Báo Times of India ngày 30-5 đưa tin Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) đang xác minh thông tin trên.
"Vùng thủ đô Delhi ghi nhận nhiệt độ cao nhất dao động từ 45,2 - 49,1 độ C. Tuy nhiên chỉ riêng khu vực Mungeshpur là ngoại lệ khi đo được mức nhiệt kỷ lục 52,9 độ C. Điều này nhiều khả năng đến từ lỗi cảm biến hoặc các yếu tố kỹ thuật khác”, IMD lập luận trong báo cáo sơ bộ công bố ngày 30-5.
Trước đó, trong một bài đăng vào ngày 29-5 trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Khoa học Trái đất Ấn Độ Kiren Rijiju cho rằng mức nhiệt gần 53 độ C tại vùng thủ đô Delhi là điều “rất khó xảy ra”.
Không chỉ vậy, ông Kiren Rijiju cho biết giới chức Ấn Độ đã yêu cầu IMD xác minh tính chính xác của mức nhiệt trên.
Trong khi đó, IMD vừa dự báo nhiệt độ trung bình tại vùng tây bắc và miền trung Ấn Độ sẽ giảm từ 3-4 độ C trong tuần này.
Ấn Độ liên tục phải chịu những đợt nắng nóng cao điểm trong những ngày gần đây, ảnh hưởng nghiêm trọng điều kiện sinh sống của người dân địa phương.
Ngày 28-5, thành phố Churu, bang Rajasthan, phía tây bắc nước này ghi nhận nhiệt độ lên tới 50,5 độ C - chỉ thấp hơn 0,5 độ C so với mức cao nhất mọi thời đại từng lập kỷ lục vào tháng 5-2016 tại thành phố Phalodi cùng bang.
Khu vực Aya Nagar thuộc thủ đô New Delhi ghi nhận mức nhiệt độ cao nhất là 47,6 độ C, cao hơn 2,3 độ C so với mức cao nhất mọi thời đại từng lập kỷ lục tại khu vực này.
Chính quyền địa phương khuyến nghị người dân sống tại các bang phía tây và phía bắc Ấn Độ hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng gay gắt, uống nhiều nước và mặc quần áo sáng màu.
Theo kênh Euronews, một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Roehampton, London (Anh) chỉ ra nhiệt độ mà cơ thể người có thể chịu đựng một cách an toàn là trong khoảng 40 - 50 độ C.
Đây là giới hạn mà nếu vượt qua có thể khiến cơ thể bắt đầu hoạt động không bình thường. Lúc này cơ thể con người sẽ bị "căng thẳng do nhiệt" - một tình trạng gây rối loạn, buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu và ngất xỉu.