Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 do Việt Nam sản xuất cho người tình nguyện - Ảnh: VIỆT DŨNG
Cụ thể, 11 nhóm đối tượng bao gồm: - Nhân viên y tế - Nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...) - Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh - Lực lượng công an - Lực lượng quân đội - Người trên 65 tuổi - Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước... - Người mắc các bệnh mãn tính - Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài. - Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ - Giáo viên |
Theo hướng dẫn này, vắc xin sẽ được triển khai tiêm chủng trên phạm vi cả nước, mức độ ưu tiên từ nguy cơ cao đến nguy cơ thấp dựa trên các tiêu chí: khu vực đang ghi nhận ca mắc/tử vong do COVID-19; khu vực đô thị lớn, mật độ dân số cao; các tỉnh đầu mối giao thông...
Bộ Y tế cũng cho biết chỉ chọn mua các vắc xin an toàn, có hiệu lực bảo vệ cao, được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định, đã được phê chuẩn bởi một cơ quan quản lý dược nghiêm ngặt (SRA), giá phù hợp.
15-16% dân số được tiêm miễn phí bằng vắc xin COVAX
Về vắc xin sử dụng, Bộ Y tế cho biết chương trình COVAX (Giải pháp tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19 toàn cầu) do Liên minh Vắc xin và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) và Tổ chức Y tế thế giới đã có thư xác nhận phân bổ 4,8 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 trong quý 1 và 2-2021. Loại Việt Nam được viện trợ là AstraZeneca, tương tự loại Việt Nam đặt mua.
Trên cơ sở ước tính hiện tại, chương trình này sẽ cung cấp đủ vắc xin, vật tư tiêm chủng cho 15-16% dân số của 92 quốc gia thành viên chương trình, trong đó có Việt Nam. Theo ông Nguyễn Thanh Long - bộ trưởng Bộ Y tế, tổng số vắc xin từ chương trình này cho Việt Nam năm 2021 là 30 triệu liều, trong đó chủ yếu sử dụng vào nửa cuối năm 2021.
Bộ Y tế cho biết vắc xin do COVAX hỗ trợ sẽ được miễn phí nhập khẩu, nhập khẩu qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài hoặc Tân Sơn Nhất và thông quan lập tức ngay khi về đến cảng, chuyển về kho quốc gia hoặc kho khu vực để kiểm định.
Việc vận chuyển vắc xin tới các tuyến sẽ do cán bộ chuyên trách tiêm chủng đã được đào tạo thực hiện.
Trong kế hoạch này, Bộ Y tế cũng đã khảo sát hệ thống kho lạnh hiện có và khẳng định hệ thống kho lạnh hiện có có thể bảo quản cùng lúc 3 triệu liều ở nhiệt độ âm sâu (- 70 độ C), 1,8 triệu liều ở nhiệt độ -25 đến -15 độ C và sẵn sàng bảo quản hàng chục triệu liều ở nhiệt độ 2-8 độ C (hầu hết vắc xin cần bảo quản ở nhiệt độ này).
Cần 150 triệu liều vắc xin
Phát biểu cuối tuần trước khi giao ban với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết nếu đủ vắc xin cho mọi người dân có chỉ định tiêm chủng, Việt Nam cần 150 triệu liều (mỗi người tiêm 2 mũi).
Ngoài 30 triệu liều được viện trợ kể trên, Việt Nam đã đặt mua và được chấp thuận mua 30 triệu liều, cũng của AstraZeneca. Lô đầu tiên trong số 30 triệu liều này sẽ về Việt Nam vài ngày tới.
Ngoài ra, trong tuần này Bộ Y tế có thể sẽ tiếp tục đàm phán với 1 nhà cung cấp để mua thêm vắc xin. Hiện đã có 3 tỉnh thành là Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Phòng đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thủ tục để mua vắc xin tiêm cho người dân (riêng Hà Nội đề nghị mua 15 triệu liều).
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, ngân sách trung ương, địa phương và các nhà hảo tâm sẽ tham gia đóng góp để mua vắc xin. Hiện đã có 21 tỉ đồng được 1 ngân hàng chuyển tới “Quỹ vắc xin” tại Bộ Y tế để mua vắc xin tiêm ngừa cho người dân.
Bản kế hoạch này cũng cho biết Việt Nam có 4 nhà sản xuất vắc xin đang tham gia phát triển vắc xin ngừa COVID-19, trong số này có 2 đơn vị đang thử nghiệm trên người tình nguyện, 1 đơn vị sẽ thử nghiệm từ tháng 3 tới.
Trong đó, tiến độ nhanh nhất là vắc xin Nanocovax của Nanogen, sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 trên người tình nguyện từ ngày 26-2 tới.