Máy bay viện trợ nhân đạo: Máy bay không người lái giá rẻ Pouncer do Windhorse Aerospace thiết kế nhằm cung cấp viện trợ nhân đạo cho những vùng bị thiên tai nhưng lại cản trở bởi địa hình. Khoang chứa sẽ có nhu yếu phẩm, gỗ dùng để đốt sưởi ấm, cánh được bọc kèm thức ăn và những công cụ hữu ích khác. Nhóm nghiên cứu hy vọng các mẫu thử nghiệm sẽ trở thành hiện thực vào năm 2017.
Chatbot luật sư: DoNotPay là sản phẩm miễn phí của lập trình viên Josua Browder. Chatbot này giúp người dân kháng cáo hơn 160.000 vé phạt xe tại London và New York trong gần 2 năm qua, giúp tiết kiệm tới hàng triệu USD cho các tài xế tại hai thành phố này. Chatbot được lập trình với một số câu hỏi đơn giản về các trường hợp bị phạt vé, sau đó đưa ra kết luận và hướng dẫn người dùng cách trả lời và ứng xử trước tòa.
Đồ chơi cho trẻ tự kỷ: Thiết bị mang tên Leka này sở hữu hệ thống đa cảm biến tương tác giúp khích lệ trẻ tự kỷ có thể phát triển, hoàn thiện hơn tính cách độc lập của bản thân. Ngoài ra, Leka cũng có thể chơi nhạc, phát ra âm thanh khác nhau cũng như lời nói, phát sáng và rung để giao tiếp với trẻ. Vẻ ngoài và chức năng cũng có thể được tùy biến để phù hợp với sở thích của trẻ.
Thiết bị cảnh báo nguy hiểm cho người khiếm thính: Vào tháng 7, Furenexo, công ty có trụ sở tại New York đã khởi động chiến dịch hiện thực hóa dự án SoundSense, thiết bị cảnh báo nguy hiểm cho người khiếm thính trên trang gây quỹ Kickstarter. SoundSense hoạt động bằng cách chuyển những âm thanh như còi báo động, còi xe thành cơ chế rung trên tay. Giá mỗi thiết bị khoảng 30 USD.
Đèn tín hiệu cho con nghiện di động: Các nhà khoa học tại thành phố Ausgburg (Đức) đã lắp đặt các đèn nhấp nháy màu đỏ trên các vỉa hè tại các nút giao thông, cảnh báo "kẻ nghiện nhắn tin" chú ý đến "đèn giao thông cá nhân" và kịp dừng điện thoại để quan sát trước khi bước qua đường.
Máy tháo iPhone: Robot mang tên Liam có 29 tay với sức mạnh khá đáng kể nhằm tháo tung những chiếc iPhone để tái chế. Thời gian trung bình để tháo rời toàn bộ một chiếc iPhone là 11 giây. Khoảng 1,2 triệu chiếc iPhone sẽ được Liam xử lý trong một năm. Đây cũng là một trong những động thái nỗ lực sản xuất để đảm bảo thân thiện với môi trường của Apple.
Thiết bị hỗ trợ ăn uống: Thiết bị Liftware với giá 195 USD sẽ giúp những người bị mắc các chứng bệnh khó khăn trong thao tác ăn uống được dễ dàng hơn. Nhờ những cảm biến, hệ thống sẽ tính toán và vận động khắc chế nhược điểm. Công nghệ này có thể được áp dụng cho thìa, dĩa,...hỗ trợ bệnh nhân liệt một phần hệ thần kinh hay chấn thương dây xương sống, hội chứng Parkinson.
Hệ thống hỗ trợ người tị nạn mua thức ăn: Đây là hệ thống thuộc chương trình Cứu trợ Lương thực của Liên hợp Quốc. Hệ thống sử dụng các thiết bị quét mống mắt để phân phát thức ăn một cách công bằng tới từng người dân Syria, tránh các trường hợp đánh cắp hoặc sử dụng sai.
Hỗ trợ khắc phục hậu quả do thảm họa: Chức năng Community Help được Facebook giới thiệu vào tháng 11 vừa qua với mục đích hỗ trợ khắc phục hậu quả của thảm họa. Facebook sẽ kết nối cộng đồng lại, giúp họ nhanh chóng thiết lập đường dây cứu trợ, từ đó nâng cao độ hiệu quả. Safety Check cho phép người dùng thông báo tình trạng của bản thân trong cơn thảm họa.