Cầu Jamsu trên sông Hàn tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, bị phong tỏa do mực nước lên cao. (Ảnh: Yonhap)
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn số liệu thống kê thiệt hại do mưa lớn từ Trụ sở Các biện pháp An toàn và Phòng chống thiên tai trung ương nước này cho biết, tính đến hôm nay (4/8), 14 người đã được báo cáo mất tích sau khi những trận mưa lớn kéo dài gây nên lũ lụt và sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung. Trong số này có trường hợp một người đàn ông ngoài 60 tuổi bị lũ cuốn trôi trong khi đang lái xe tải qua một vùng nước ngập ở Jincheon, tỉnh Bắc Chungcheong.
Mưa lớn cũng tiếp tục gây nên những hậu quả đáng tiếc về người. Gần đây nhất là 6 trường hợp tử vong ở thành phố Pyeongtaek và quận Gapyeong, đều thuộc tỉnh Gyeonggi, khi lở đất do mưa lớn đã vùi lấp một chỗ làm việc tạm thời và một ngôi nhà ở trên núi.
Tổng cộng có 1.025 người đến từ 629 hộ gia đình đã phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán. Hơn một nửa trong số này ở tỉnh Bắc Chungcheong, kế đến là 391 người ở tỉnh Gyeonggi, 70 người ở tỉnh Gangwon và 9 người ở thủ đô Seoul.
Thiệt hại về tài sản tiếp tục gia tăng, với 1.483 tài sản tư nhân và 1.485 công trình công cộng. Theo nhà chức trách, 1/3 số tài sản bị thiệt hại là các nhà ở, bên cạnh các công trình khác như nhà kho, nhà màng sản xuất nông nghiệp, chuồng chăn nuôi gia súc…
Các công trình công cộng như cầu, đường, đường ray tàu hỏa và các hồ chứa nước cũng bị hư hại do những trận mưa như trút.
Giới chức đã khôi phục hoàn toàn hơn một nửa trong tổng số các tài sản bị thiệt hại. Hơn 25.000 cảnh sát, lính cứu hỏa và các tình nguyện viên được huy động để hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả do thiên tai.
Tuy vậy, 43 tuyến đường bộ và 6 tuyến đường sắt (bao gồm các tuyến Chungbuk, Taebaek và Yeongdong) hiện vẫn bị cấm lưu thông.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chuẩn bị tổ chức một cuộc họp khẩn cấp trong chiều nay để thảo luận các phương án khắc phục thiệt hại.
Trong cuộc họp nội các diễn ra trước đó, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun đã chỉ đạo cho các cơ quan ứng phó thảm họa xem xét truyên bố các khu vực chịu thiệt hại nặng nề là vùng thảm họa đặc biệt.