Do thiếu hiểu biết pháp luật, 6 người phụ nữ đã vướng vào lao lý để rồi giờ đây, ôm nỗi ân hận muộn màng.
Cuộc đụng độ không đáng có
Tháng 10/2015, chợ TX Kỳ Anh (mới) do Công ty TNHH XNK Châu Tuấn triển khai xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 162 tỷ đồng, gồm 1.200 ki-ốt, nhà kho đông lạnh rộng 150m2, khu vực chợ trời 1.000 m2 chính thức được đưa vào sử dụng.
Sau khi có chủ trương đưa chợ mới TX Kỳ Anh vào hoạt động, 14h ngày 10/11/2015, UBND thị xã Kỳ Anh tổ chức họp bàn về chủ trương di dời và đóng cửa chợ Kỳ Anh cũ; đồng thời, triển khai một số nhiệm vụ về ANTT trên địa bàn. Tuy nhiên, cuộc họp vừa chỉ bắt đầu được 30 phút đã bị gián đoạn bởi các đối tượng quá khích.
Những người này tập trung la hét, gây mất ANTT do xuất phát từ việc phản đối quyết định đóng cửa chợ cũ. Nguyễn Thị Hồng (SN 1972), Nguyễn Thị Tuyết (SN 1967), Bùi Thị Nhung (SN 1967) cùng ở phường Sông Trí (TX Kỳ Anh); Nguyễn Thị Lý (SN 1968), Lê Thị Lan (SN 1969) cùng ở xã Kỳ Châu và Nguyễn Thị Ngọc Thảo (SN 1988) ở xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh) và nhiều tiểu thương tụ tập kéo lên trụ sở UBND thị xã gây rối.
Mặc dù lãnh đạo thị xã và lực lượng chức năng đã vận động bà con tiểu thương vào hội trường lớn để đối thoại, tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động chung của cơ quan chức năng, song, số người này vẫn tụ tập, hò hét, kiên quyết không chấp hành. Đặc biệt, 6 đối tượng nói trên thường xuyên buông lời lẽ xúc phạm những người đang thực thi nhiệm vụ; kích động, lôi kéo các tiểu thương gây bất ổn tình hình ANTT. Dù lực lượng công an đã lập hàng rào bảo vệ nhưng hàng trăm tiểu thương vẫn quá khích, xô đẩy, làm cửa kính nhà làm việc của UBND thị xã bị vỡ, khiến 2 người bị thương nhẹ.
Hành vi của các đối tượng không chỉ làm gián đoạn cuộc họp; khiến hoạt động các phòng, ban chức năng bị ngưng trệ mà còn mất trật tự trị an trên địa bàn, tạo hiệu ứng xấu trong dư luận.
Hậu quả
Cuối năm 2016, TAND thị xã Kỳ Anh đưa các bị cáo ra xét xử với tội danh gây rối trật tự công cộng. Đứng trước vành móng ngựa, không ít bị cáo đã bật khóc, bày tỏ sự ân hận muộn màng.
Theo cách nghĩ có phần “giản đơn”, các tiểu thương lo sợ việc thay đổi thói quen buôn bán từ bao đời nay khiến cuộc sống của gia đình họ bị ảnh hưởng. Bởi lẽ, gian hàng ở chợ đối với họ là cả một gia tài, đó cũng là nguồn sống, là cần câu cơm. Mải mê với những suy nghĩ đó, bà con lại vô tình quên mất với quy mô, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, hoạt động giao thương, buôn bán ở chợ trung tâm TX Kỳ Anh sẽ sớm ổn định và phát triển, sẽ đưa lại lợi ích lâu dài cho các hộ kinh doanh trong tương lai.
Một dự án đang mở ra nhiều cơ hội cho người dân, nhưng xuất phát từ kinh tế khó khăn và thiếu hiểu biết pháp luật, các bị cáo đã bị kích động, chống đối mà không lường được hậu quả. Phiên tòa là nơi 6 bị cáo phải chịu sự trừng trị nghiêm khắc của luật pháp nhưng cũng là nơi làm rõ, hóa giải những uẩn ức trong lòng và cả sự nuối tiếc, ân hận.
Phiên tòa cũng đã làm cho tiểu thương chợ Kỳ Anh thức tỉnh. Một tiểu thương bày tỏ sự đồng lòng: “Sự kiên quyết của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng không chỉ tạo điều kiện cho chúng tôi sớm có cơ hội chuyển về kinh doanh ở địa điểm mới mà còn giúp gạt bỏ những áp lực vô hình vốn bị ràng buộc từ trước đến nay. Bởi lẽ, điều kiện cơ sở vật chất ở chợ cũ hiện đã không còn phục vụ tốt chức năng giao thương, buôn bán. Với mỗi gian hàng giá trị hàng trăm triệu đồng, nếu không may xẩy ra hỏa hoạn, trong chốc lát, chúng tôi sẽ mất trắng”.
Chứng kiến những người từng “lao tâm khổ tứ” khi lầm tưởng đã mất đi cơ hội mưu sinh phải đứng trước vành móng ngựa chờ phán quyết cuối cùng, hội đồng xét xử đã trăn trở đưa ra một bản án hợp tình hợp lý, vừa đủ sức răn đe, giáo dục, vừa cho các bị cáo có cơ hội sửa chữa lỗi lầm.
Tổng hình phạt 51 tháng tù được đưa ra cho 6 bị cáo. Sự nông nổi và thiếu hiểu biết đã đẩy người dân vào chốn lao lý. Giá như, họ biết kiềm chế hơn, có lẽ giờ đây, đã không phải nuối tiếc.