Cam bù - đặc sản độc đáo của riêng miền núi thơm (Hương Sơn). Ảnh tư liệu
Cho Phúc Trạch quýt thơm, bưởi ngọt…
Trong bài thơ “Mừng chiến thắng” (sau này đổi thành “Mừng chiến thắng trời quê”), nhà thơ Duy Thảo từng tự hào về quê hương Hà Tĩnh với sản vật các vùng miền đa dạng:
Cho Phúc Trạch quýt thơm, bưởi ngọt
Nón Ba Giang óng ả đường làng
Muối Hộ Độ càng thêm trắng muốt
Cửa Nhượng thuyền về cá chở đầy khoang…
Có lẽ, đó không chỉ là niềm tự hào của riêng nhà thơ mà của chung mọi người dân Hà Tĩnh. Quê hương Hà Tĩnh trong mỗi người còn gợi niềm thương nhớ, tự hào khi đi xa, yêu mến, nâng niu khi ở gần bởi có rất nhiều sản vật rất riêng của miền đất này.
Bưởi Phúc Trạch. Ảnh tư liệu
Với địa hình đa dạng, có đủ núi, sông, đồng bằng, bán sơn địa và miền biển, Hà Tĩnh có nhiều lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu để nuôi trồng, đánh bắt, chế biến các loại nông sản, thủy hải sản thành các món ăn truyền thống với nhiều hương vị khác nhau. Tình yêu với đất và người, truyền thống lao động cần cù, thông minh, sáng tạo, tâm hồn phong phú đã giúp cư dân Hà Tĩnh tạo ra nhiều sản vật đa dạng, tươi ngon, hấp dẫn, phục vụ nhu cầu của rất nhiều tầng lớp nhân dân, nuôi lớn bao thế hệ.
Hai con sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu dâng nước dữ dằn vào mùa lụt cũng là hai nguồn phù sa vô tận tưới tắm cho những cánh đồng của cư dân hai bên bờ, làm ngọt những bãi ngô, tươi mát những ngọn đồi, khu vườn. Từ nguồn thức ăn dồi dào, vùng núi Hương Sơn có nghề nuôi hươu truyền thống, tập trung nhiều ở các xã: Sơn Trung, Sơn Giang, Sơn Lâm, Sơn Châu…
Nhung hươu - đặc sản quý của miền quê Hương Sơn. Ảnh tư liệu
Hương Sơn cũng là nơi có sản vật rất bình dân vừa lọt vào top 100 món ăn đặc sản Việt Nam năm 2021 - 2022 do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn là nhút mít. Dù không phải cao sang, nhưng vị thanh chua pha bùi rất lạ của món ăn chế biến từ quả mít đã được nhiều người ưa chuộng. Hương Khê có bưởi Phúc Trạch ngọt thanh, cam Khe Mây ngon ngọt, đậm đà, trở thành những sản vật đặc trưng khi nhắc đến miền quê nắng cháy mùa hè và “rốn lũ” vào mùa mưa.
Mát ngọt sản vật dòng La, thơm xa món kẹo cu đơ
Trưa hè vọng một tiếng rao/ Nhớ canh hến Thượng nôn nao muốn về. Cũng là Duy Thảo, người con của miền quê Đức Thọ sinh ra và lớn lên bên bờ sông La luôn thường trực nỗi nhớ quê, nhớ đặc sản hến chợ Thượng. Hến chợ Thượng - xã Trường Sơn ngon ngọt bởi dòng nước sông La nhiều phù sa và luôn chảy không ngừng nghỉ. Những con hến nhỏ qua bàn tay lao động của người làm nghề làng Bến Hến từ suốt đêm đến sáng tinh mơ đã trở thành món ăn độc đáo, nhất là vào mùa hè.
Ảnh tư liệu
Từ Đức Thọ, hến chợ Thượng theo xe buýt về các chợ ở Hà Tĩnh và trở thành đặc sản trên bàn tiệc. Người ta có thể xào hến với giá, nấu bún hến, cháo hến, canh hến... Đức Thọ còn có nhiều đặc sản khác như thịt dê Trường Sơn, bánh gai làng Khoóng (thị trấn), bún bò Đò Trai (xã Thanh Bình Thịnh)… từng đi vào máu thịt của nhiều thế hệ. Ngày nay, du khách khi ngược ngàn Đức Thọ, Hương Sơn đều dừng chân ở điểm hẹn Đò Trai để thưởng thức bát bún thơm ngon nổi tiếng của những nhà hàng có tuổi đời trên nửa thế kỷ. Từ sông La xuôi về lưu vực sông Lam, xã Xuân Hồng, Nghi Xuân có món chả rươi, ruốc rươi và mắm cáy thơm ngon nổi tiếng.
