Em bé chơi đùa trên Bát Đạt Lĩnh, một đoạn Vạn Lý Trường Thành ở phía bắc Bắc Kinh, sau trận tuyết rơi qua đêm ngày 15/12.
Trung Quốc trải qua đợt lạnh từ tuần trước và nhiệt độ âm sẽ tiếp tục duy trì ở nhiều vùng trong tuần này. Cục Khí tượng Trung Quốc ngày 18/12 ban hành cảnh báo vàng, mức cao thứ hai trong hệ thống ba cấp, vì nhiệt độ trung bình toàn quốc thấp hơn nhiều so với mức trung bình vào thời điểm này trong năm.
Tuyết phủ trắng Bát Đạt Lĩnh và rừng núi xung quanh ngày 18/12. Bát Đạt Lĩnh là một trong những đoạn trường thành thu hút nhiều khách tham quan nhất, cách trung tâm Bắc Kinh khoảng 50 km, xây dựng từ năm 1505 vào thời nhà Minh. Điểm cao nhất của Bát Đạt Lĩnh là Bắc Bát Lâu, ở độ cao 1.015 m so với mực nước biển.
Người dân di chuyển trên đường phố Bắc Kinh. Nhiệt độ hôm qua ở Bắc Kinh dao động từ -7 độ C tới -15 độ C.
Một đợt không khí lạnh mới sẽ di chuyển từ bắc xuống nam, ảnh hưởng tới khu vực miền trung và đông của Trung Quốc. Nhiệt độ ở khu tự trị Nội Mông dự báo giảm 4-8 độ C.
Công dân dọn tuyết và băng bám trên đường ray ở Nam Kinh.
Đa số khu vực ở phía nam Trung Quốc ngày 18 và 19/12 sẽ có mưa hoặc tuyết. Mưa băng sẽ xuất hiện ở một số khu vực độ cao lớn tại tỉnh Quý Châu và Hồ Nam. Nhu cầu sưởi ấm ở mức cao kéo theo việc tiêu thụ than, khí đốt và điện tăng đáng kể.
Tuyết phủ trắng đền Khổng Tử, hay còn gọi là miếu Phu Tử, ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc.
Ngôi đền nằm bên bờ sông Tần Hoài, xây năm 1034, nằm trong khu du lịch mua sắm nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử. Từ thời Lục Triều (220-589), giai đoạn chia rẽ, bất ổn và xung đột trong lịch sử Trung Quốc sau khi nhà Hán sụp đổ năm 220, tới thời Minh (1368-1644) và Thanh (1644-1912), con cháu của các thế gia đại tộc đều học hành và thi cử ở đây. Khu vực này trở thành cái nôi văn hóa ở vùng Giang Nam.
Hai em bé nghịch tuyết trong đền Khổng Tử ngày 18/12.
Tuyết phủ trắng một dự án nhà ở tại Túc Thiên, tỉnh Giang Tô.
Nhiệt độ thấp gây rủi ro cho nông nghiệp và chăn nuôi ở các khu vực phía bắc, cũng như khu vực đông dân cư dọc sông Trường Giang và Hoài Hà. Chính quyền Trung Quốc đang huy động nguồn lực và thực hiện nhiều biện pháp để ứng phó thách thức do giá rét kéo dài.
Du khách vui chơi trong khu du lịch Thế giới Băng đăng Cáp Nhĩ Tân ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc.
Công viên trưng bày hơn 1.000 cảnh quan và tác phẩm điêu khắc từ băng, kết hợp biểu diễn nghệ thuật, văn hóa, trình diễn, kiến trúc và thể thao.
Khách du lịch vừa tắm khoáng nóng vừa ngắm tuyết phủ trên đỉnh núi tại Trùng Khánh ngày 17/12.
Nhân viên điều khiển hệ thống tan băng tự động phun lên máy bay ở sân bay quốc tế Tiêu Sơn, thành phố Hàng Châu, ngày 19/12. Đây là sân bay chính, cách trung tâm thành phố 29 km.
Ủy ban Quốc gia Trung Quốc về Giảm nhẹ Thiên tai ngày 17/12 yêu cầu các địa phương và ban ngành ban hành cảnh báo về tuyết, đợt lạnh, đường đóng băng. Họ cũng yêu cầu giới chức đảm bảo giao thông thông suốt, chuẩn bị sẵn sàng thiết bị dọn tuyết và tan băng, tăng cường tuần tra quanh những tuyến đường quan trọng để phòng ngừa tai nạn, hạn chế thao túng giá và đầu cơ tích trữ vật tư.
Công nhân vệ sinh dọn tuyết trên đường phố Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương, tây bắc Trung Quốc, ngày 18/12.
Khách du lịch ngắm cảnh tuyết và băng giá phủ kín cây cối trên núi Hành Sơn ở quận Nam Nhạc, thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam, ngày 16/12.
Hành Sơn là một trong 5 ngọn núi nổi tiếng nhất Trung Quốc, gồm 72 đỉnh núi lớn nhỏ với 200 đình chùa, miếu, am thờ, là trung tâm Phật Giáo và Đạo Giáo. Từ 2.000 năm trước, các hoàng đế và danh nhân đã tới Hành Sơn, để lại nhiều bài thơ khắc trên đá, trong đó có nhà thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ.