Gói bánh chưng ngày tết. Ảnh: Internet
Những ngày cuối năm, vô tình cơn gió đông cứ thế ùa về dồn dập. Người ta bắt đầu cảm nhận được mùa đông rõ hơn. Từ khung cảnh xam xám của bầu trời, đến những chiếc lá vàng cuối cùng đang xoay mình vũ điệu để trở về với mẹ đất. Cái lạnh đến từ sương sớm, bám quanh lớp vỏ sần sùi tạo thành một lớp tơ mịn trắng như nhung. Nó như thể phụ họa cho lòng người thêm mong ngóng đón chào một năm mới đầy khởi sắc như đóa hoa xuân ngọt ngào…
Những ngày cuối năm, vẫn là cung đường quen thuộc nhưng sao ta cảm thấy nó đông đúc hơn ngày thường. Xe cộ, dòng người tỏa về trăm ngả tạo nên một bức tranh tấp nập nơi phố thị - một bức tranh thật nhiều màu sắc lẫn thanh âm. Phố tập hợp không biết bao nhiêu mảnh đời, phận người mưu sinh. Nhưng hơn bao giờ hết, những ngày cuối năm tựu trung trên khuôn mặt họ đều là sự háo hức, là sự mong chờ, là bao nhiêu ước vọng.
Chợ quê chiều cuối năm. Ảnh: Nguyên Hoàng
Thương thật nhiều các bà, các mẹ gánh hàng rong đi qua từng con phố nhỏ, cái lạnh táp vào từng nếp nhăn nhầu nhĩ màu thời gian, thủ thỉ rằng cố nốt ít ngày nữa thôi là được trở về quê với gia đình, với chồng con yêu thương. Thương những anh thợ phụ hồ, vôi vữa dính bết khắp người, khuôn mặt nhem nhuốc giữa mùa đông lạnh giá nhưng không dám mặc áo ấm vì sợ vướng víu công việc. Thương cả những người quần là áo lượt chạy đôn chạy đáo cho kịp tiến độ công việc, dự định trong năm cũ.
Những ngày cuối năm, những người con xa quê lại nhớ tới quê nhà. Nỗi nhớ hiện hữu thật đẹp, khát khao cháy bỏng muốn được trở về quê thật nhanh mà tận hưởng, mà ôm trọn cả vào lòng. Bắt đầu từ những vuông ruộng cha đã dẫn nước vào đầy ắp và cày những đường cày đầu tiên. Và chẳng bao lâu nữa trên cánh đồng sẽ nhộn nhịp người người gieo mạ, cấy dắm. Cha mẹ ta cả một đời chân lấm tay bùn, chắt chiu từng hạt gạo dẻo thơm nuôi nấng cho những đứa con thoát khỏi lũy tre làng. Những ngày này, có cảm tưởng thời gian là không đủ với cha mẹ, với người nông dân. Hết cày cấy lại chuyển sang chăm rau, chăm vườn… Cứ phải công việc đồng áng xong xuôi thì ăn tết mới ngon, tâm hồn mới thư thái.
Đường về nhà ngày cuối năm thấp thoáng hình dáng mẹ tảo tần. Ảnh: Internet
Những ngày cuối năm nhớ nôn nao phiên chợ quê với bóng dáng các bà, các mẹ, các cô ngồi xếp thành từng hàng dài ngăn nắp từ cổng chợ cho tới tận phía trong những sạp chính. Đi chợ quê ngày này mới thấy được sự đa dạng mẫu mã, bản sắc vùng miền mà bà con mang lại. Từ những mớ rau bé xíu xiu tới mặt hàng quần áo, giày dép, đồ gia dụng. Góc chợ quê thân thương còn lưu dấu chân tuổi thơ của ta những ngày lon ton theo mẹ đi bán từng mớ trầu, quả cau hay xấp lá chuối. Thích nhất vẫn là cuối buổi được mẹ dẫn tới “khu ẩm thực” thưởng cho bát bánh đúc nóng hổi ăn giữa trời đông. Đó là khoảnh khắc vĩnh cửu, là miền nhớ, khát khao mà bất kể ai khi đi xa đều đau đáu nhớ về…
Những ngày cuối năm thèm bữa cơm gia đình biết nhường nào. Bữa cơm được cả nhà quây quần, người phụ việc nọ, người làm việc kia rồi cuối cùng hân hoan bên mâm cơm ấm cúng. Bữa cơm dẫu đơn sơ hay đầy đủ đều mang phong vị, dấu ấn của tình thân mà chẳng thể có gì bù đắp nổi. Cái nhớ lạ lùng và cũng đơn giản biết nhường nào. Đôi khi là miếng chả giò thơm nức từ bàn tay mẹ chế biến gồm miến dong, rau củ, nấm hương, là bát canh xương hầm bí ngon ngọt, thơm thơm mùi hành, ngò. Nhưng cái cốt lõi chính là nụ cười, sẻ chia bộn bề trong năm cũ mọi người dành cho nhau. Khoảnh khắc đó không dưng ta thấy sự an yên, thanh thản đến lạ kỳ…
Hương trầm, thứ không thể thiếu trong lễ cúng tổ tiên chiều 30 tết trong mỗi gia đình người dân Hà Tĩnh, Ảnh: N.H
Những ngày cuối năm là dịp để ta lắng lòng lại, chiêm nghiệm một năm trôi qua với được và mất. Gạt bỏ những hối tiếc, những dang dở trong năm cũ để đón chào một năm mới khởi sắc vẹn toàn hơn, ta chợt nhận ra cần sống chậm lại, sống cho bản thân và gia đình nhiều hơn. Và ta tự hứa với lòng mình sẽ sống thật tốt, hạnh phúc như những ngày nắng trong veo bằng tháng ngày mùa xuân phía trước…