Bạo lực leo thang ở Myanmar khi phong trào kháng chiến vũ trang trỗi dậy

 Trước việc quân đội Myanmar ngày càng cứng rắn trong trấn áp biểu tình, phe đối lập Myanmar bắt đầu có dấu hiệu tăng cường vũ trang có tổ chức để “kháng chiến”.

Số người chết khi bị trấn áp có thể đã lên tới ít nhất 706 người

Riêng ngày 9/4 vừa qua, ít nhất 82 người đã thiệt mạng tại một thành phố ở miền nam Myanmar khi giới chức tiến hành trấn áp biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự tại nước này hồi tháng 2/2021.

Bạo lực leo thang ở Myanmar khi phong trào kháng chiến vũ trang trỗi dậy

Biểu tình ở Myanmar. Ảnh: AP.

Các trường hợp tử vong này xảy ra khi các lực lượng an ninh Myanmar cố gắng trấn áp cuộc kháng cự dai dẳng ở thành phố Bago nằm cách thành phố Yangon khoảng 100km về phía Nam.

Trước đó, vào ngày 14/3, hơn 100 người biểu tình và người đứng xem đã thiệt mạng ở Yangon. Vào ngày 27/3, số thương vong lên đến mức 120 người.

Đến hôm 11/4, tổ chức xã hội dân sự “Hội trợ giúp Tù nhân chính trị” (AAPP) thống kê được tổng cộng ít nhất 706 người biểu tình và người qua đường đã chết khi gặp phải sự trấn áp của lực lượng an ninh Myanmar kể từ khi quân đội lên nắm quyền vào ngày 1/2.

Xu hướng tự vũ trang để đối đầu với giới chức

Theo AP, vụ tấn công vào Bago là nỗ lực của giới chức trong việc đè bẹp phong trào kháng cự có tổ chức, bao gồm nhiều trường hợp kháng cự có vũ trang.

Người ta đã ghi nhận một số phong trào kháng cự mạnh nhất và kiên trì là ở khu vực Sagaing, miền bắc Myanmar. Chẳng hạn, một nhân viên cảnh sát đã giết 5 đồng nghiệp trước khi bị bắn hạ ở Tamu, và một vụ tấn công bằng lựu đạn đã khiến 4 quân nhân thiệt mạng, cũng ở Tamu.

Vào hôm 10/4, Myanmar Now thông tin rằng người dân địa phương ở Tamu đã phục kích lực lượng vũ trang Myanmar. Họ sử dụng các khẩu súng săn tự chế. Ít nhất 3 quân nhân và 1 dân địa phương đã thiệt mạng trong vụ việc này, theo các cư dân địa phương.

Ở thị trấn Kalay, vùng Sagaing, các nhà hoạt động tự xưng là Quân đội Dân sự Kalat được cho là đã dựng chướng ngại vật trên đường phố và tự vũ trang bằng các súng săn thô sơ.

Theo Frontier Myanmar, những người biểu tình ở Kalay vào tuần trước thậm chí đã buộc phe quân đội phải đồng ý trao đổi tù binh, thả 9 người dân để đổi lấy 7 cảnh sát bị dân bắt giữ.

Trước phong trào kháng cự nói trên, có nhiều cáo buộc cho rằng an ninh Myanmar đang dần áp dụng các vũ khí hạng nặng ở Sagaing và những nơi khác để đối phó. Hiện nay việc kiểm chứng thông tin này là khá khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh internet vẫn đang bị ngắt ở nhiều nơi của Myanmar. Hiện trên mạng xã hội đã xuất hiện một số bức ảnh về súng chống tăng và mảnh đạn súng cối.

Kinh tế Myanmar thiệt hại nặng

Tình hình bất ổn như vậy đã khiến kinh tế Myanmar gặp nhiều khó khăn. Vào đầu tháng 4, công ty Fitch Solutions – một thành viên liên kết của hãng xếp hạng toàn cầu Fitch Ratings, đã xem lại dự báo của mình về năm tài chính tới tháng 9, và xuất bản một báo cáo ngắn cho rằng nền kinh tế Myanmar sẽ thu nhỏ tới 20% (còn trước đảo chính, nền kinh tế này được dự báo tăng trưởng tới 2%)

Fitch thông báo rằng “không thể loại trừ bất cứ kịch bản tệ hại nhất nào”.

Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Myanmar có thể suy giảm tới 10% trong năm 2021.

Nền kinh tế Myanmar chịu tác động xấu vì 2 lẽ. Thứ nhất, tác động của đại dịch Covid-19. Thứ hai, Phong trào Bất tuân Dân sự hối thúc công chức và người lao động không quay trở lại nơi làm việc./.

Theo VOV

Đọc thêm

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.