ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á năm 2016. (Ảnh minh họa: Internet)
Tuy vậy, mức dự báo tăng trưởng mà ADB đưa ra trước đó đối với của khu vực này năm tới vẫn được giữ nguyên ở mức 5,7%.
“Mặc dù cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) đã ảnh hưởng đến tiền tệ tại các nước đang phát triển và thị trường chứng khoán tại châu Á, các tác động của nó đối với nền kinh tế thực trong ngắn hạn được dự kiến sẽ nhỏ” - ông Shang-Jin Wei, Nhà kinh tế trưởng của ADB cho biết.
“Tuy nhiên, giữa bối cảnh khi dự báo tăng trưởng kinh tế ở các nước công nghiệp phát triển vẫn còn khá ảm đạm, các nhà hoạch định chính sách cần phải tiếp tục thận trọng và chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với các cú sốc bên ngoài nhằm đảm bảo tăng trưởng trong khu vực tiếp tục giữ được sự mạnh mẽ” - ông Wei nói thêm.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang trên đà đạt được tốc độ tăng trưởng theo dự báo trước đó là 6,5% trong năm 2016 và 6,3% trong năm 2017 khi chính phủ nước này dự kiến sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Đối với khu vực Đông Á nói chung, mức dự báo tăng trưởng không đổi, được giữ nguyên ở mức 5,7% trong năm 2016 và 5,6% trong năm 2017, mặc dù các hoạt động kinh tế tại Hồng Kông và Hàn Quốc không mấy khởi sắc, ADB cho biết trong báo cáo ra ngày hôm nay.
Tuy nhiên, tăng trưởng trong năm nay và năm tới theo dự kiến sẽ do Nam Á dẫn dắt, với với Ấn Độ có khả năng đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 7,4% trong năm nay và 7,8% trong năm tới nhờ chi tiêu của người tiêu dùng tăng nhanh và tăng trưởng trong khu vực kinh tế nông thôn.
Ở Đông Nam Á, dự báo tăng trưởng cho năm 2016 và năm 2017 vẫn được giữ nguyên ở mức 4,5% và 4,8%.
Kinh tế của hầu hết các nước Đông Nam Á trong nửa đầu năm nay đã được thúc đẩy bởi tiêu dùng cá nhân, trừ Việt Nam, nơi chịu đợt hạn hán tồi tệ gây ra khó khăn lớn cho khu vực nông nghiệp.
Ở Trung Á, dự báo tăng trưởng cho năm 2016 và năm 2017 lần lượt giảm xuống còn 1,7% và 2,7% thấp hơn con số tương ứng là 2,1% và 2,8% được ADB đưa ra trước đó. Nguyên nhân là do sự sụt giảm mạnh trong doanh thu từ xuất khẩu dầu khí của Azerbaijan, Kazakhstan, Turkmenistan và Uzbekistan và suy thoái kinh tế ở Nga.