Bài học nắm bắt thời cơ trong quá trình lãnh đạo cách mạng

(Baohatinh.vn) - Có thể nói, bài học lớn nhất của Cách mạng tháng Tám 1945 là nắm bắt đúng thời cơ. Với tầm cao trí tuệ và thực tiễn hoạt động phong phú, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nhận biết được thời cơ, kịp thời đề ra chủ trương và kế hoạch tổng khởi nghĩa. Bài học đó tiếp tục được Đảng ta phát huy có hiệu quả trong quá trình lãnh đạo cách mạng.

Bài học nắm bắt thời cơ trong quá trình lãnh đạo cách mạng

Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước nồng nàn và ý chí quật cường của toàn thể nhân dân. Ảnh tư liệu: TTXVN

Tháng 8/1945, phát xít Đức đầu hàng đồng minh. Ở Đông Dương, quân đội Nhật hoảng loạn, phong trào cách mạng cả nước sôi sục. Hồ Chí Minh khẳng định, lúc này thời cơ đã đến, dù hy sinh tới đâu cũng phải giành cho được độc lập.

Người nói: “Cần tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình sẽ biến chuyển nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội”. Người quyết định tiến hành Đại hội Đại biểu toàn quốc ở Tân Trào và gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên tổng khởi nghĩa trước khi quân đồng minh vào nước ta: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, khi phát xít Nhật đầu hàng, quân đồng minh chưa kịp vào giải giáp thì triệu người như một đứng lên tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa. Cách mạng tháng Tám thành công là kết quả của một quá trình đấu tranh cách mạng, tổ chức lực lượng, chuẩn bị các điều kiện từ khi Đảng ra đời, để thời cơ đến thì kịp thời nắm bắt làm cuộc tổng khởi nghĩa lật đổ ách áp bức xâm lược của thực dân, giành độc lập dân tộc.

Bài học nắm bắt thời cơ trong quá trình lãnh đạo cách mạng

Mít tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu

Để bảo vệ nền độc lập và thống nhất nước nhà, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta là một trong những thách thức lịch sử to lớn và ác liệt nhất. Chiến thắng 30/4/1975 là một trong 3 kỳ tích của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX cùng với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và thắng lợi Cách mạng tháng Tám. Thắng lợi đó đã kết thúc 117 năm đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, khẳng định nền độc lập và thống nhất toàn vẹn Tổ quốc Việt Nam để đi lên CNXH.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có bước ngoặt khi Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15 (năm 1959) về phát động đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt tưởng như không cân sức giữa ta và đế quốc Mỹ nhưng đã được định đoạt bằng việc chuẩn bị các điều kiện và nắm bắt thời cơ của Đảng ta.

Sau chiến dịch Mậu Thân 1968 và thắng lợi của Điện Biên Phủ trên không ở miền Bắc, Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris năm 1973 rút hết quân về nước. Nhận biết thời cơ đã đến, Đảng chủ trương tập trung xây dựng lực lượng chuẩn bị mọi điều kiện để phản công. Từ đòn đánh và thắng lợi giòn giã ở Phước Long (13/12/1974), Bộ Chính trị họp vào ngày 6/1/1975 đưa ra quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong vòng 2 năm, nếu thời cơ đến thì trong năm 1975.

Bài học nắm bắt thời cơ trong quá trình lãnh đạo cách mạng

Bản đồ tái hiện Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, kết thúc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.

Giả định không có sự chuẩn bị chu đáo, phân tích tình hình đúng đắn và tầm nhìn chiến lược chính xác thì chắc sẽ khó mà có được ngày 30/4/1975 kết thúc cuộc chiến tranh với thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn đến như vậy. “Cột mốc vàng” này khẳng định đường lối lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo nắm bắt thời cơ tuyệt vời của Đảng ta trong cuộc “đương đầu lịch sử” chống ngoại xâm khó khăn vào bậc nhất trong các cuộc kháng chiến giành và giữ gìn nền độc lập của dân tộc ta.

Để có thắng lợi của cách mạng cần có tầm nhìn chiến lược, sự chuẩn bị lực lượng, sự mẫn cảm tiên lượng về thời cơ. Năm 1945 và năm 1975, nhận biết thời cơ đã đến thì cần có một quyết định lịch sử nhằm kịp thời huy động tổng lực về mọi mặt để lợi dụng thời cơ đưa cách mạng đến thắng lợi.

