Trong báo cáo công bố mới đây, Viện Brookings của Mỹ nhận định Ấn Độ hiện đã chính thức xóa bỏ tình trạng “nghèo đói cùng cực,” thể hiện qua việc tỷ lệ nghèo giảm mạnh trong khi tiêu dùng hộ gia đình gia tăng.
Báo cáo của hai tác giả Surjit Bhalla, Karan Bhasin đánh giá đây là kết quả của chính sách mạnh mẽ mà Chính phủ Ấn Độ áp dụng để tái phân phối, đưa đến tăng trưởng toàn diện mạnh mẽ ở quốc gia Nam Á này trong thập kỷ qua.
Mới đây, Ấn Độ đã công bố dữ liệu chi tiêu tiêu dùng chính thức cho giai đoạn 2022-2023, trong đó ước tính tỷ lệ nghèo dựa trên khảo sát chính thức đầu tiên cho Ấn Độ trong hơn 10 năm.
Dữ liệu cho thấy tăng trưởng tiêu dùng bình quân đầu người thực tế ở mức 2,9% mỗi năm kể từ năm 2011-2012. Theo đó, mức tăng trưởng ở nông thôn là 3,1%, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 2,6% ở thành thị.
Dữ liệu cũng cho thấy tình trạng bất bình đẳng ở cả thành thị và nông thôn đã giảm mạnh chưa từng có.
Theo Brookings, tăng trưởng cao và mức độ bất bình đẳng giảm mạnh là những yếu tố kết hợp giúp xóa đói giảm nghèo ở Ấn Độ.
Cụ thể, tỷ lệ dân số sống dưới mức nghèo cùng cực, tức thu nhập dưới 1,9 USD/ngày tính theo ngang giá sức mua (PPP), đã giảm từ 12,2% trong giai đoạn 2011-2012 xuống còn 2% trong giai đoạn 2022-2023, tương đương giảm 0,93 điểm phần trăm mỗi năm. Tỷ lệ nghèo ở nông thôn là 2,5% trong khi tỷ lệ nghèo ở thành thị giảm xuống còn 1%.
Đáng chú ý, những ước tính này không tính đến lương thực miễn phí (lúa mỳ và gạo) do Chính phủ cung cấp cho khoảng 2/3 dân số, cũng như việc sử dụng giáo dục và y tế công cộng.
Dữ liệu cho thấy số lượng người nghèo ở Ấn Độ thấp hơn đáng kể ở cả hai ngưỡng nghèo cùng cực 1,9 USD/ngày và ngưỡng nghèo 3,2 USD/ngày so với ước tính của Ngân hàng Thế giới. Để đạt được mức giảm tỷ lệ nghèo trong 11 năm trở lại đây, trong các giai đoạn trước Ấn Độ phải mất tới 30 năm.
Bên cạnh đó, các tác giả cho rằng mức tăng trưởng tiêu dùng tương đối cao hơn ở khu vực nông thôn không phải là điều đáng ngạc nhiên do “sự thúc đẩy chính sách mạnh mẽ về tái phân phối thông qua nhiều chương trình được tài trợ công.”
Brookings đánh giá cao sứ mệnh quốc gia trong việc xây dựng nhà vệ sinh và nỗ lực đảm bảo khả năng tiếp cận phổ cập với điện, nhiên liệu nấu ăn hiện đại và gần đây nhất là nước máy, một trong những chính sách thúc đẩy tiêu dùng.
Báo cáo của Brookings nhấn mạnh: “Dữ liệu chính thức hiện xác nhận rằng Ấn Độ đã xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực. Đây là bước tiến đáng khích lệ và tác động tích cực đến tỷ lệ nghèo đói toàn cầu”.