh cần hiểu thế nào cho đúng?

“Xe không chính chủ” cần được hiểu đúng đó là xe không được làm thủ tục đăng ký chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên mình khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế.

Trong những cuộc nói chuyện bên chén trà đầu năm, câu chuyện về xử phạt “xe không chính chủ” cũng trở nên rôm rả trong gia đình ông Trần Đình Phú, phường Bắc Hồng (TX Hồng Lĩnh). Không ít người đang hiểu không rõ về quy định và bày tỏ băn khoăn nếu nhà chỉ có một chiếc xe, không lẽ chỉ có người đứng tên đăng ký mới được đi, còn những người khác dù có giấy phép lái xe vẫn không được lái?!

Hay trong trường hợp được người thân cho xe ô tô hoặc xe máy mà bản thân chưa đi làm thủ tục đăng ký sang tên xe để chuyển tên chủ xe thì có bị xử phạt đi “xe không chính chủ” hay không?

Xử phạt “xe không chính chủ”, người dân Hà Tĩnh cần hiểu thế nào cho đúng?

Vì hiểu sai về quy định xử phạt “xe không chính chủ” không ít người đã có ý kiến trái chiều về điều luật và gây hoang mang trong xã hội.

Thảo luận sôi nổi nhất nội dung này phải kể đến các “diễn đàn” trên mạng xã hội facebook. Nhiều người có các ý kiến khác nhau về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với lỗi “xe không chính chủ”, trong đó có những ý kiến đưa tin không chính xác về quy định này, gây hoang mang, lo lắng cho người dân.

Xử phạt “xe không chính chủ”, người dân Hà Tĩnh cần hiểu thế nào cho đúng?

Luật sư Nguyễn Khắc Tuấn - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Tĩnh chia sẻ thông tin.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Khắc Tuấn - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Tĩnh cho biết: Theo quy định tại điểm a, khoản 4, điểm i, khoản 7, Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì lỗi “xe không chính chủ” là hành vi: “Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô”.

“Xử phạt “xe không chính chủ” không phải là quy định mới, mà được quy định từ năm 2016 tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Và cũng không có văn bản pháp luật nào sử dụng từ “xe không chính chủ”, mà cụm từ này do người dân tự lan truyền.

Tuy nhiên, khi đã gọi tắt như vậy thì người dân cần hiểu đúng rằng “xe không chính chủ” là xe không được làm thủ tục đăng ký sang tên để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký sang tên mình khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô” - Luật sư Nguyễn Khắc Tuấn nhấn mạnh.

Xử phạt “xe không chính chủ”, người dân Hà Tĩnh cần hiểu thế nào cho đúng?

Lực lượng cảnh sát giao thông nỗ lực tuyên truyền luật đến tận người dân.

Nói thêm về nội dung này, Thiếu tá Diệp Xuân Quyền, Đội trưởng Đội xử lý vi phạm và tuyên truyền (Phòng Cảnh sát Giao thông Công an Hà Tĩnh) chia sẻ: “Lỗi “xe không chính chủ” không phải cứ đi xe của người khác thì sẽ bị phạt; mà chỉ bị xử phạt nếu được xác minh, phát hiện hành vi vi phạm khi thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông và qua công tác đăng ký xe. Chúng tôi đang tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu đúng nội dung nghị định”.

Như vậy, đối chiếu với các quy định trên đây thì đối với hành vi như mượn, thuê xe người khác để tham gia giao thông sẽ không thuộc trường hợp bị kiểm tra và xử phạt về lỗi “không chính chủ” như một số thông tin mà nhiều người chia sẻ trên các trang mạng xã hội trong thời gian gần đây.

Về mức xử phạt, cụ thể như sau:

Theo khoản 3, Điều 6, Thông tư 15/2014/TT-BCA, “trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.”

Đối chiếu với quy định tại điểm a, khoản 4, điểm l, khoản 7, Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020), tổ chức, cá nhân không đăng ký sang tên xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô theo quy định bị xử phạt như sau: cá nhân vi phạm bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng; tổ chức vi phạm bị phạt tiền từ 800.000 đồng - 1.200.000 đồng.

Hành vi vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô, mức phạt cá nhân bị phạt từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng; tổ chức bị phạt từ 4.000.000 - 8.000.000 đồng.

Chủ đề An toàn giao thông

Đọc thêm

“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.
Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Chiều tối 5/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh và các địa phương chia sẻ với những mất mát của các gia đình nạn nhân TNGT ở Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) và động viên họ sớm vượt qua nỗi đau.
Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những chia sẻ của người thân tại hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân ở Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) tạo động lực cho những người lỗi lầm chấp hành tốt án phạt, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.
Nợ nần sinh lừa đảo

Nợ nần sinh lừa đảo

Do nợ nần trong làm ăn, Nguyễn Văn Đức (trú huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền của 2 bị hại trên địa bàn hơn 1 tỷ đồng. Đức như chết lặng khi nghe HĐXX tuyên án.