15 lần bị bom vùi, vẫn cắm tiêu rà phá bom
Khoác vội lên mình bộ quân phục của lực lượng thanh niên xung phong với lấp lánh huân huy chương, những kỷ niệm ùa về trong Anh hùng Nguyễn Tri Ân theo từng câu chuyện.
Anh hùng Nguyễn Tri Ân với nhiệm vụ phá bom nổ chậm trên chiến trường Đồng Lộc. Ảnh tư liệu
Năm 1965, người con Sơn Lộc (Can Lộc) Nguyễn Tri Ân đầu quân vào C553 – N55- P18 với nhiệm vụ bốc vác gạo ở Hương Khê rồi làm đường giao thông ở Cẩm Xuyên. Đến cuối năm 1967, ông được điều về đóng quân tại phía nam Ngã ba Đồng Lộc- phụ trách đoạn đường từ Khe Út đến ngã ba Khe Giao.
Đầu năm 1968, khi giặc Mỹ tăng cường ném bom trên vùng Đồng Lộc, tổng đội đã cử mỗi đại đội 3 người thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn. Nguyễn Tri Ân là một trong 3 đồng chí được C553 lựa chọn thực hiện nhiệm vụ này. Đây thực sự là một bước ngoặt trong cuộc đời của ông.
Những thước phim quay chậm về ký ức hào hùng của TNXP Đồng Lộc trong rà phá bom mìn, thông đường hiện hữu trước mắt chúng tôi qua lời kể của Anh hùng Nguyễn Tri Ân: "Sau 6 ngày tập huấn gấp rút, tôi cùng 2 đồng đội trở về đơn vị với nhiệm vụ hoàn toàn mới - rà phá bom mìn. Nơi túi bom này, mỗi ngày máy bay Mỹ oanh tạc nhiều đợt và mỗi lần quần thảo, địch ném xuống nhiều loại bom mìn cày xới nhằm chặt đứt tuyến đường".
Ông Nguyễn Tri Ân chia sẻ với PV Báo Hà Tĩnh về những ký ức một thời khốc liệt
Bom phá ở đâu, TNXP có mặt ngay ở đó để san, lấp mở đường cho xe ra tiền tuyến. Khó nhất là việc xử lý những quả bom, mìn chưa nổ. Những “hung thần” nằm lặng lẽ trong lòng đất có thể phát nổ bất cứ lúc nào, cướp đi sinh mệnh của của bản thân cùng nhiều đồng đội. Để hoàn thành nhiệm vụ là thách thức lớn đối với những người lính phá bom, bởi bom nổ chậm cũng được chia làm nhiều loại. Loại nổ chậm hẹn giờ thì đào sâu và sức công phá lớn. Loại từ trường nổ chậm thì không thể biết được sẽ nổ lúc nào vì sau khi thả xuống, bom phát ra từ trường, gặp nam châm, sắt thép là nổ luôn.
Lần đầu thực hiện nhiệm vụ với Nguyễn Tri Ân là một kỷ niệm không thể nào quên. Điều khó khăn nhất không chỉ là cách phân biệt từng loại bom với từng tính năng của nó để phá hủy mà quan trọng nhất là vượt lên chính mình, phải bình tĩnh, sáng suốt. Những giọt mồ hôi rơi, những giây phút “thót tim” cũng đã trôi qua, chàng trai trẻ như được tiếp thêm sự tự tin khi hoàn thành nhiệm vụ. Cứ như thế, suốt 300 ngày đêm bám trụ ở đoạn đường Khe Út - Khe Giao, ông đã "lọt" qua hàng trăm trận bom của kẻ thù, 15 lần bị bom vùi, nhưng vẫn kiên cường với nhiệm vụ cắm tiêu rà phá bom.
Sáng kiến hầm di động
Ngã ba Đồng Lộc ngày đó bị bom đạn cày xới tan hoang. Để không bị kẻ thù phát hiện khi rà phá bom và cũng đảm bảo an toàn tính mạng cho mình trong quá trình bom phát nổ, Nguyễn Tri Ân đã có sáng kiến “hầm di động”. Đây là ý tưởng được ông trăn trở, suy nghĩ sau nhiều lần đối mặt với hiểm nguy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Bức anh dự lễ tuyên dương Anh hùng vào năm 1972 được ông cất giữ cẩn thận
Ông cho biết: “Nói to tát thế thôi, chứ hầm di động đơn giản chỉ là tấm ván kèm theo mấy thanh gỗ ghép lại để người phá bom có nơi ẩn nấp trong quá trình bom phát nổ. Việc làm thì đơn giản nhưng nhờ nó, quá trình phá bom của người lính nhanh hơn, bớt nguy hiểm hơn, bởi trước đó, khi phá 1 quả bom, ngoài việc rà tìm kíp nổ, chúng tôi phải đào hầm ngay giữa bãi bom để làm nơi trú ẩn”.
Sáng kiến này cùng với sự mưu trí, gan dạ đã giúp Nguyễn Tri Ân rà phá thành công 545 quả bom, trong đó riêng phá được 202 quả. Trong những ngày đối mặt với cái chết, kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông vẫn là lần phá bom ở ngầm Khe Út.
Thỉnh thoảng ông lại gặp gỡ đồng đội cũ - những người sinh sống tại thành phố Vinh để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa (từ phải sang: Anh hùng Nguyễn Tri Ân, nhà thơ Yến Thanh và C trưởng 557 Nguyễn Thị Lân)
“Lần ấy, cùng với 4-5 quả bom từ trường nổ chậm nằm sát ven đường, có 1 quả rơi xuống ngầm Khe Út và nằm chìm sâu dưới 2m nước và bùn lầy. Để xác định vị trí quả bom, tôi đã phải dùng sào tre rà đi rà lại, nhưng tìm mãi vẫn không lần ra ngòi nổ. Trong lúc đó, nhiệm vụ thông đường cho xe qua lại phải tranh thủ từng phút, từng giờ. Thế là tôi làm liều lặn xuống ngầm mò mẫm để tìm kíp nổ. Sau khi bỏ được 200 gam bộc phá vào chong chóng, tôi vội vã lao lên tìm chỗ ẩn nấp an toàn, cùng lúc đó, trái bom cũng phát nổ. Kinh nghiệm từ những lần thử thách đã khiến những lính phá bom như chúng tôi tự tin hơn khi đối mặt với những “hung thần” trong lòng đất. Đó là lý do để suốt 300 ngày đêm trên bãi bom, tôi chỉ 15 lần bị sức ép”.
Ghi nhận những đóng góp của ông cùng với các lực lượng làm nhiệm vụ nối liền huyết mạch giao thông ra tiền tuyến, năm 1972, ông Nguyễn Tri Ân vinh dự và tự hào được tuyên dương Anh hùng Lao động. Sau những ngày tháng thăng trầm, mất mát khi người vợ đột ngột gặp tai nạn và qua đời, giờ đây, ông đã tìm lại sự bình yên bên bạn đời mới. Và trong dòng chảy bình lặng đời thường ấy, những kỷ niệm sinh tử ở Đồng Lộc vẫn sống trong mãi qua từng câu chuyện kể. Để thế hệ cháu con - những người may mắn sinh ra sau chiến tranh như chúng tôi hiểu thêm phần nào những gian khổ, mất mát, hy sinh của lớp cha anh và biết trân quý hơn giá trị của hòa bình, tự do, độc lập.