Nahid Islam, một trong những lãnh đạo chủ chốt của phong trào sinh viên phản đối chính phủ, nói trong video đăng trên Facebook hôm nay rằng quốc hội phải giải tán trước 15h (16h giờ Hà Nội) và yêu cầu người biểu tình hành động nếu tối hậu thư này không được đáp ứng.
Shiplu Zaman, thư ký báo chí của Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin, sau đó thông báo Tổng thống đã giải tán quốc hội.
Động thái của người biểu tình diễn ra một ngày sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và rời khỏi đất nước. Sau khi bà Hasina rời đi, người biểu tình xông vào phủ Thủ tướng cũng như tòa nhà quốc hội, đập phá và mang đi nhiều vật dụng.
Trong bài phát biểu trên truyền hình sau đó, Tư lệnh quân đội Waker-Uz-Zaman cho biết ông đang thảo luận với các đảng đối lập để thành lập chính phủ lâm thời.
Các lãnh đạo phong trào biểu tình sinh viên yêu cầu để ông Muhammad Yunus, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình, trở thành cố vấn trưởng của chính phủ lâm thời. "Chúng tôi tin tưởng vào tiến sĩ Yunus", Asif Mahmud, lãnh đạo chủ chốt của nhóm Sinh viên Chống phân biệt đối xử (SAD), đăng trên Facebook.
Yunus hiện ở Paris để thực hiện thủ thuật y khoa đơn giản. Phát ngôn viên của ông cho biết ông đã đồng ý với yêu cầu của sinh viên để trở thành cố vấn trưởng của chính phủ lâm thời.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Print của Ấn Độ, ông Yunus, 84 tuổi, cho rằng Bangladesh đã là "đất nước bị chiếm đóng" dưới thời Thủ tướng Hasina. "Hôm nay, toàn thể người dân Bangladesh đều cảm thấy được giải phóng", ông nói hôm 5/8.
Yunus và công ty tài chính vi mô Grameen Bank của ông được trao Nobel Hòa bình năm 2006 vì giúp hàng triệu người thoát nghèo thông qua các khoản vay dưới 100 USD tại vùng nông thôn ở Bangladesh. Đây là nỗ lực đi đầu trong xu hướng toàn cầu sau này được gọi là tín dụng vi mô.
Tuy nhiên, bà Hasina cáo buộc ông Yunus "hút máu người nghèo". Phe ủng hộ Yunus cho rằng chính phủ Bangladesh muốn bôi nhọ ông, bởi chủ nhân giải Nobel Hòa bình từng cân nhắc lập đảng đối lập với Liên đoàn Awami của bà Hasina.
Hồi tháng 1, Yunus bị tòa án Bangladesh kết án 6 tháng tù vì cáo buộc vi phạm luật lao động. Ông và 13 người khác cũng bị tòa án Bangladesh truy tố vào tháng 6 với cáo buộc biển thủ 252,2 triệu taka (2 triệu USD) từ quỹ phúc lợi công nhân của công ty viễn thông mà ông thành lập.
Dù không bị bỏ tù trong cả hai trường hợp, Yunus phải đối mặt hơn 100 vụ án với tội danh tham nhũng cùng những cáo buộc khác. Yunus phủ nhận mọi cáo buộc, gọi đây là những điều trái ngược với mọi tiền lệ pháp lý và logic.
Các cuộc biểu tình bạo lực diễn ra trên khắp Bangladesh suốt một tháng qua, bắt nguồn từ việc phản đối hạn ngạch viên chức, trong đó ưu tiên tuyển dụng con cháu cựu chiến binh. Sinh viên và thanh niên Bangladesh xuống đường biểu tình vì cho rằng quy định này bất công với họ.
Tòa án Tối cao Bangladesh ngày 21/7 ra phán quyết điều chỉnh hệ thống tuyển dụng viên chức dựa trên lý lịch, với hạn ngạch dành cho con cháu cựu chiến binh giảm từ 30% xuống còn 5%. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn để kêu gọi Thủ tướng từ chức, bất chấp lệnh giới nghiêm và những cuộc đụng độ với lực lượng an ninh. Ít nhất 413 người đã chết do đụng độ bạo lực trong các cuộc biểu tình.