Đức Thọ còn có bánh gai làng Khóng mang hương vị riêng, khó có thể nhầm lẫn với các vùng khác
Chè xanh thêm chút gừng cay/ Cu đơ Hà Tĩnh làm say lòng người. Ông “cu Hai” nào đó ở Hương Sơn, như truyền tụng của Nhân dân là người đầu tiên sáng tạo ra món kẹo lạc ép bánh đa, được người Pháp gọi là “cu-đơ”(đơ: phiên âm tiếng Pháp là số 2, cũng đọc là hai) có lẽ không ngờ gần 8 thập kỷ sau, thức quà được chế biến từ những sản vật bình thường là lạc nhân (đậu phộng) và mật mía, gừng… lại trở thành sản vật đặc trưng của Hà Tĩnh, được cả nước biết đến.
Kẹo cu đơ là đặc sản mà ai đi xa cũng mang theo làm quà. Ảnh: Trần Chung
Nhắc đến Hà Tĩnh, người muôn phương lại nhắc đến cu đơ ông bà Thư Viện nằm ngay cạnh quốc lộ 1 ở phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh. Ngày trước, trong mỗi thùng kẹo gửi cho khách hàng, ông Thư còn gửi kèm những vần thơ lục bát ca ngợi sản vật và vùng quê của mình.
Bây giờ thì không chỉ làng Cầu Phủ (phường Đại Nài và xã Thạch Bình - TP Hà Tĩnh) bán cu đơ mà các làng xã lân cận, rất nhiều điểm giao thương, các siêu thị, đại lý trong ngoài tỉnh cũng có cu đơ. Nhiều cơ sở sản xuất kẹo cu đơ theo phương thức hiện đại ra đời. Cu đơ Phong Nga đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Đậm đà hương vị biển khơi
Hà Tĩnh có 137 km đường bờ biển từ Cửa Hội đến Vũng Áng - Sơn Dương và khu vực lãnh hải rộng khoảng 20 ngàn km2. Xa xưa, có 6 cửa biển: Cửa Hội, cửa Cương Gián, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu, cửa Xích Lỗ (nay đã bị bồi lấp). Nghề đánh bắt, chế biến hải sản có từ lâu đời nhưng hiện nay tập trung nhiều ở vùng biển Cửa Hội (Nghi Xuân), Thạch Kim, Cửa Sót (Lộc Hà), Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên), Cửa Khẩu (TX Kỳ Anh)… Gắn với các làng nghề này là các khu du lịch nổi tiếng thu hút lượng thực khách đông đúc, nhất là vào mùa hè như Xuân Thành, Thiên Cầm, Cửa Sót, Xuân Hải, Thạch Hải, Thiên Cầm, Kỳ Xuân, Kỳ Ninh…
Mực Hà Tĩnh được đánh giá rất đậm đà, giòn ngọt, béo thơm hơn nhiều vùng biển trong cả nước. Ảnh tư liệu
Nhiều người nhận xét: hải sản Hà Tĩnh đa dạng và ngon, đặc biệt là mực rất đậm đà, giòn ngọt, béo thơm hơn nhiều vùng biển trong cả nước. Đó cũng là lý do mà vào mùa hè, rất nhiều du khách dù đường xa cũng cố tìm về bãi biển Thiên Cầm để được đằm mình vào làn nước xanh trong và thưởng thức món mực một nắng chấm nước mắm truyền thống Nhượng Bạn, đi chợ Cồn Gò mua tôm cá vào lúc bình minh hay vượt hàng trăm km để đến TX Kỳ Anh ăn món mực nháy Vũng Áng, về bãi tắm Xuân Hải (Lộc Hà) ăn món hàu sữa thơm mát, bổ dưỡng và nhiều hải sản tươi ngon khác. Bên cạnh những món ăn truyền thống, có những món ăn mới lạ như sứa lá dung, gỏi cá đục (lọt vào top 100 món ăn ngon nhất Việt Nam năm 2021)…
Cùng với thưởng thức tại chỗ, nhiều du khách cũng có thể mua hải sản tươi và khô về làm quà. Mực khô Hà Tĩnh đã theo chân du khách đi khắp cả nước. Hiện nay, nhiều thương hiệu nước mắm Hà Tĩnh đã được người tiêu dùng tin tưởng như: Phú Khương, Luận Nghiệp…
