Theo ThS.BS Trần Thế Hưng, Giám đốc Bệnh viện Mắt Việt – Nhật, đôi mắt là cơ quan phức tạp cần nhiều loại vitamin và chất dinh dưỡng khác nhau để hoạt động bình thường, giúp hỗ trợ chức năng mắt, giúp đôi mắt sáng khỏe. Sự thiếu hụt có thể ảnh hưởng đến tầm nhìn gây mất tập trung trong học tập.
Hỗ trợ sức khỏe và sự phát triển của mắt trong thời gian học tập cũng như ôn thi là điều quan trọng đối với sĩ tử trong mùa thi. Tham khảo 7 loại vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe mắt tối ưu cho các sĩ tử:
1. Vitamin A quan trọng cho mắt sáng khỏe
Vitamin A đóng một vai trò quan trọng đối với thị lực bằng cách duy trì giác mạc rõ ràng, là lớp phủ bên ngoài của mắt. Vitamin A cũng là một thành phần của rhodopsin, một loại protein trong mắt cho phép nhìn thấy trong điều kiện ánh sáng yếu.
Tình trạng thiếu vitamin A nếu không được khắc phục có thể dẫn đến một tình trạng nghiêm trọng gọi là bệnh khô mắt.
Để có sức khỏe tổng thể của mắt, thực phẩm giàu vitamin A được khuyến khích sử dụng thay vì thực phẩm bổ sung. Một số thực phẩm giàu vitamin A như: Khoai lang, các loại rau lá xanh, bí ngô, ớt chuông...
2. Vitamin E – chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào mắt
Nhiều tình trạng về mắt được cho là có liên quan đến stress oxy hóa, đó là sự mất cân bằng giữa chất chống oxy hóa và các gốc tự do trong cơ thể.
Vitamin E là một chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ các tế bào bao gồm cả tế bào mắt khỏi bị hư hại bởi các gốc tự do, là những phân tử có hại, không ổn định.
Tuy nhiên, một chế độ ăn uống bao gồm đầy đủ vitamin E được khuyến khích để duy trì sức khỏe của mắt. Một số lựa chọn giàu vitamin E bao gồm các loại hạt, dầu ăn. Cá hồi, bơ và các loại rau lá xanh cũng là những nguồn tốt.
3. Vitamin C
Giống như vitamin E, vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ có thể bảo vệ mắt chống lại các gốc tự do gây hại. Vitamin C cần thiết để tạo ra collagen, một loại protein cung cấp cấu trúc cho mắt đặc biệt là ở giác mạc và củng mạc.
Vitamin C giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh đục thủy tinh thể, một tình trạng khiến mắt bị đục và suy giảm thị lực.
Cam quýt, dâu tây, kiwi, ớt chuông, bông cải xanh và cải xoăn chứa lượng vitamin C đặc biệt cao, khiến chúng trở thành những lựa chọn tuyệt vời để tăng lượng vitamin C hàng ngày giúp mắt sáng khỏe.
4. Acid béo omega-3
Acid béo omega-3 là một loại chất béo không bão hòa đa rất quan trọng đối với sức khỏe của mắt, đặc biệt là đối với sự phát triển và chức năng của võng mạc. Màng tế bào võng mạc chứa nồng độ cao acid docosahexaenoic (DHA), một loại omega-3 cụ thể.
Chất béo omega-3 cũng có thể có lợi cho bệnh khô mắt bằng cách giúp tiết ra nhiều nước mắt hơn. Với tình trạng khô mắt, việc thiếu nước mắt sẽ gây khô, khó chịu và đôi khi mờ mắt.
Tăng acid béo omega-3 trong chế độ ăn uống bằng cách ăn các loại cá béo (cá hồi, cá thu và cá mòi…), hạt lanh, hạt chia, đậu nành, các loại hạt như hạt óc chó. Acid omega-3 cũng có thể được tìm thấy trong các loại dầu ăn như dầu hạt cải và dầu ô liu.
5. Kẽm
Kẽm có hàm lượng cao trong điểm vàng và giúp vitamin A sản xuất melanin, một sắc tố giúp bảo vệ mắt. Là một bộ phận cấu thành của nhiều enzyme thiết yếu, bao gồm superoxide dismutase, có chức năng như một chất chống oxy hoá. Kẽm có liên quan đến sự hình thành các sắc tố thị giác trong võng mạc, thiếu kẽm có nguy cơ dẫn đến chứng mù đêm. Kẽm được tìm thấy trong thịt, gia cầm, hải sản, các sản phẩm từ sữa và các loại hạt.
6. Lutein và zeaxanthin
Lutein và zeaxanthin là một phần của họ carotenoid, một nhóm các hợp chất có lợi được tổng hợp bởi thực vật. Cả hai loại carotenoid này đều có thể được tìm thấy trong điểm vàng và võng mạc của mắt, nơi chúng giúp lọc ánh sáng xanh có hại, bảo vệ mắt khỏi bị hư hại.
Chỉ cần 6mg lutein và zeaxanthin có thể mang lại lợi ích. Chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả cung cấp lượng này một cách tự nhiên. Các loại rau lá xanh đậm như rau bina và cải xoăn, cũng như từ ngô, đậu Hà Lan và lòng đỏ trứng chứa nhiều carotenoids.
7. Riboflavin
Một loại vitamin B khác được nghiên cứu liên quan đến sức khỏe của mắt là riboflavin (vitamin B2). Là một chất chống oxy hóa, riboflavin có khả năng làm giảm căng thẳng oxy hóa trong cơ thể, bao gồm cả mắt.
Mức khuyến nghị tiêu thụ 1,1 – 1,3g riboflavin mỗi ngày. Thường dễ dàng đạt được số lượng này vì nhiều loại thực phẩm có hàm lượng riboflavin cao, các thực phẩm này bao gồm yến mạch, sữa, sữa chua, thịt bò và ngũ cốc tăng cường.
Ngoài bổ sung các vitamin cần thiết cho đôi mắt sáng khỏe, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến chế độ học và nghỉ của con. Dành nhiều thời gian cho tập trung học tập sẽ khiến trẻ có nguy cơ bị mỏi mắt. Duy trì sức khỏe của mắt là chìa khóa để giảm các vấn đề về thị lực nghiêm trọng hơn trong tương lai.
ThS.BS Trần Thế Hưng cho biết, cách tốt nhất để tăng cường vitamin cho đôi mắt là qua chế độ ăn uống, ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin và chất chống oxy hóa nói trên. Trường hợp dùng thực phẩm bổ sung, vitamin, khoáng chất cần hỏi ý kiến bác sĩ, tránh việc tự ý sử dụng sai cách có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.