Hàng hóa bày bán tại một siêu thị ở Saint Petersburg (Nga) ngày 7/8/2014. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngày 24/10, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini cho biết 5 nước đối tác trên gồm Montenegro, Albania, Na Uy, Liechtenstein và Ukraine.
Lệnh trừng phạt được gia hạn tới tới ngày 15/3/2017.
Trước đó, ngày 15/9 vừa qua, EU đã công bố quyết định gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và một số thực thể của Nga và Ukraine liên quan tới việc Moskva sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea và cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.
Với quyết định trên, các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào 146 cá nhân và 37 thực thể Nga và Ukraine sẽ kéo dài đến hết ngày 15/3/2017.
Một số quan chức, nghị sỹ và chính trị gia của Nga cũng nằm trong danh sách trừng phạt của EU.
Ngoài những nhân vật trên, các biện pháp trừng phạt cũng nhằm vào Almaz-Antey, nhà sản xuất các hệ thống phòng không của Nga, và một số doanh nghiệp tại Crimea.
Việc EU gia hạn các biện pháp trừng phạt lần này thực chất gia tăng áp lực lên các biện pháp trừng phạt trước đó của EU nhằm vào lĩnh vực quốc phòng, tài chính và năng lượng của Nga.
Phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt Nga kể từ tháng 7/2014 với các cáo buộc Nga đóng vai trò trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.
Chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin luôn phủ nhận mọi cáo buộc liên quan, đồng thời tuyên bố sẽ có những biện pháp đáp trả tương xứng.
Hiện EU cũng đang đối mặt với những tranh luận khó khăn về việc gia hạn trừng phạt Nga liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine, do vấp phải sự phản đối của một số quốc gia thành viên.
Trước các biện pháp siết chặt trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng lệnh trừng phạt Nga là phản tác dụng.
Ông nhấn mạnh các nước áp đặt lệnh trừng phạt chống Nga liên quan đến các sự kiện ở Đông Nam Ukraine hay thậm chí ở Syria sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu vì mục tiêu chủ yếu của các lệnh trừng phạt là nhằm kiềm chế Nga, quốc gia đang củng cố vị thế trên trường quốc tế./.