Kỷ niệm 45 năm chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, Đài TNVN tổ chức chương trình Giao lưu nghệ thuật đặc biệt “Hồi ức 12 ngày đêm – Lửa, Hoa và Chiến thắng” vào tối 28/12 tại Nhà hát Đài TNVN (Hà Nội).
Đến dự chương trình có bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN; ông Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Doãn Toàn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội; Thiếu tướng Hồ Bá Vinh, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐNDVN; và các đồng chí Phó TGĐ, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đài TNVN qua các thời kỳ...
Các vị khách mời tham dự sự kiện |
Thông qua những tiết mục nghệ thuật của các giọng ca nổi tiếng như NSƯT Đăng Dương, NSƯT Việt Hoàn, NSƯT Thanh Bình, Hoàng Tùng, Minh Thu, Thu Lan, Tiến Mạnh…, những đoạn clip phóng sự và giao lưu ngay tại sân khấu, chương trình đã cùng khán giả hồi ức về những ngày cuối năm 1972.
Mười hai ngày đêm rực lửa năm ấy, Hà Nội và cả nước đã đoàn kết, quả cảm đứng lên chống lại cuộc tập kích đường không vô cùng tàn bạo của không lực Hoa Kỳ. Đó là một chiến thắng chói lọi, một kỳ tích được bạn bè năm châu ngưỡng mộ và kẻ thù phải kinh hoàng.
Thời gian đã lùi xa 45 năm nhưng những ký ức về một thời hào hùng và đau thương ấy vẫn luôn soi rọi vào cuộc sống hôm nay, để chúng ta thêm kính yêu và biết ơn cha anh đã xả thân vì nước, để sống và cống hiến nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Chương trình được chia làm 4 phần. Phần I với tên gọi “Tầm nhìn, bản lĩnh” giới thiệu kỹ càng công đoạn chuẩn bị cho kháng chiến. Với tầm nhìn chiến lược sâu rộng của Bác Hồ kính yêu cũng như Đảng ta, cùng tư duy quân sự nhạy bén, quân dân ta đã bước vào cuộc chiến 12 ngày đêm trong tư thế chủ động.
Khán giả cùng cảm nhận điều này qua các ca khúc: “Tên lửa về bên sông Đà” (Hoàng Tạo), “Tình Bác với chiến sĩ canh trời” (Ngọc Khuê).
Chương II “12 ngày đêm bão lửa” là những ngày kháng chiến gian khổ. Trong cuộc tập kích vào Hà Nội, bom đạn Mỹ đã cày bới khắp các khu phố làng mạc của Hải Phòng, Thái Nguyên và Hà Nội. Dù phải đối đầu với một cường quốc hùng mạnh với những vũ khí tối tân, nhưng quân dân ta không hề nao núng.
Trong phần giao lưu, những chuyện xúc động của các vị khách mời giúp chúng ta hình dung được sự tàn khốc của chiến tranh, sự tàn bạo của kẻ xâm lược. Nén những nỗi thương đau ấy, người dân Hà Nội vẫn kiên cường chiến đấu để bảo vệ bầu trời Thủ đô yêu dấu.
Các khách mời đặc biệt chia sẻ những câu chuyện đầy đau thương nhưng vô cùng hào hùng của quân và dân Việt Nam trong thời chiến. |
Trong chiến công ấy, có một “binh chủng” đặc biệt, đó là Đài Tiếng nói Việt Nam. Tiếng nói của Bác Hồ, của Đảng truyền đến lòng dân đã tiếp thêm sức mạnh cho cuộc chiến đấu. Đài TNVN cũng truyền tải những tác phẩm hùng tráng ngợi ca tinh thần chiến đấu bất khuất của quân dân ta.
Khán giả cũng được nghe những chia sẻ của cán bộ của Đài TNVN làm việc trong 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 1972 và những ca khúc “Hà Nội – niềm tin và hy vọng” (Phan Nhân), “Bài ca Hà Nội” (Vũ Thanh), “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (Phạm Tuyên), “Bản hùng ca kiêu hãnh một thời” (thơ: Trần Nhật Minh, nhạc: Trần Nhật Dương)
Các nghệ sĩ đã làm sống lại một thời hào hùng của dân tộc. |
Chương III “Hoa chiến công” là những câu chuyện hết sức đặc biệt trong cuộc chiến đấu thắm máu và hoa của những chiến sĩ bảo vệ bầu trời. Nhờ những sáng tạo trong tư duy quân sự, bản lĩnh kiên cường và niềm tin chiến thắng đã làm nên một bài ca sáng chói: Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.
Khán giả được nghe 2 ca khúc là “Phi đội ta xuất kích” (Tường Vy) và “Có những tuổi 20 như thế” (thơ: Trần Văn Giang, nhạc: Nguyễn Hồng Sơn) và giao lưu với cán bộ Phòng không Không quân.
Chương cuối cùng “Chiến thắng huy hoàng” được khắc họa bằng những giai điệu hùng tráng, mãi mãi ghi nhớ chiến công chấn động địa cầu của quân và dân ta: “Cao xạ pháo Việt Nam” (Xuân Thủy), “Em còn tìm anh mãi” (Vũ Việt Hùng), “Tên lửa ta đánh rất hay” (Huy Thục), “Tổ quốc trao ta bầu trời” (Minh Quang), “Tiến bước dưới quân kỳ” (Doãn Nho).
Những tiết mục ca múa nhạc được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng. |
Quân dân ta từ tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ những năm trước đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đã đoàn kết một lòng, dũng cảm tài trí đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ trên bầu trời Thủ đô Hà Nội, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi cuối cùng năm 1975.
“Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam, tô thắm thêm trang sử hào hùng, khích lệ niềm kiêu hãnh của nhân dân Việt Nam, quân đội Việt Nam anh hùng./.