5 kịch bản cung ứng hàng hóa ứng phó dịch bệnh
Theo ông Lê Quang Đức - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh, địa phương đã xây dựng 5 kịch bản ứng phó cung ứng hàng hóa: Chưa ghi nhận trường hợp bị bệnh; có ca bệnh xâm nhập vào địa bàn; dịch bệnh lây nhiễm thứ phát dưới 20 trường hợp; dịch bệnh lây lan từ 20 - 100 trường hợp; dịch bệnh lây lan trên 100 trường hợp mắc trên địa bàn.
Các cửa hàng bán lẻ tại TP. Hà Tĩnh đảm bảo lượng hàng hóa khá dồi dào.
Hiện nay, TP Hà Tĩnh đang triển khai kịch bản “Chưa xuất hiện ca bệnh nhiễm Covid-19 trên điạ bàn”. Theo đó, các phương án được thực hiện là nắm chắc tình hình cung cầu hàng hóa, diễn biến thị trường; tuyên truyền các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực hiện việc dự trữ, cung ứng hàng hóa, đảm bảo ổn định cho người dân.
Mặc dù những ngày gần đây có tình trạng một số ít người dân đi mua hàng với số lượng lớn về tích trữ, song các điểm kinh doanh vẫn đảm bảo đủ nguồn hàng cung ứng với giá cả ổn định. Các siêu thị, hệ thống phân phối cho hay, nguồn cung trong kho dồi dào, dự trữ hàng hóa hiện nay luôn đảm bảo đủ cung cấp cho khách hàng.
Theo từng cấp độ của dịch bệnh, các phương án cung ứng hàng hóa được xây dựng phù hợp. Đặc biệt, công tác giám sát chặt chẽ việc bán hàng nhằm ngăn chặn tình trạng găm hàng, nâng giá và xác định vị trí có hiện tượng thiếu hàng để kịp thời có phương án điều tiết được chú trọng.
Hoạt động buôn bán các mặt hàng nhu yếu phẩm ở các chợ diễn ra bình thường.
Đối với cấp độ 5 – cấp độ cao nhất “Dịch bệnh lây lan trên 100 trường hợp”, TP Hà Tĩnh xây dựng phương án thông tin, tuyên truyền đến người tiêu dùng mua hàng đủ dùng, không gom hàng để chia sẻ cho người khác. Đồng thời, có phương án kết nối ngay với các đơn vị phân phối để điều động hàng đến các vị trí thiếu.
Đặc biệt, nắm bắt thông tin khu vực bị cách ly, cô lập số lượng người, nhu cầu cần phục vụ mặt hàng thiết yếu để điều động nhân lực và phương tiện phối hợp với DN tiếp nhận và cung ứng hàng cho người dân.
Người dân chỉ nên mua lượng nhu yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ số lượng lớn.
“Với các kịch bản ứng phó đưa ra theo 5 cấp độ, trong đó đảm bảo và hiệp đồng nguyên tắc với các đơn vị cung ứng, TP Hà Tĩnh dự kiến đủ điều kiện cung cấp hàng hóa thiết yếu cho các khu cách ly tập trung và cho tiêu dùng của Nhân dân trong thời gian dịch bệnh xảy ra ở cấp độ cao nhất với lượng hàng hóa đảm bảo tối thiểu ít nhất 2 đến 3 tháng” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh Lê Quang Đức cho biết.
Tổ chức khai thác, dự trữ hàng hóa
Căn cứ mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến thị trường, TP Hà Tĩnh xác định: Để cơ bản đáp ứng nhu cầu tối thiểu của Nhân dân, cần chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm 30 - 50% so với nhu cầu bình thường trong 1 tháng đối với các mặt hàng thiết yếu như: lương thực (gạo, mì ăn liền); thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm và thủy sản, rau xanh, trứng); công nghệ phẩm tiêu dùng (đường, sữa, nước mắm, bột canh, mỳ chính, mỳ tôm, lương khô, dầu ăn, muối i-ốt) và nước uống đóng chai.
Siêu thị Co.opMart cam kết hoạt động xuyên suốt mùa dịch.
Trên cơ sở đó, TP Hà Tĩnh giao các đơn vị tham gia dự trữ hàng hóa phòng chống dịch căn cứ vào diễn biến của thị trường, tình hình cụ thể của dịch bệnh để thực hiện các phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu. Khi cần sự huy động, căn cứ vào tình hình và dự báo nhu cầu thực tế để triển khai.
Theo kế hoạch, các DN, đơn vị tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa gồm: Công ty CP Thương mại Hà Tĩnh; Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh; Công ty TNHH Thương mại Hợi Đồng; Siêu thị Co.opMart; Siêu thị VinMart; Công ty CP Thương mại Hoàng Bân Lâm; Công ty TNHH Thương mại Thông Tứ. Ngoài ra, các chợ truyền thống, hộ kinh doanh dự trữ hàng hóa để tham gia cung ứng.
Mặt hàng thực phẩm tươi sống đảm bảo cung ứng nhu cầu tối thiếu cho người dân.
Phó Giám đốc Siêu thị Co.opMart Hà Tĩnh Phạm Thị Hiệp Định cho biết: “Đơn vị đã thực hiện cam kết với các DN liên quan trong đảm bảo nguồn cung hàng hóa đáp ứng thị trường trong dịch Covid- 19 với 15.000 thùng mì ăn liền, 50 tấn gạo, 2.000 két nước đóng chai, 120 tấn thịt, thủy sản... Hiện nay, chúng tôi đã đàm phán với các nhà cung cấp để giữ hàng và liên tục điều chuyển hàng về. Đồng thời, cam kết bình ổn giá, mở cửa xuyên suốt trong mùa dịch để phục vụ khách hàng. Song song với đó là các giải pháp phòng chống dịch cho khách hàng khi đến mua sắm được thực hiện tối đa”.
Theo đại diện Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh, lượng lương thực do đơn vị quản lý đáp ứng được nhu cầu của người dân toàn tỉnh. Riêng trên địa bàn TP Hà Tĩnh, đơn vị thực hiện dự trữ hơn 1.000 tấn gạo theo kế hoạch.
Với kế hoạch đảm bảo cung cấp các mặt hàng thiết yếu phòng dịch Covid-19 của TP Hà Tĩnh, người dân cần bình tĩnh, không nên mua đồ dự trữ với khối lượng lớn mà chỉ nên mua lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình, hạn chế việc ra đường, thực hiện nghiêm lệnh “cách ly toàn xã hội” của Chính phủ.