Hơn 2 tuần nay, khu vực đối diện trung tâm thương mại Vincom Plaza (đường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) bắt đầu xuất hiện gian hàng giới thiệu sản phẩm và kinh doanh các thương hiệu bánh trung thu như: Kinh Đô, Hữu Nghị, Kinh Vĩ, Richy... Cùng đó, các đại lý bán lẻ, cửa hàng bách hóa cũng nhập về lượng sản phẩm dồi dào để phục vụ khách hàng mùa “tết đoàn viên”.
Chị Nguyễn Thị Yến - nhân viên bán hàng bánh trung thu Hữu Nghị khu vực Vincom Plaza cho biết: "Năm nay ,cửa hàng trưng bày và bán sớm hơn năm ngoái khoảng 10 ngày. Trung bình mỗi ngày, cửa hàng tiêu thụ trên 50 sản phẩm bánh các loại. Khách hàng đa phần là người dân muốn thưởng thức sớm bánh trung thu, một số khách mua thắp hương dịp rằm tháng 7 và mua làm quà biếu tặng".
Theo ghi nhận, thị trường bánh trung thu năm nay sôi động sớm hơn so với năm ngoái. Dù chưa đến chính lễ nhưng những ngày gần đây, ngày nào, các cửa hàng cũng phải nhập thêm hàng để phục vụ khách. Tại cửa hàng bánh trung thu Kinh Đô (đường Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh), trung bình mỗi ngày phải nhập thêm từ 30 - 40 thùng bánh các loại mới đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Chị Lê Thị Nhung - nhân viên bán hàng bánh trung thu Kinh Đô (đường Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Năm nay dịch COVID-19 ổn định nên thị trường khởi sắc hơn năm ngoái. Cửa hàng đã bắt đầu nhận đơn của nhiều cơ quan, doanh nghiệp với số lượng lớn để chuẩn bị tổ chức tết trung thu cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Hiện nay, mỗi ngày, cửa hàng đạt doanh thu từ 10 - 15 triệu đồng. Trước tín hiệu vui của thị trường, chúng tôi đang phấn đấu đạt khoảng 700 triệu doanh thu, cao hơn năm ngoái 20%”.
Không chỉ có địa bàn trung tâm TP Hà Tĩnh, ở các địa phương, nhu cầu mua bánh trung thu sớm khá phổ biến. Anh Đức Hùng (thị trấn Cẩm Xuyên) cho hay: "Năm ngoái, đến cận dịp Tết Trung thu tôi mới đi mua thì hết bánh. Vì vậy, năm nay, tôi chọn mua sớm để thưởng thức, đồng thời có thể lựa chọn một số sản phẩm chuẩn bị làm quà biếu tặng bạn bè, khách hàng" .
Năm nay, thị trường bánh trung thu có hàng trăm mẫu mã mới lạ, đẹp mắt với giá dao động từ 60.000 đồng - 4.500.000 đồng/hộp tuỳ loại và tùy số bánh. Ngoài tập trung vào các dòng bánh truyền thống đã được khách hàng ưa chuộng như: bánh nướng, bánh dẻo, bánh ăn chay, ăn kiêng..., các nhãn hàng cũng chú trọng đến nhiều sản phẩm cao cấp.
Những mẫu bánh “hạng sang” được đầu tư kỹ lưỡng về mẫu mã, tạo ấn tượng đến khách hàng. Theo khảo sát, ở dòng cao cấp, sản phẩm đến từ “nhà” Kinh Đô có giá từ 480.000 đồng/hộp đến 4.500.000 đồng/hộp (tùy loại); bánh Hữu Nghị có giá từ hơn 400 - 600.000 đồng/hộp.
Ngoài các thương hiệu lớn, hiện nay, các cơ sở làm bánh trung thu “handmade” cũng đã tất bật vào mùa nhận đơn. Để chủ động trong việc cung ứng, các chủ cửa hàng đều nhận đặt hàng từ rằm tháng 7 âm lịch.
Nhiều năm làm bánh trung thu handmade, chị Hà Thảo (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Đợt này mình đăng bài giới thiệu các mẫu bánh và vị nhân để khách tham khảo. Không chỉ là thực phẩm, bánh trung thu là biểu tượng của dịp lễ quan trọng, nhiều người háo hức chờ đợi, vì thế không chờ đến chính lễ, đã có nhiều khách hàng đặt mua để thưởng thức. Mình dự kiến làm khoảng 200 - 300 bánh các loại nhân truyền thống như: thập cẩm, sầu riêng, cốm dứa, đậu xanh, đậu đỏ, sen nhuyễn. Ngoài bán bánh lẻ với giá 50.000 đồng/chiếc, mình cũng làm các dạng hộp để khách có thể làm quà tặng”.
Không chỉ chú ý đến chất lượng, hình thức, bánh trung thu "handmade" còn tìm sự "độc", "lạ" khi chế biến bằng nhân trái cây thanh mát, phù hợp với sở thích của nhiều người. Ảnh từ facebook Hà Thảo.
Thị trường bánh trung thu đã “nhập cuộc” với nhiều mẫu mã đa dạng và phong phú, giúp người tiêu dùng Hà Tĩnh có thêm nhiều sự lựa chọn. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khách hàng nên cân nhắc, lựa chọn địa chỉ uy tín để mua bánh, nhất là xem kỹ hạn sử dụng của sản phẩm. Ảnh từ facebook Xu Cẩm.