Sống trong vùng thấp trũng, năm nào gia đình ông Hoàng Xuân Linh (thôn Trung Tiến, xã Điền Mỹ) cũng bị ngập lụt. Bởi thế, những năm gần đây, gia đình ông đầu tư làm 2 bè nổi, 2 chiếc thuyền nốc để chủ động ứng phó với lũ lụt.
Sẵn sàng ứng phó với lũ, ông Hoàng Xuân Linh làm nhà bè để di dời nông sản...
... và thuyền nốc để di chuyển trong lũ.
Ông Linh cho biết: “Không riêng gia đình tôi mà cả thôn nhà nào cũng luôn trong “trạng thái” sẵn sàng như vậy cả. Mùa thu hoạch về, nông sản được cất sẵn ở trên nhà vượt lũ, nhà bè. Đến mùa lũ, khi có thông tin của thôn từ loa phát thanh thì chúng tôi đưa trâu, bò đến nơi cao như đồi, núi. Các vật dụng, tài sản được đưa lên cao. Nhờ đó, dù năm nay nước lũ lên cao nhưng thiệt hại trực tiếp về tài sản của gia đình là không đáng kể”.
Đồ dùng gia đình được đưa lên cao.
Tương tự, thôn 7, xã Hương Thuỷ là một trong những địa phương thấp trũng nhất của xã cũng như huyện Hương Khê. Mỗi khi mưa lớn, cả thôn hầu như bị cô lập. Vì vậy, ở đây nhà nào cũng đóng sẵn một chiếc thuyền nốc.
Sách, vở của các em học sinh cũng được người dân chủ động cất trên mái nhà.
Người dân thôn 7, xã Hương Thuỷ làm chuồng kiên cố trên đồi cao để tránh lũ cho gia súc.
Theo ông Nguyễn Đắc Nội - Bí thư thôn 7: Tại đồi Đá Dựng – nơi cao nhất thôn được người dân dựng các nhà tạm để làm nơi ở cho trâu, bò khi lũ về. Còn nông sản sẽ được cất sẵn lên cao từ khi thu hoạch. Riêng nhà tôi phần mái nhà cũng được tận dụng làm chạn để cất trữ lúa. Chúng tôi làm sẵn một cái ròng rọc để việc đưa nông sản lên cao thuận lợi hơn. Năm nay, gia đình có hơn 2 tấn lúa, ngô, lạc, đậu đã được cất gọn gàng trên cao từ sớm.
Ông Nguyễn Đắc Nội làm sẵn ròng rọc để đưa nông sản lên cất trữ trên mái nhà.
Khi có công điện về ứng phó lũ lụt của cấp trên, thôn vừa thông báo qua loa phát thanh vừa thông báo đến tận nhà người dân để họ di dời tài sản lên cao. Bên cạnh đó, tài sản chung của thôn tại nhà văn hoá thôn cũng được chủ động di dời.
Đợt lũ mới đây, toàn thôn bị cô lập, 70% nhà dân nước ngập đến vườn, có 2 nhà ngập sâu gần 1 mét, nhà văn hoá thôn ngập gần nửa mét, tuy nhiên, thôn không có thiệt hại về nông sản, vật nuôi.
Tài sản chung tại nhà văn hoá thôn được đưa lên cao, giằng giữ cẩn thận từ trước mỗi đợt lũ...
Ông Trần Đình Tâm - cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Hương Khê thông tin, đợt mưa lũ vừa qua, tổng lượng mưa đo được tại Hương Khê là 433,8 mm; đỉnh lũ đo được tại Trạm Thủy văn Chu Lễ là 13,5m (dưới báo động III 0,5m). Mưa lũ khiến 6 xã bị chia cắt, ngập cục bộ; 366 hộ dân và 21 hội quán thôn và nhiều trường học, trạm y tế bị ngập; nhiều tuyến đường trục chính và công trình thủy lợi bị ngập, xói lở hư hỏng nghiêm trọng.
Thiệt hại do mưa lũ gây ra là không nhỏ, tuy nhiên, đây là đối với những công trình như đường sá, kè, đập hay diện tích rau màu, cây ăn quả ngoài đồng..., còn đối với tài sản là nông sản, vật nuôi của người dân thì thiệt hại không lớn.
... tài liệu, sách báo cũng được gói gọn, cất giữ cẩn thận.
Bí thư Huyện uỷ Lê Ngọc Huấn cho biết, mặc dù có mưa lũ lớn nhưng hậu quả về tài sản của người dân Hương Khê không lớn là nhờ sự chủ động của chính quyền lẫn người dân địa phương. Trong lũ, có đến hàng chục trường học, trạm y tế, nhà văn hoá thôn bị ngập nhưng tất cả tài sản, thuốc men, thiết bị dạy học… đã được các đơn vị chủ động sắp xếp ở nơi an toàn nên không ảnh hưởng. Kinh nghiệm nhiều năm “sống chung với lũ" giúp người dân biết tự thích ứng và tự bảo vệ.
Theo Bí thư Huyện uỷ Lê Ngọc Huấn, ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực theo nguyên tắc “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” và quán triệt phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Phương châm này được triển đến tận từng hộ dân. Từ đó, mỗi nhà, mỗi người, đều có ý thức chủ động ứng phó với lũ lụt nên giảm thiểu được hậu quả của thiên tai. Như vậy, có thể thấy kế hoạch, chủ trương đã thực sự đi vào cuộc sống.
Lãnh đạo huyện Hương Khê trao quà hỗ trợ người dân ngập lũ, động viên nhân dân vượt qua khó khăn.
Ông Lê Ngọc Huấn cũng chia sẻ thêm, khi lũ về, huyện luôn trong trạng thái sẵn sàng hỗ trợ ứng cứu kịp thời. Với những địa bàn thấp trũng, gần sông suối, núi đồi có nguy cơ sạt lở sẽ được vận động sơ tán để tránh thiệt hại về người. Sau lũ, huyện cũng phân công các lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.