Aleppo: Từ đô thị phồn hoa thành chiến trường ác liệt

Aleppo đang được biết đến là chiến trường ác liệt nhất trong tiến trình nội chiến ở Syria. Thành phố này từng một thời sôi động, phồn hoa. Nhưng giờ đây, Aleppo trở nên tan hoang chết chóc.

aleppo tu do thi phon hoa thanh chien truong ac liet

Aleppo xưa kia tráng lệ bao nhiêu thì nay hoang tàn bấy nhiêu (Ảnh: PetaPixel)

Xót xa nhìn lại

Aleppo là thành phố hơn 4.000 năm tuổi và là thành phố có số người Sunni đông thứ hai ở Trung Đông. Cho đến gần đây, Aleppo vẫn nổi tiếng với những kiến trúc thời trung cổ và lịch sử văn hóa phong phú.

Nằm ở khu vực Bắc Syria, thành phố này được xem như điểm kết nối các khu vực phía Bắc, phía Đông và phía Nam quốc gia Trung Đông này. Đây còn là khu đô thị phát triển mạnh với nhịp sống sôi động và những doanh nhân thành đạt.

Aleppo từng là nơi sinh sống của hơn 2 triệu người, là một trong những thành phố lớn nhất ở Syria và là một trong những thành phố có người sinh sống lâu đời nhất thế giới. Năm 2006, Aleppo được Cơ quan Di sản Thế giới của Liên Hợp Quốc gọi là "Trung tâm Văn hóa Hồi giáo".

Cuộc nội chiến nổ ra tại Syria vào tháng 3/2011. Ngày 19/7/2012, cuộc đối đầu quân sự bắt đầu ở Aleppo, thành phố lớn nhất của Syria - một cuộc xung đột phức tạp với sự tham gia của cả lực lượng địa phương, chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và các lực lượng quốc tế.

Từ một thành phố ồn ào náo nhiệt, Aleppo giờ là một vùng hoang tàn đổ nát - minh chứng sự thảm khốc của chiến tranh suốt một thập kỷ qua.

Theo Huffingtonpost, nội chiến đã khiến hàng trăm nghìn người Syria thiệt mạng và gần 4,8 triệu người phải bỏ chạy khỏi đất nước. Nhưng đối với ước tính 275.000 người Syria đang bị vây hãm ở Aleppo, rời bỏ nơi này không phải là một lựa chọn dễ dàng. Toàn bộ khu vực lân cận hiện nay ngập dưới đống đổ nát, trong khi cuộc xung đột giữa lực lượng chính phủ và quân nổi dậy dường như không lúc nào ngơi nghỉ.

"Tức giận và sầu não nhận chìm Aleppo," Muhammad Rasul, nhân viên ứng cứu khẩn cấp làm việc cho tổ chức Từ thiện Syria cùng gia đình sống ở thành phố này, nói với The WorldPost. "Mọi người sống dưới làn bom dữ dội và không ngớt."

Cư dân Aleppo đã chịu đựng "mức độ dã man mà con người đáng ra không phải chịu đựng," Stephen O"Brien, giới chức phụ trách nhân đạo của Liên Hợp Quốc, cho biết hồi đầu tháng 10. “Thường dân bị kẹt trong địa ngục trần gian đương đầu với cuộc chạy đua khẩn cấp với thời gian, họ sợ hãi, bị mắc kẹt và không có nơi nào để trốn."

“Cảnh máy bay không người lái bay trên thành phố trông giống như cảnh trong một bộ phim hậu tận thế”, Rasul nói, "nhưng đây là thực tế của Aleppo."

Tại sao là Aleppo?

aleppo tu do thi phon hoa thanh chien truong ac liet

Aleppo đổ nát do chiến sự (Ảnh: PetaPixel)

Báo chí phương Tây gọi Aleppo là mô hình thu nhỏ của nội chiến Syria, để nhấn mạnh sự tàn khốc và phức tạp của cuộc chiến ở nơi này.

Những trận quyết đấu ở thành phố này luôn khốc liệt vì Aleppo giữ vị trí quan trọng đặc biệt về quân sự. Aleppo là bàn đạp tấn công vào Raqqa, thành trì của IS tại Syria chỉ cách đó khoảng 160km về phía Đông. Bên nào chiếm được thành phố Aleppo sẽ giành được lợi thế trên chiến trường Syria.

Quân chính phủ Syria đang kiểm soát nửa phía Tây Aleppo, IS kiểm soát phần phía Đông, một số nhóm phiến quân khác và chi nhánh Al-Qaeda tại Syria là Mặt trận Al-Nusra chiếm giữ một vài khu vực phía Tây.

Phần còn lại do các lực lượng người Kurd và những nhóm vũ trang đối lập chiếm giữ.

Từ tháng 11 năm ngoái, quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad, dưới sự hỗ trợ của Nga, đã tuyên bố thành công trong việc chiếm lại 2/3 lãnh thổ thành phố Aleppo.

Nếu thành phố Aleppo hoàn toàn nằm trong sự quản lý của quân chính phủ, nhà lãnh đạo Syria sẽ kiểm soát được khu vực biên giới phía Bắc với Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu đánh bật được Mặt trận al-Nursa, và sau đó là tất cả các nhóm phiến quân có mối liên hệ với al-Qaeda, ra khỏi Aleppo, Nga sẽ tạo bước tiến lớn trên chiến trường cho chính quyền của Tổng thống al-Assad, gây ảnh hưởng lớn tới các nhóm đối lập được Mỹ và nhiều nước đồng minh hậu thuẫn.

Những bất đồng giữa một bên là Nga và các đồng minh, với một bên là Mỹ và các đồng minh, về tương lai của ông Asssad đã khiến cơ hội đàm phán ngừng bắn tiêu tan.

Giao tranh tiếp tục dữ dội đã khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Liên hợp quốc ngày 20/11 cảnh báo "thời gian sắp hết" cho các nỗ lực nhằm tránh thảm họa nhân đạo tại Aleppo.

Theo dantri.com.vn

Đọc thêm

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.