Chỉ trong 1 năm, Thạch Đỉnh hoàn thành sáp nhập từ 12 xuống còn 4 thôn
Năm 2013, Thạch Đỉnh tiến hành sáp nhập từ 12 thôn xuống còn 4 thôn. Thời điểm trước sáp nhập, quy mô thôn lớn nhất có 100 hộ, thôn nhỏ nhất có 36 hộ, vì vậy việc huy động sức dân để tham gia các hoạt động chung khó khăn, tính cố kết cộng đồng manh mún... Sau khi sáp nhập, thôn lớn nhất có 325 hộ, 3 thôn còn lại quy mô từ 235 - 250 hộ. Với quy mô như vậy, các hoạt động ở thôn sau sáp nhập được triển khai bài bản và kêu gọi được sự ủng hộ, chung tay của đông đảo bà con, tạo nên tập thể lớn mạnh, đoàn kết.
Sau sáp nhập, Đảng ủy xã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo sát sao hoạt động từng thôn mới
Bí thư Đảng ủy xã Thạch Đỉnh Ngô Văn Ngọc chia sẻ: “Bắt tay vào thực hiện, xã xem xét kỹ các yếu tố lịch sử, địa lý, phong tục tập quán, sinh hoạt... của người dân từng thôn để quyết định nên sáp nhập thôn nào với thôn nào.
Đặc biệt, mỗi bước đi của lộ trình sáp nhập thôn đều thực hiện công khai, rõ ràng, tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu và xin ý kiến người dân đầy đủ. Sau sáp nhập, Đảng ủy xã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo sát sao hoạt động từng thôn mới và từng bước vận động nhân dân hoàn thiện thiết chế thôn, kiện toàn bộ máy, chi hội, chi đoàn, vướng mắc ở đâu tháo gỡ ngay ở đó”.
Người dân các thôn chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới
Với cách làm như vậy, ngay trong năm 2013, Thạch Đỉnh hoàn thành nội dung sáp nhập thôn trong sự đồng tình, phấn khởi của người dân. Từ năm 2016 đến nay, các thôn trong xã đã đi vào hoạt động ổn định, phát triển. Riêng trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn xã đạt 13,7%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt gần 92%; 3/4 thôn được công nhận thôn văn hóa... Cuối tháng 12/2018, Thạch Đỉnh đạt 12/20 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, một số tiêu chí còn lại đã thực hiện được trên 50% phần việc.
Nhà văn hóa thôn Văn Sơn hoàn thành bởi sự đồng tâm, hiệp lực của người dân trong toàn thôn
Anh Nguyễn Văn Thống, Bí thư thôn Văn Sơn chia sẻ: "Sau sáp nhập, mọi hoạt động ở thôn được triển khai quy mô hơn. Như nhà văn hóa của thôn được xây dựng mới với số tiền hơn 1 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 400 triệu đồng, số còn lại hơn 600 triệu đồng do người dân và con em xa quê đóng góp. Trong các hoạt động khác như phá bỏ vườn tạp, hiến đất mở đường, làm đường giao thông... đều thu hút được đông đảo người dân tham gia. Dân đông, sức lớn nên thôn làm việc gì cũng xong."
Những kết quả đó đã trở thành bàn đạp để Thạch Đỉnh tiến tới thực hiện sáp nhập xã (với xã Thạch Bàn) vào cuối năm 2019. “Thực tế những năm qua đã minh chứng, sau sáp nhập sức mạnh tổng hợp được nhân lên, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Đó là nền tảng vững chắc cũng là bài học kinh nghiệm để tới đây chúng tôi tiến hành sáp nhập xã đạt mục tiêu, kết quả cao nhất.
Trước mắt, xã đã và đang tiến hành thông báo qua loa truyền thanh về chủ trương sáp nhập xã để bà con được biết. Bước đầu nắm bắt dư luận, chúng tôi nhận được sự đồng tình cao của bà con. Tới đây, trong từng bước đi, kế hoạch, xã sẽ lấy ý kiến của người dân trên nguyên tắc tập trung dân chủ; giải thích, tuyên truyền để người dân rõ” - Bí thư Đảng ủy xã Ngô Văn Ngọc khẳng định.
Với tập thể lớn mạnh, Thạch Đỉnh phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới vào cuối năm 2019
Thạch Đỉnh đang trên đà tăng tốc về đích nông thôn mới vào cuối năm 2019, đây cũng là xã đang được huyện Thạch Hà chọn làm điểm trong thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Tin rằng, với những kinh nghiệm và kết quả từ sáp nhập thôn, việc sáp nhập xã sẽ không là trở ngại với Thạch Đỉnh trong thời gian tới.