Dư luận thế giới rúng động khi một loạt vụ nổ bom xảy ra hôm 13-5 nhằm vào các nhà thờ ở Surabaya, thành phố lớn thứ hai ở Indonesia, làm ít nhất 10 người tử vong và hơn 40 người bị thương.
Tấn công ở Indonesia, Pháp
Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ đánh bom được cho là chết chóc nhất tại Indonesia kể từ năm 2005 này.
Cảnh sát trưởng Indonesia Tito Karnavian cho biết 6 nghi phạm đánh bom tự sát trong ba nhà thờ tại Surabaya được xác định thuộc cùng một gia đình, bao gồm cha, mẹ, hai cô con gái (9 và 12 tuổi) cùng 2 cậu con trai (16 và 18 tuổi).
Trước đó, Giám đốc truyền thông Cơ quan Tình báo Indonesia Wawan Purwanto cho rằng đứng đằng sau vụ này là nhóm Jemaah Ansharut Daulah (JAD) do IS truyền cảm hứng.
Theo ông, các vụ này nhiều khả năng dính líu đến vụ khủng hoảng con tin chết người tại một nhà tù gần Jakarta liên quan đến các phần tử nổi dậy Hồi giáo vào tuần trước.
Đáng nói là, JAD - tổ chức nằm trong danh sách khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ - được cho là đã lôi kéo ước tính hàng trăm người ủng hộ IS ở Indonesia, đất nước đa phần dân số theo đạo Hồi.
Theo báo The Guardian (Anh), trong mấy năm gần đây, các phần tử quá khích đã gây ra một loạt vụ tấn công nhằm vào người theo Thiên Chúa giáo và các cộng đồng thiểu số.
Trong khi đó, IS đã lên tiếng xác nhận chiến binh của mình thực hiện vụ tấn công bằng dao ở trung tâm thủ đô Paris - Pháp đêm 12-5, làm chết 1 người và bị thương 4 người. Nghi phạm được xác định là người gốc Chechnya (Nga) và đã bị cảnh sát tiêu diệt.
Nước Pháp lâu nay vẫn trong tình trạng báo động cao sau khi xảy ra một loạt vụ tấn công thời gian qua. Theo dữ liệu của đài BBC, hơn 230 người đã thiệt mạng dưới tay các phần tử thánh chiến được IS truyền cảm hứng trong vòng 3 năm qua.
Ở tầm toàn cầu, kể từ khi tuyên bố thành lập vương quốc hồi tháng 6-2014, IS đã thực hiện hoặc truyền cảm hứng hơn 140 vụ tấn công khủng bố ở 29 quốc gia ngoài Iraq và Syria, nơi số người bị bọn chúng tàn sát cao hơn nhiều.
Những vụ tấn công trên đã tước đi sinh mạng của ít nhất 2.043 người và làm bị thương hàng ngàn người. Theo đài CNN, rõ ràng là các vòi chết chóc của "con bạch tuộc" IS đã nhanh chóng vươn ra khỏi Iraq và Syria đến nhiều nơi trên toàn cầu - kể cả Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, Bắc Phi, Úc và châu Á.
An ninh được tăng cường tại hiện trường sau các vụ đánh bom nhà thờ ở Surabaya - Indonesia hôm 13-5Ảnh: AP
Nỗi lo World Cup
Cuối tháng 4 vừa qua, báo chí Mỹ đưa tin trong tuyên bố đầu tiên sau 10 tháng im hơi lặng tiếng, kẻ chuyên phát ngôn cho IS Abu Hassan al-Muhajir đã kêu gọi tiến hành các vụ tấn công bạo lực chống lại các quốc gia Ả Rập.
Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh tổ chức khủng bố thất thủ tại phần lớn lãnh thổ đã chiếm giữ được ở Iraq và Syria. Báo The Straits Times (Singapore) đánh giá đây là sự chuyển hướng so với tuyên bố trước đây của chính al-Muhajir nhắm vào châu Âu và Bắc Mỹ.
Bên cạnh đó, nhóm khủng bố này lan truyền trên mạng xã hội những đe dọa tấn công khủng bố vào vòng chung kết (VCK) World Cup 2018 ở Nga mùa hè năm nay. Theo CNBC, các chuyên gia an ninh đã đánh giá những vụ tấn công "kẻ thánh chiến đơn độc" sẽ là mối đe dọa lớn nhất trong thời gian diễn ra sự kiện thể thao quan trọng này.
Các phần tử nổi dậy Hồi giáo Sunni, trong đó có những công dân Nga trở về từ các khu vực xung đột, là nguồn gốc gây lo ngại chủ yếu đối với chính quyền Moscow. Các vụ tấn công sói đơn độc đã từng gây ra những thảm họa khủng bố tệ hại nhất ở châu Âu trong mấy năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục lan rộng khi chúng giảm thiểu sự tốn kém và công sức tổ chức.
Theo số liệu của Trung tâm Soufan, tổ chức phi lợi nhuận ở New York - Mỹ, ước tính 3.417 người Nga rời khỏi quê hương chiến đấu cho IS và 400 tay súng đã trở về. Theo đó, Nga là quốc gia có số phần tử thánh chiến ở nước ngoài đông nhất, qua mặt cả Ả Rập Saudi, Jordan và Tunisia.
"Các phần tử thánh chiến người Nga trở về có thể gây ra mối đe dọa khủng bố tại VCK World Cup 2018, do phản đối sự can thiệp quân sự ở Trung Đông của Nga và các quốc gia tham dự World Cup" - chuyên gia phân tích Chris Hawkins nhận định.
Chuẩn bị đối phó mối đe dọa khủng bố, giới chức Nga đã lắp đặt công nghệ nhận biết nét mặt trên 5.000 camera quan sát khắp Moscow cũng như bắt đầu thiết lập hệ thống camera quan sát tại các thành phố có tổ chức trận đấu VCK.