Dưới ngọn cờ tập hợp của Đảng đã đoàn kết được toàn dân tộc tạo nên sức mạnh vô biên, sức mạnh đó cùng với việc nắm bắt đúng thời cơ đã đánh thắng được “hai đế quốc to” giành độc lập và thống nhất đất nước. Nhưng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nếu dân tộc độc lập mà dân không được hạnh phúc, tự do thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì”. Giành được độc lập và thống nhất, nhưng nước nhà sau năm 1975 đứng trước chồng chất khó khăn.

Bài học nắm bắt thời cơ trong quá trình lãnh đạo cách mạng

Đường Phan Đình Phùng, TX Hà Tĩnh những năm trước đây (Ảnh Sỹ Ngọ).

Sự bao vây cấm vận, đường lối kinh tế tập trung bao cấp không phù hợp, kẻ thù tiếp tục chống phá, Liên Xô và phe XHCN tan rã, tưởng như không còn lối thoát. Trước nguy cơ đó, Đảng ta với bản lĩnh kiên cường và tầm nhìn thời đại đã nhìn thẳng vào sự thật, quyết tâm thay đổi tư duy, sáng tạo tìm ra con đường đổi mới.

Từ trong khó khăn, Đảng đã nhìn ra và tạo thời cơ để đưa đất nước tiếp tục phát triển theo con đường đã chọn. Với cơ chế thị trường định hướng XHCN, với sự hợp tác quốc tế đa phương và đa dạng, với tư duy độc lập tự chủ, bứt phá từ trong cái cũ nhìn ra được cái mới, vượt qua “nguy cơ tụt hậu” và “bẫy thu nhập trung bình”, đó là tư duy nắm bắt thời cơ phù hợp với tình hình và điều kiện mới.

Đổi mới thực chất là nhận biết được sự vận động của quy luật về xu thế phát triển của thời đại, mà trước tiên là giải quyết đúng vấn đề cốt lõi lấy người dân làm trung tâm; độc lập dân tộc là nguyên tắc để đi đến sự tổng hòa từ từng người, từng cộng đồng, từng giai cấp, giai tầng trong xã hội tới quốc gia và quốc tế trong sự phát triển hài hòa mà hạt nhân là đại đoàn kết dân tộc vì độc lập, tự do và CNXH, nguồn sức mạnh vô biên của dân tộc ta.

Đứng trước tình hình toàn cầu hóa và biến động khôn lường của thế giới hiện nay, cùng với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, chúng ta có thể nắm bắt thời cơ này để hội nhập và chọn lựa cách “đi tắt, đón đầu” đưa nước nhà vượt qua khó khăn, phát triển bền vững.

Bản sắc dân tộc trong hội nhập đang nổi lên mang tính toàn cầu, do đó, xử lý vấn đề dân tộc trong sự phát triển đa dạng của thời đại và chủ động tiên lượng được sự vận động của thời cuộc trong quá trình hội nhập để thu hút đầu tư và giải quyết những vấn đề thiết thực của đất nước, của từng vùng, từng địa phương đang là bài toán nắm bắt thời cơ để có hành động đúng đắn, phù hợp, tạo nên sức mạnh tổng lực cho sự phát triển của nước nhà.

Bài học nắm bắt thời cơ trong quá trình lãnh đạo cách mạng

Đại hội XIII của Đảng

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 191 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc với đường lối “ngoại giao cây tre”, phát huy tự lực, tự cường, độc lập tự chủ, tranh thủ thời cơ để bứt phá đi lên nhằm thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, “Đến năm 1930 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao”.

  • Bài học nắm bắt thời cơ trong quá trình lãnh đạo cách mạng
    Quá trình khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh, tháng 8/1945

    Là vùng đất có truyền thống yêu nước và cách mạng, Hà Tĩnh cùng Nghệ An đã làm nên cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Trong cao trào 1939-1945, đỉnh cao là Cách mạng tháng 8, Hà Tĩnh là một trong 4 địa phương của cả nước hoàn thành khởi nghĩa, giành chính quyền sớm vào ngày 18/8/1945.

Chủ đề CÁCH MẠNG THÁNG 8 VÀ QUỐC KHÁNH 2/9

Đọc thêm