Nước mắm Phú Khương
Để ẩm thực Hà Tĩnh “bay xa”…
Còn biết bao sản vật ẩm thực của miền đất Hà Tĩnh nhiều nắng gió nhưng vô cùng tươi đẹp, hiền hòa như rượu nếp Can Lộc, bánh ram (ram dẻo) Thạch Hưng - TP Hà Tĩnh. Đây là 2 sản vật lọt vào top 100 đặc sản quà tặng của Việt Nam năm 2021-2022 do tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn. Mỗi sản vật ẩm thực đều gắn liền với cuộc sống con người từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành. Những người con đi xa đều mang phong vị quê hương trong máu thịt của mình.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Việt kiều ở thành phố Moers - Liên bang Đức tâm sự: “Nhớ lắm, thèm lắm những bát cơm canh quê nhà có vị cua đồng nấu rau vặt ăn với cà giòn, những tấm bánh “hai ướt một ráo” (bánh đa cặp bánh mướt đập dập), giò lụa Thành Sen, ram rán (chả cuốn)… Không chỉ là món ăn mà còn là tình thân gia đình. Chính vì vậy, tôi đã quyết tâm khắc phục khó khăn, chế biến bằng được những món ăn truyền thống của quê hương, để khi cháu con sum họp, nhắc chúng nó về ông bà, quê hương, đất nước”.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương luôn khắc phục khó khăn, chế biến bằng được những món ăn truyền thống của quê hương
Hiện tại, với công nghệ chế biến hiện đại, sự tâm huyết, yêu nghề của các hộ sản xuất, cùng chính sách “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhiều sản phẩm ẩm thực của Hà Tĩnh đã được cả nước biết đến như: nhung hươu Hương Sơn, bưởi Phúc Trạch, cu đơ, nước mắm Phú Khương, mực nháy Vũng Áng… Nhờ dày công chăm sóc, đầu tư chế biến sâu các sản phẩm, quảng bá thương hiệu, thương mại điện tử, không ít gia đình giàu lên từ nghề truyền thống.
Tuy vậy, hiện nay, vẫn còn một số sản vật chưa phát triển thương hiệu, bị trà trộn vào các tỉnh khác như cam Vũ Quang, cam Khe Mây, cam bù Hương Sơn… Nghề chế biến món ăn Hà Tĩnh vẫn chưa thực sự phát triển. Sản vật Hà Tĩnh mang đi cả nước và ra nước ngoài chủ yếu vẫn theo đường quà tặng nhỏ lẻ. Mới chỉ được vài ba sản vật lên kệ của các siêu thị lớn. Hoạt động quảng bá, xúc tiến giới thiệu ẩm thực Hà Tĩnh mới chỉ mang tính “cú nhát”, “thời vụ”. Mới chỉ có 2 doanh nghiệp Hà Tĩnh mạnh dạn đầu tư, xuất khẩu sản vật Hà Tĩnh là Công ty Chè Hà Tĩnh và HTX Nguyên Lâm (xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh) sản xuất bánh đa vừng.
Ơi quê ta bánh đa bánh đúc. Ảnh tư liệu
Để sản vật Hà Tĩnh trở thành sức hút du lịch, có chỗ đứng trên thị trường cả nước và thế giới, cần một chiến lược đầu tư dài hơi về du lịch, liên kết “4 nhà” (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) và đầu tư vào công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Cần khôi phục lại những sinh hoạt ẩm thực mang dấu ấn văn hóa Hà Tĩnh như tục uống nước chè xanh, bán bánh đa, bánh đúc... trong các lễ hội lớn nhỏ. Đây là các yếu tố cơ bản nâng tầm ẩm thực Hà Tĩnh.