Báo chí quốc tế nói gì về việc Việt Nam đăng cai Thượng đỉnh Mỹ-Triều?

Truyền thông quốc tế dẫn nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam sẽ là địa điểm lý tưởng tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2.

Trong thông điệp liên bang sáng ngày 6/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố thời gian và địa điểm diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Theo đó, cuộc gặp này sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào ngày 27 và 28/2/2019. Mặc dù ông Trump không tiết lộ chính xác thành phố nào ở Việt Nam sẽ diễn ra sự kiện này nhưng theo một số nguồn thạo tin, thủ đô Hà Nội hoặc thành phố biển Đà Nẵng đều đang được cân nhắc.

Báo chí quốc tế nói gì về việc Việt Nam đăng cai Thượng đỉnh Mỹ-Triều?

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters).

Lợi thế của Việt Nam

Tờ Japan Times của Nhật Bản cho biết, Việt Nam là một lựa chọn lý tưởng cho cuộc gặp này. Trước hết, đây là quốc gia tương đối gần với Triều Tiên về mặt địa lý, do vậy nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đến Việt Nam mà không cần quá cảnh ở một nước khác, hoặc gặp khó khăn khi phải di chuyển suốt quãng đường dài.

Bên cạnh đó, Việt Nam có quan hệ ngoại giao tốt đẹp với cả Mỹ và Triều Tiên, có bộ máy an ninh hoạt động rất hiệu quả, luôn được các nhà lãnh đạo nước ngoài đánh giá cao. Quốc gia này cũng dày dặn kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế, trong đó phải kể đến Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 tại Đà Nẵng và Diễn đàn kinh tế thế giới tại Hà Nội năm 2018.

Japan Times dẫn nhận định của các nhà phân tích cho rằng, Việt Nam là một hình mẫu cả về chính trị và kinh tế mà Triều Tiên nên theo đuổi – điều này phần nào cũng đã được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận. Vào giữa những năm 1980, Việt Nam đã thực hiện chương trình cải cách kinh tế toàn diện, được biết đến với tên gọi chính sách “Đổi mới” và sớm chuyển mình thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Châu Á.

Ông Mintaro Oba, cựu quan chức thuộc Bộ ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên đánh giá: “Lựa chọn Việt Nam rất phù hợp về mặt logic, khả thi về mặt ngoại giao và có ý nghĩa biểu tượng quan trọng. Quốc gia này có khoảng cách gần với Triều Tiên cùng với cơ sở hạ tầng phát triển có thể hỗ trợ cho một Hội nghị Thượng đỉnh như vậy. Quan trọng hơn, Việt Nam là hình mẫu về một quốc gia đã tiến hành cải cách kinh tế thành công và bình thường hóa quan hệ với Mỹ sau chiến tranh”.

Cùng chung quan điểm này, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên Jenny Town tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington cho biết: “Việt Nam thường được đánh giá là một hình mẫu tốt để Triều Tiên có thể nghiên cứu và học tập, mặc dù cách áp dụng thì tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể”.

Theo tờ ABC, Việt Nam là trường hợp cụ thể để các nhà đàm phán thượng đỉnh của Mỹ nghiên cứu cách thức một quốc gia từng là cựu thù có thể trở thành đối tác thương mại và an ninh như thế nào. ABC cho biết, Mỹ và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Hơn 1/4 thế kỷ qua, quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước đã và đang phát triển mạnh mẽ. Số liệu của Bộ ngoại giao Mỹ cho biết, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Việt Nam tăng từ 451 triệu USD năm 1995 lên đến 52 tỷ USD năm 2016, và Việt Nam trở thành một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thăm Việt Nam vào năm 2016, còn Tổng thống Trump tham dự Hội nghị APEC và thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam năm 2017. Cũng vào năm 2017, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Nhà Trắng. Với Mỹ là vậy còn về phía Triều Tiên, Việt Nam luôn duy trì mối quan hệ hữu nghị lâu bền kể từ năm 1950. Hai bên luôn ủng hộ nhau trong suốt thời kỳ chiến tranh, cũng như trên các diễn đàn quốc tế.

Theo ABC, Washington nhìn nhận mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên có thể được cải thiện theo chiều hướng tích cực như giữa Mỹ và Việt Nam. Trong bài phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định, ông tin rằng Triều Tiên có thể tham khảo con đường của Việt Nam.

Ông Pompeo nói: “Các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thấy đất nước của họ có thể cải cách, mở cửa và xây dựng mối quan hệ với bên ngoài mà không làm ảnh hưởng đến chủ quyền, nền độc lập của quốc gia. Tôi có một thông điệp cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un: Tổng thống Trump tin rằng Triều tiên có thể theo con đường này”.

Ý nghĩa đối với Việt Nam

Tờ Diplomat đăng tải bài viết với tiêu đề “Tại sao Việt Nam nên tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2”. Bài viết nhận định, nếu Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 được tổ chức thành công tại Việt Nam, quốc gia này sẽ gặt hái được những lợi ích đáng kể trong quan hệ song phương và đa phương.

Xét về quan hệ song phương, thiện chí của Việt Nam sẵn sàng tổ chức một sự kiện quan trọng như vậy sẽ góp phần hỗ trợ tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, giúp thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và Hàn Quốc, cũng như tăng cường tình hữu nghị với Triều Tiên.

Bài viết nhấn mạnh, xét về quan hệ đa phương, kể từ cuối những năm 1980, Việt Nam đã duy trì nguyên tắc “sẽ trở thành một người bạn và đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế, tích cực tham gia vào các quá trình hợp tác quốc tế và khu vực”. Kết quả là Việt Nam đã nỗ lực nâng cao vai trò của nước này thông qua tổ chức các hội nghị thượng đỉnh quốc tế, hay vận động hành lang để trở thành một thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tích cực tham gia các vấn đề quốc tế sẽ giúp Việt Nam kêu gọi sự chú ý của các đối tác một cách dễ dàng hơn, nhằm giải quyết những mối quan ngại chẳng hạn như vấn đề Biển Đông. Trong bối cảnh đó, tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong-un là cơ hội không thể bỏ lỡ để Việt Nam khẳng định vị thế chủ động của mình.

Một lợi thế khác đó là hình ảnh của Việt Nam sẽ được sự quảng bá của nhiều phương tiện truyền thông lớn trên thế giới. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Việt Nam trong năm mới 2019 khi quốc gia này đang đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ về kinh tế. Ngoài ra, Việt Nam cũng có cơ hội để chia sẻ với lãnh đạo Triều Tiên về những bài học kinh nghiệm nhằm gặt hái thành công về kinh tế và ngoại giao nhờ chính sách mở cửa.

Hãng thông tấn AFP dẫn lời chuyên gia quan hệ quốc tế Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho rằng, việc đăng cai Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ giúp Việt Nam thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, đặc biệt từ khách du lịch và các nhà đầu tư, thông qua những phương tiện truyền thông tuyên truyền mạnh mẽ về Hội nghị Thượng đỉnh. “Đây cũng là cơ hội để Việt Nam quảng bá chính sách đối ngoại tích cực của mình, qua đó đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế, cũng như cho hòa bình và an ninh khu vực”./.

Theo VOV

Đọc thêm

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.
Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Trưa 6/11 theo giờ Việt Nam, sắc đỏ (biểu tượng của đảng Cộng hòa) đã thống trị trên bản đồ bầu cử Mỹ khi ứng cử viên tổng thống Donald Trump giành chiến thắng thuyết phục trước Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ tại hầu hết các bang chiến địa.